Trong luật quản lý doanh nghiệp nhà nước quy định rất rõ: Nếu lãnh đạo của các tập đoàn, các doanh nghiệp để xảy ra tình trạng lỗ liên tiếp trong vòng 2 năm mà không vì các lý do khách quan thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về khoản thua lỗ đó.
Báo cáo kết quả thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2015 vừa được tiết lộ. Theo đó, Tập đoàn này có khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng mà nguyên nhân chính đến từ hoạt động đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ cũng như các công ty thành viên.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của TKV, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của TKV đạt hơn 138.526 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 38.182 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả của tập đoàn lên tới gần 100.344 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn 62.734 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của tập đoàn gấp hơn 2,6 lần vốn chủ sở hữu và tương đương 72% tổng tài sản.
PV đã có buổi trò chuyện với PGS – TS Hoàng Văn Cường – Hiệu phó trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Đại biểu Quốc hội khóa XIV để tìm hiểu rõ hơn vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.
PV: Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước hiện nay, thưa ông?
PGS – TS Hoàng Văn Cường: Hiện nay nói chung, nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn của nhà nước bị đánh giá là kém hiệu quả. Việc kém hiệu quả này xuất phát từ rất nhiều các lý do. Lý do thứ nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thường có một hệ thống quản lý không chặt chẽ, điều này dẫn đến việc đầu tư của các tập đoàn này vào các lĩnh vực, các hoạt động dù không đem lại hiệu quả nhưng vẫn tiến hành đầu tư bởi vì đã được phê duyệt và nằm trong kế hoạch, thế nên cứ vậy đầu tư.
Điểm thứ hai là do những hoạt động của những doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước không năng động. Dẫn đến việc khi đã đầu tư, đã hoạt động rồi dù thua lỗ nhưng không thể dừng lại được, không thể chuyển đổi sang lĩnh vực khác ngay được và vẫn phải thực hiện theo nhiệm vụ đã giao. Chính vì vậy, đã không hiệu quả, đã thua lỗ lại càng thua lỗ hơn. Đây là 2 lý do rất khách quan, dẫn đến việc thua lỗ của các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước.
Ngoài ra cũng có một yếu tố( gọi là yếu tố chủ quan). Những tập đoàn, những doanh nghiệp nhà nước khi thua lỗ thì người quản lý của doanh nghiệp, tập đoàn lại không bị ảnh hưởng trực tiếp.Thậm chí, có những doanh nghiệp bị thua lỗ nhưng thu nhập, tiền lương của những người quản lý thì vẫn được hưởng theo các bậc, theo các thang bảng lương có sẵn. Điều này suy ra, thu nhập của người quản lý không bị ảnh hưởng. Thậm chí, nếu bị rơi vào tình trạng thua lỗ nhiều hơn nữa, ví dụ như rơi vào trạng thái phá sản hay phải bán tài sản, thiết bị máy móc… thì có khi lại lợi dụng được những chuyện đó để kiếm lời. Một khi tài sản phải bán đi theo dạng không sử dụng được thì giá bán không còn đúng với giá trị thật và người ta có thể bán với một cái giá rất bèo bọt. Từ đó, có thể mang lại cái lợi cho những người quản lý.
Đó chính là một trong những nguyên nhân mà bấy lâu nay người ta vẫn nói đến chuyện các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước hay bị làm ăn thua lỗ.
PGS-TS Hoàng Văn Cường – Hiệu phó trường ĐH Kinh tế Quốc Dân; Đại biểu Quốc hội khóa XIV |
PV: Cũng theo kết quả thanh tra, TKV đã trích lập và sử dụng nguồn từ các quỹ thăm do than khoáng sản, quỹ môi trường than và quỹ cấp cứu mỏ… lên tới 1.951 tỷ đồng. Tuy vậy, số dư tính đến cuối năm 2015 chỉ là 204 tỷ đồng. Vậy khoản tiền trong quỹ này được chi cho các hoạt động gì? Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, TKV có trách nhiệm mở tài khoản riêng tại các ngân hàng thương mại để theo dõi, hạch toán các quỹ nói trên nhưng TKV chưa thực hiện hành động này. Ông thấy sao về vấn đề này?
PGS – TS Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, việc phải trích lập những quỹ như quỹ về tài nguyên, quý phòng chống tai nạn, môi trường… đối với ngành khai thác tài nguyên thì đây phải là phần quỹ trích lớn và lên tới 1.951 tỷ đồng thì tôi cho là đúng. Số tiền này được dùng để tái tạo lại về tài nguyên, tái tạo lại các hệ thống khai thác tránh tình trạng có thể xảy ra những tai nạn, xảy ra những nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường… là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, khi thanh tra lại mà quỹ này còn ít tiền thì vấn đề đặt ra là quá trình sử dụng quỹ này có đúng cho mục đích đó không? Khi lập quỹ này ra mục đích là gì và TKV có sử dụng số tiền có đúng mục đích không hay là sử dụng sai mục đích? Đây là vấn đề mà cơ quan thanh tra mới có thể trả lời được. Nếu bên sử dụng dùng sai mục đích của quỹ thì đương nhiên sẽ phải xử phạt. Còn nếu như quỹ này trích ra rồi và sử dụng đúng mục đích để tái tạo ra tài nguyên hoặc tái tạo các điều kiện để bảo đảm an toàn cho các hầm lò, hoạt động khai thác hoặc bảo vệ môi trường thì tôi cho rằng đây là điều hoàn toàn bình thường.
Về vấn đề trách nhiệm mở tài khoản riêng tại các ngân hàng thương mại. Nếu như những quỹ trích lập của doanh nghiệp thì đương nhiên hoặc là phải chuyển vào kho bạc (những quỹ do kho bạc quản lý), hoặc là phải chuyển vào ngân hàng để theo dõi. Còn nếu như trường hợp mà không chuyển vào, vẫn giữ lại ở doanh nghiệp, tập đoàn thì phải dùng cái đó để đầu tư. Vậy, cái hoạt động đầu tư đấy có đúng hay không? TKV được phép đầu tư hay không, đầu tư có đúng ngành hay đầu tư trái ngành? Nếu đầu tư sai là đã vi phạm.
Còn nếu doanh nghiệp, tập đoàn giữ một phần quỹ đó lại cơ quan để sử dụng một phần cho những hoạt động cơ quan mà không đúng mục đích thì rõ ràng những việc đấy là không được phép. Cho nên, việc tập đoàn TKV không mở tài khoản, không cho tiền gửi vào đó thì phải thanh tra rõ ràng xem TKV giữ tiền lại để làm gì? Sử dụng có đúng mục đích hay không?
PV: Theo ông, trách nhiệm của TKV và các lãnh đạo tập đoàn công ty con để xảy ra tình trạng thua lỗ là như thế nào?
PGS – TS Hoàng Văn Cường: Hiện nay, trong dự thảo về luật nợ công thì nợ của doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước không thuộc về trách nhiệm của Chính phủ. Do đó, chính những tập đoàn, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Trong luật quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng quy định rất rõ: Nếu lãnh đạo của các tập đoàn, các doanh nghiệp để xảy ra tình trạng lỗ liên tiếp trong vòng 2 năm mà không vì các lý do khách quan thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về khoản thua lỗ đó. Rõ ràng, việc các công ty con để xảy ra tình trạng thua lỗ lớn dẫn đến việc TKV nợ “ngập đầu” như vậy, nếu không giải trình được là vì những lý do khách quan dẫn đến thua lỗ ví dụ như thiên tai, thay đổi chính sách rất lớn mà do thị trường thế giới, do nhà nước thay đổi đột ngột làm thiệt hại tới kinh doanh của doanh nghiệp thì trách nhiệm rõ ràng thuộc về những người đứng đầu.
Chịu trách nhiệm ở đây có 2 dạng: Thứ nhất, nếu do việc để xảy ra thua lỗ hoàn toàn do năng lực yếu kém trong quản lý, trong việc định hướng về đầu tư kinh doanh thì đấy là mức độ không hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ và rõ ràng khi không hoàn thành thì không thể tiếp tục ngồi trên những vị trí đó; Thứ hai, nếu việc xảy ra thua lỗ do cố tình, vì vị trí trách nhiệm mà làm sai hoặc anh làm thất thoát thì khi đấy đã chuyển sang trách nhiệm về mặt hình sự.
PV: Ông nhận định sao về việc Bộ Tài chính vẫn chưa chuyển cơ quan điều tra làm rõ những thua lỗ này?
PGS – TS Hoàng Văn Cường: Việc một tập đoàn thua lỗ xảy ra do 2 nhóm nguyên nhân. Nếu vì nguyên nhân có yếu tố khách quan, về những yếu tố thuộc năng lực quản lý thông thường thì đó là những yếu tố không cần phải hình sự hóa. Và chúng ta vẫn đang nói rằng “Không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế, để cho các doanh nghiệp có thể hoạt động được tốt hơn”. Nhưng nếu phát hiện ra những dấu hiệu, ở đây là những dấu hiệu về việc cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm thất thoát hoặc vụ lợi dẫn đến việc thua lỗ thì khi đấy buộc lòng phải chuyển cho cơ quan điều tra để giải quyết về mặt hình sự. Còn nếu chưa tìm ra, chưa phát hiện ra những nguy cơ đó thì có thể tạm thời giải quyết về mặt hành chính.
Cảnh tượng ngổn ngang của dự án Trung tâm giao dịch Than – Khoáng sản tại Hà Nội |
PV: Trong bối cảnh đang nợ trên 100 nghìn tỷ đồng, nhưng TKV vẫn quyết định đầu tư cho 2 dự án lớn là Trung tâm giao dịch Than – Khoáng sản Việt Nam tại Hà Nội và Quảng Ninh với tổng mức đầu tư trên 4.700 tỷ đồng. Ông thấy sao về quyết định này? (Dự án TKV tại Hà Nội dù mới khởi công xây dựng từ đầu năm 2015, nhưng nhiều tháng trở lại đây đã tạm dừng, lượng công nhân thi công giảm đi).
PGS – TS Hoàng Văn Cường: Đang thua lỗ mà lại đầu tư cho các dự án nhiều nghìn tỷ thì cần phải xem lại, xem lại tiền ở đâu mà TKV đầu tư? Bản thân TKV thua lỗ, thì đương nhiên không có tiền để tích lũy và tiền đâu để đầu tư vào các dự án này?. Theo luật đầu tư công hiện nay, nhà nước không bỏ tiền ra để các doanh nghiệp nhà nước đầu tư.
Chúng ta hiện có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và TKV cũng không loại trừ, từ trước tới nay cứ trông chờ vào bầu ngân sách và dùng tiền ngân sách để lập ra các dự án để đầu tư, còn không biết là có hiệu quả hay không. Tôi cho rằng, nếu dự án Trung tâm giao dịch Than Khoáng sản tại Hà Nội mà khởi công năm 2015 và đến giờ đang chậm lại thì cũng sẽ rơi vào tình trạng như thế. Trước đây, các doanh nghiệp, tập đoàn cứ lập dự án rồi xin ngân sách nhà nước đầu tư vào, còn đầu tư vào xong rồi hiệu quả hay không thì không cần biết. Chúng ta có thể nhìn thấy một loạt các dự án như Sợi Đình Vũ, Đạm Ninh Bình… Đây toàn là những doanh nghiệp nhà nước, lấy tiền của nhà nước đầu tư nhưng không hiệu quả. Và dự án của TKV cũng có thể rơi vào trường hợp như những ví dụ trên.
Nếu dự án của TKV cũng theo một thói quen là bấu vào bầu ngân sách nhà nước để đầu tư thì rõ ràng, đến thời điểm này dự án sẽ trở thành một dự án chết. Bởi nhà nước hiện nay không còn đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước theo kiểu dự án đầu tư kinh doanh nữa. Và các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước phải tự tìm các nguồn vốn để đầu tư. (Còn nữa)
PV: Xin cảm ơn ông!