Hai tuyến đường sắt trên cao dài 31km do Tập đoàn Trung Quốc xây dựng tại Ethiopia có tổng mức đầu tư 475 triệu USD, hiện nay đã có lãi 3 triệu USD...
Tuyến đường sắt tại Ethiopia. Ảnh: New China |
Các tập đoàn xây dựng lớn của Trung Quốc đều phụ trách ít nhất một dự án khổng lồ tại Ethiopia, ví dụ như tuyến đường cao tốc đầu tiên, một tuyến tàu điện, trụ sở của Liên minh châu Phi (một món quà của Bắc Kinh, được khánh thành tháng 1/2012), dự án mở rộng sân bay quốc tế Bole với tổng chi phí lên đến 345 triệu USD hoàn toàn do Ngân hàng xuất nhập khẩu Eximbank của Trung Quốc tài trợ, vv..
Trong đó, dự án tiêu biểu nhất chính là tuyến đường sắt nối liền thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với nước Djibouti nhỏ bé có hải cảng, từng được xây trong thời Pháp thuộc.
Công ty Trung Quốc được phép khai thác tuyến đường sắt, đào tạo nhân viên địa phương tại các toa tàu trong vòng 6 năm và trên lý thuyết, người Ethiopia sẽ đảm nhiệm công việc này từ năm 2024.
Tuyến đường sắt giúp cắt giảm thời gian di chuyển từ thủ đô Addis Ababa đến Djibouti xuống chỉ còn 12 giờ, so với 48 giờ theo quãng đường bộ thông thường. Đường sắt cũng chạy qua một số cụm khu công nghiệp ở Addis Ababa và Dire Dawa.
Tuyến đường sắt này được khởi công vào tháng 12/2011, hoàn thành tháng 2/2015, tức là sau 38 tháng và đưa vào khai thác từ tháng 11/2015. Vốn đầu tư dự án này là 475 triệu USD.
Là đối tác thương mại hàng đầu của Ethiopia, trong khoảng thời gian từ năm 2005-2012, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia vào hơn 700 dự án tại quốc gia này. |
Tuyến đường sắt dài 31,6 km, có thể vận chuyển 200.000 hành khách/ngày ở thủ đô Addis Ababa 7 triệu dân.
Đây là hai tuyến đường sắt điện khí hoá khổ rộng 1,435 mm với 41 đoàn tàu hoạt động. Tuyến thứ nhất dài 17 km chạy từ trung tâm thành phố đến các khu công nghiệp ở phía nam được khai trương vào ngày 20/9/2015.
Tuyến thứ hai nối phía Đông với phía Tây thành phố dài 14,6 km bắt đầu đưa vào hoạt động ngày 9/11/2015.
Tổng chiều dài của cả hai tuyến là 31,6 km với 39 nhà ga. Tốc độ tàu chạy có thể đạt tới 70 km/giờ. Tần suất tàu chạy là 10 phút/chuyến trong giờ cao điểm và 20 phút/chuyến trong giờ thấp điểm.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (the Export-Import Bank of China) cung cấp 85% vốn cho dự án, còn lại là vốn đối ứng của chính phủ Ethiopia. Tập đoàn Cơ khí đường sắt hữu hạn Trung Quốc (China Railway Engineering Corporation Limited (CREC) là người thực hiện dự án này.
Tập đoàn tàu điện ngầm Thâm Quyến (Shenzhen Metro Group Company (SMGC) được giao vận hành hệ thống.
Ethiopia có kế hoạch mở rộng dự án này theo cả 4 hướng. Theo Giám đốc điều hành của Tập đoàn Đường sắt Ethiopia Getachew Betru, ngoài việc mở rộng các các tuyến hiện có, hai tuyến mới đang được chính phủ Ethiopia xem xét.
Trong khi đó, hãng thông tấn Tân hoa xã của Trung Quốc ngày 24/4/2019 đưa tin, mạng lưới giao thông đường sắt Addis Ababa (AALRT) trong 9 tháng qua đã vận chuyển được 29 triệu lượt hành khách, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng tắc nghẽn giao thông ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Bộ Giao thông Vận tải Ethiopia báo cáo lên Quốc hội, trong 9 tháng từ tháng 7/2018 đến tháng 4/2019 dự án này đã hoạt động có lãi 3 triệu USD. Chính phủ Ethiopia cho biết dự án đã tạo ra 13.000 việc làm.
Nhiều dự án khác của Tập đoàn đường sắt Trung Quốc trên thế giới cũng đang có nguy cơ chậm tiến độ. Dự án đường sắt cao tốc trên cao nối Jakarta - Bandung (Indonesia) dài 142,3 km, bắt đầu khởi động vào tháng 1/2016 và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2020 và đi vào vận hành năm 2021.
Là một phần trong dự án đường sắt cao tốc của Indonesia, tuyến đường sắt Jakarta - Bandung được kỳ vọng giúp cắt giảm thời gian di chuyển từ hơn 3 giờ đồng hồ xuống chỉ còn 40 phút. Nó nằm trong chiến lược quốc gia về giao thông vận tải của chính phủ Indonesia với tổng số vốn đầu tư 6,07 tỷ USD.
Hồi tháng 11/2019, Bộ trưởng các doanh nghiệp nhà nước Erick Thohir cho biết ông sẽ thành lập một đội đặc nhiệm kiểm soát dự án để không bỏ lỡ thời hạn hoàn tất năm 2020.
“Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn nguy cơ chậm hoàn tất dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, bởi tuyến đường sắt này cũng kết nối với Surabaya. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế”.
Nhưng đến tháng 4/2020, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Luhut Pandjaitan buộc phải tuyên bố xem xét lên lịch lại các thời hạn mục tiêu do sự ảnh hưởng của đại dịch. “Việc xây dựng dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung dự kiến sẽ bị trì hoãn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát”, một quan chức chính phủ cho hay.
Mới đây nhất, hồi đầu tháng 6, Chính phủ Indonesia đang xem xét mời Nhật Bản tham gia vào dự án này sau khi cân nhắc sự chậm trễ và tình trạng đội vốn trong tuyến đường sắt Jakarta-Bandung.
Mộc Miên(Theo railway-technology.com)