+Aa-
    Zalo

    Tập đoàn Long Phương của ông Nguyễn Tiến Long và hệ sinh thái gốm sứ, nước sạch và bất động sản

    (ĐS&PL) - Thời điểm mới thành lập, Long Phương có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm ông Nguyễn Tiến Long (nắm 98,33%) và cổ đông Ngô Hữu Tam (nắm 1,6%). Cập nhật đăng ký doanh nghiệp mới nhất, Tập đoàn Long Phương có vốn điều lệ 919 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được đề cập cụ thể.

    Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Ninh vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 113,6 tỷ đồng; tăng 16,7% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng 7,6% lên mức 90,5 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 23 tỷ đồng; tăng 74%.

    Các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt ghi nhận ở mức 6,6 tỷ đồng và 7,7 tỷ đồng; tương ứng tăng 371% và 15% so với cùng kỳ. Sau cùng, Nước sạch Bắc Ninh báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm tăng 36,7%, đạt mức 9,8 tỷ đồng.

    Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Nước sạch Bắc Ninh đạt hơn 730 tỷ đồng, tăng khoảng 12 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 40,7 tỷ đồng; tăng 11%. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng thêm 10 tỷ đồng lên mức 33,5 tỷ đồng.

    Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Nước sạch Bắc Ninh là 329,1 tỷ đồng; tăng nhẹ sau 6 tháng đầu năm, trong đó chủ yếu là nợ dài hạn (253,2 tỷ đồng). Trong đó, công ty có khoản vay dài hạn 45,4 tỷ đồng từ Ngân hàng BIDV; 108,6 tỷ đồng từ Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam; 20,9 tỷ đồng từ Bộ Tài chính.

    Công ty cổ phần nước sạch Bắc Ninh tiền thân là Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Bắc Ninh. Công ty này được cổ phần hóa từ năm 2015 theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh. Hiện tại, BNW có vốn điều lệ hơn 375 tỷ đồng.

    Các cổ đông của Nước sạch Bắc Ninh bao gồm: UBND Tỉnh Bắc Ninh (nắm 49,06% vốn); CTCP Tập đoàn Long Phương (nắm 35,06%) vốn và các cổ đông khác (nắm 15,88%). Chủ tịch HĐQT của công ty hiện tại là ông Nguyễn Tiến Long (sinh năm 1971). Vị này cũng là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Long Phương.

    Hệ sinh thái gốm sứ, nước sạch và bất động sản của Tập đoàn Long Phương

    Theo giới thiệu. Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Phương được thành lập vào năm 2002, khởi nghiệp từ lĩnh vực kinh doanh đồ gốm sứ gia dụng, Long Phương chuyên cung cấp sản phẩm sứ tới các nhà hàng và khách sạn khắp Việt Nam.

    Thương hiệu “Sứ Long Phương” đã cho ra đời hơn 400 mẫu mã sản phẩm, độ phủ sóng sản phẩm khắp 63 tỉnh thành với năng lực sản xuất lên tới 100.000 sản phẩm/ngày, khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

    Từ năm 2017, Long Phương đã đầu tư phát triển bất động sản, cho thuê nhà xưởng và mặt sàn thương mại. Ngoài ra Long Phương còn là chủ đầu tư các dự án lớn về khu nhà ở như: Khu nhà ở Vũ Ninh, Khu nhà ở Trang Hạ, Khu nhà ở Đông Ngàn,…

    Theo dữ liệu của PV, thời điểm mới thành lập, Long Phương có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm ông Nguyễn Tiến Long (nắm 98,33%) và cổ đông Ngô Hữu Tam (nắm 1,6%). Cập nhật đăng ký doanh nghiệp mới nhất, Tập đoàn Long Phương có vốn điều lệ 919 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được đề cập cụ thể.

    tap doan long phuong cua ong nguyen tien long va he sinh thai gom su nuoc sach va bat dong san
    Trụ sở chính của Tập đoàn Long Phương.

    Tại Bắc Ninh, Tập đoàn Long Phương là chủ đầu dự án Nhà máy nước mặt Thành phố Bắc Ninh. Đây là dự án được triển khai theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT), tổng vốn đầu tư 470 tỷ đồng, được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015.

    Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, để đối ứng cho dự án Nhà máy nước mặt Thành phố Bắc Ninh, UBND tỉnh đã giao cho Tập đoàn Long Phương khu đất dự án khu đô thị Hòa Long (thành phố Bắc Ninh), diện tích 45,5ha. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm (từ tháng 3/2012 đến tháng 5/2017), Tập đoàn Long Phương không có động thái triển khai.

    Đến ngày 22/5/2017, doanh nghiệp này xin trả lại dự án với lý do chưa có đường giao thông kết nối với đường giao thông chính của thành phố. UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết động thái này của nhà đầu tư gây thiệt hại, ảnh hưởng đến tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế của tỉnh…

    Tháng 12/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ký quyết định giao đất cho CTCP Tập đoàn Long Phương để xây dựng khu nhà ở phường Trang Hạ (thị xã Từ Sơn) để khai thác giá trị quyền sử dụng đất, hoàn trả chi phí đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt thành phố Bắc Ninh theo hình thức BT. Tổng diện tích đất được giao là 46.681 m2.

    Đến tháng 1/2022, UBND tỉnh Bắc Ninh ký quyết định về việc giao đất cho CTCP Tập đoàn Long Phương để xây dựng khu nhà ở Vũ Ninh (TP Bắc Ninh) để khai thác giá trị quyền sử dụng đất, hoàn trả chi phí đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt thành phố Bắc Ninh theo hình thức BT. Tổng diện tích đất được giao là 34.663 m2.

    XEM THÊM: Bất ngờ mức lương của vị Chủ tịch bán “chui” 2,6 triệu cổ phiếu LDG

    Theo dữ liệu từ Cục đăng ký giao dịch đảm bảo, tháng 3/2023, Tập đoàn Long Phương đã sử dụng một xe ô tô Mercedes – Benz Gls 450 làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam.

    Đến tháng 7/2023, cũng tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam, doanh nghiệp này tiếp tục sử dụng một xe ô tô Lexus Rx350 làm tài sản thế chấp cho khoản vay.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tap-doan-long-phuong-cua-ong-nguyen-tien-long-va-he-sinh-thai-gom-su-nuoc-sach-va-bat-dong-san-a587390.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan