Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu TKV báo cáo những tồn tại, nguyên nhân, thực trạng tình hình của tập đoàn trước một số dự án đầu tư kém hiệu quả gây thua lỗ hàng ngàn tỷ.
Liên quan tới tình hình thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong năm 2015, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc này.
Thông báo kết luận nêu rõ, việc sản xuất kinh doanh năm 2015 của TKV giảm sút nhiều, một số dự án đầu tư kém hiệu quả, chưa thu hồi vốn đầu tư...
Ảnh minh họa. |
Trên cơ sở báo cáo giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 đối với TKV của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu TKV tiếp thu, xây dựng Báo cáo tổng thể, đầy đủ và hoàn chỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, dòng tiền, cơ chế quản lý tập đoàn và các công ty con, quản trị; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đến thời điểm 31/12.
TKV cũng được yêu cầu đánh giá kết quả, tồn tại, nguyên nhân, thực trạng tình hình và những giải pháp cơ bản nhất về quan điểm, định hướng tái cơ cấu; kiến nghị, đề xuất.
TKV phải báo cáo hoàn thành, gửi Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trước ngày 25/3 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ Công thương, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao để tăng cường giám sát hoạt động của TKV. Nghiên cứu xử lý kịp thời các kiến nghị của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.
Về hiệp thương giá bán than cho sản xuất điện và phân bón, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, phân tích kỹ các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất, tiêu thụ than để xác định giá hiệp thương, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/3/2017.
Trước đó, theo kết luận Thanh tra, Đoàn thanh tra Bộ Tài chính đã kiểm tra tình hình kinh doanh của công ty mẹ (tập đoàn TKV) và 5 công ty thành viên gồm Tổng công ty Hoá chất mỏ, Tổng công ty Khoáng sản TKV, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV, Công ty Cổ phần Địa chất mỏ, Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc.
Tình hình đầu tư tài chính của nhiều đơn vị thuộc tập đoàn TKV đang rơi vào thua lỗ. Cụ thể, có 3/6 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn không hiệu quả.
Cụ thể, TKV đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31/12/2015 là 15.729 tỷ đồng vào 59 công ty (gồm 49 công ty con, 7 công ty liên doanh, liên kết và 3 công ty khác). Năm 2015, có 50 công ty kinh doanh có lãi với số tiền đạt 654 tỷ đồng, cổ tức và lợi nhuận được chia là 98,6 tỷ đồng. Tuy nhiên 9 công ty còn lại thua lỗ với số tiền lên đến 594 tỷ đồng. Có 11 công ty kinh doanh lỗ luỹ kế lên tới 1.407 tỷ đồng.
Tổng công ty Điện lực TKV lỗ luỹ kế 828 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vận tải thuỷ lỗ 139 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hoá lỗ 115 tỷ đồng, Công ty Đóng tàu Sông Ninh lỗ 90,3 tỷ đồng, Công ty Liên doanh Aluminna (Campuchia - Việt Nam) lỗ 69,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Than Tây Nam Đá Mài lỗ gần 70 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Kê lỗ 17 tỷ đồng.
Theo báo cáo, Tổng công ty Khoáng sản TKV tiếp tục đầu tư dài hạn tại thời điểm 31/12/2015 là 720,5 tỷ đồng vào 18 công ty. Trong số này có 11 công ty có lãi gần 72 tỷ đồng nhưng 7 công ty còn lại thua lỗ lên tới hơn 124 tỷ đồng trong năm 2015. Tính luỹ kế đến hết 2015, 12 công ty lỗ tới hơn 284 tỷ đồng.
Điển hình như Công ty Cổ phần Xi măng Tân Quang lỗ 72 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vàng Lào cai lỗ 68,8 tỷ đồng, Công ty Gang thép Cao Bằng lỗ gần 46 tỷ, Công ty Gạch ngói và Vật liệu xây dựng Đồng Nai lỗ 26,6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Kim loại màu Tuyên Quang lỗ 24,6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phát triển khoáng sản 4 lỗ 17,3 tỷ đồng.
Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV đầu tư dài hạn 514,7 tỷ đồng vào 12 công ty con. Năm 2015 12 công ty kinh doanh đều có lãi với số tiền 86 tỷ đồng, cổ tức được chia là 8,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cuối năm 2015, có 3 công ty vẫn lỗ luỹ kế 265 tỷ đồng, đó là Công ty Xi măng Quán Triều, Công ty Xi măng Tân Quang, Công ty Than điện Nông Sơn.