Ngày 4/11 (giờ địa phương), giới chức Tây Ban Nha cho biết đã đóng cửa không phận ở Đông Bắc Catalonia và 3 khu vực khác do lo ngại tên các mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc bay qua.
Cụ thể, dịch vụ khẩn cấp Catalonia thông tin: "Vì những rủi ro về nguy cơ va chạm với mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B bay qua không phận Tây Ban Nha, các chuyến bay đã bị hạn chế trong thời gian từ 9h38 đến 10h18 ở Catalonia và các khu vực khác".
Tên lửa Trường Chinh 5B, tên lửa mạnh nhất của Trung Quốc, đã khởi hành vào ngày 31/10 từ miền Nam nước này mang theo mô-đun cuối cùng của trạm vũ trụ Trung Quốc hiện đang được xây dựng.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lực hút của trái đất sẽ tác động tới phần còn lại của tên lửa. Theo đó, phần lớn tên lửa được cho là sẽ bốc cháy nhưng vẫn có những lo ngại về các mảnh vỡ còn lại của tên lửa này rơi xuống.
Dịch vụ Theo dõi và Giám sát Không gian của Liên minh châu Âu (EUSST) cho biết các mảnh vỡ rất có thể sẽ trở lại khí quyển trái đất ở khu vực Đại Tây Dương và dự kiến sẽ rơi xuống vùng biển không có người sinh sống. Tuy nhiên, cơ quan theo của EU đã đưa ra cảnh báo những mảnh vỡ tên lửa có thể sẽ bay qua không phận miền Bắc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và miền Nam Italy.
EUSST thông tin: "Xác suất cho thấy nguy cơ mảnh vỡ tên lửa rơi trúng một khu vực có dân cư sinh sống là rất thấp".
Đây là chuyến bay thứ 5 của tên lửa Trường Chinh 5B kể từ khi ra mắt vào tháng 5/2020. Trong lần triển khai đầu tiên, các mảnh vỡ của tên lửa đã đáp xuống Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số tòa nhà ở quốc gia Tây Phi tuy nhiên, không có trường hợp nào bị thương.
Sau đó, các mảnh vỡ của tên lửa thứ 2 được xác định rơi xuống Ấn Độ Dương và không gây ra bất kỳ mối đe doạ nào. Trong khi đó, tàn tích của tên lửa thứ 3 đã rơi xuống biển Sulu ở Philippines.
Trong cuộc họp thường kỳ ngày 4/11, ông Zhao Lijian, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro liên quan tới các vụ phóng tên lửa Trương Chinh 5B.
"Tên lửa này được thiết kế đặc biệt nên phần lớn các bộ phận sẽ bị phá hủy do quá trình đốt cháy khi trở lại vào khí quyển, và nguy cơ các mảnh vỡ tên lửa gây hại cho các hoạt động hàng không và mặt đất là cực kỳ thấp", Ông Zhao cho hay.
Minh Hạnh (Theo Reuters)