+Aa-
    Zalo

    Tạp chí Đời sống và Pháp luật nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tạp chí Đời sống và Pháp luật vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do đã có thành tích trong công tác thực hiện quy hoạch báo chí.

    Tạp chí Đời sống và Pháp luật vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do đã có thành tích trong công tác thực hiện quy hoạch báo chí.

    Hội báo Đời sống và Pháp luật nhân dịp 20 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (2/3/2001 – 2/3/2021) được tổ chức vào sáng 1/4 tại trung tâm Hội nghị Quốc gia.

    Buổi lễ có sự góp mặt của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương đảng, Tổng biên tập tạp chí Cộng sản; PGS.TS Bùi Nhật Quang - Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Thượng tướng Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng bộ Quốc phòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; ông Nguyễn Văn Quyền – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam; ông Trần Công Phàn – Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký hội Luật gia Việt Nam; ông Trần Đức Long – Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam, cùng lãnh đạo các đơn vị báo chí và các cán bộ, phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật các thế hệ.

    Ông Nguyễn Tiến Thanh - Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật phát biểu nhìn lại chặng đường 20 năm tại Hội báo. (Ảnh Trọng Tùng)

    Báo cáo hoạt động 20 năm và phương hướng nhiệm vụ phát triển của tạp chí trong những năm tiếp theo, Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh bày tỏ: Tuổi 20, hành trình đầy sóng gió nhưng cũng đầy tự hào, những cung bậc cảm xúc đọng lại trong 20 năm khó nói hết bằng lời.

    Với quyết tâm tiến ra biển lớn, từ một trụ sở đi mượn, 17 người khai sơn phá thạch tự thắp lửa trong tim mình, sau những khó khăn ban đầu, tờ báo đã có chỗ đứng vững chãi và có lúc đứng vào hàng ngũ những tờ báo phát triển tốt nhất của báo chí trong nước. Đời sống và Pháp luật đã có mặt tại tất cả các sạp báo trên cả nước, có văn phòng đại diện ở các vùng miền.

    Một dấu mốc quan trọng trong hành trình 20 năm trưởng thành và phát triển của Đời sống và Pháp luật không thể không nhắc đến, đó là ngày 1/4/2020, báo Đời sống và Pháp luật chính thức chuyển đổi sang tạp chí theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến 2025. Cũng thời điểm này, cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19.

    “Vào những thời khắc khó khăn đó, chúng tôi đã vượt qua, không chỉ đơn giản nhờ vào sự nỗ lực, kỹ năng hay tầm nhìn, mà bởi vì chúng tôi đã có những trải nghiệm cùng với những bài học về sức mạnh của ý chí, sự tâm huyết và lòng nhiệt tình cũng như niềm tự hào về những giá trị khác biệt của những ấn phẩm báo chí mà tập thể những người làm báo ở tạp chí Đời sống và Pháp luật đã dày công xây dựng suốt nhiều năm qua”, Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh nhấn mạnh, đồng thời gửi lời tri ân đến bạn đọc đã gắn bó với tờ báo, nay là tạp chí trong suốt 20 năm qua.

    PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập tạp chí Cộng sản trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tạp chí Đời sống và Pháp luật. (Ảnh: Trọng Tùng)

    Tại Hội báo được tổ chức lần này, tạp chí Đời sống và Pháp luật vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do đã có thành tích trong công tác thực hiện quy hoạch báo chí theo Quyết định Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ và công tác tuyên truyền phòng, chống Covid-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

    Phát biểu chúc mừng tại hội báo, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền bày tỏ niềm vui mừng khi Ban Biên tập cùng toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho tạp chí Đời sống và Pháp luật.

    Trải qua 20 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của hội Luật gia Việt Nam. Với tinh thần yêu nghề, mong muốn được gắn bó lâu dài với báo, với Hội, cán bộ, phóng viên, biên tập viên đã vượt mọi khó khăn để bám trụ cùng phát triển như ngày hôm nay.

    Ông Nguyễn Văn Quyền – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Trọng Tùng)

    Lãnh đạo Hội luôn đặt niềm tin vào hoạt động của tạp chí, và đề nghị tạp chí tiếp tục làm tốt tôn chỉ, mục đích, chuyển tải chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền sâu rộng hoạt động của hội Luật gia Việt Nam. Đưa tin trung thực, chính xác, định hướng dư luận một cách đúng đắn.

    Cũng tại Hội báo, Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh đã trình bày báo cáo tổng kết những công việc tạp chí Đời sống và Pháp luật đã làm trong 20 năm. Sau đây, chúng tôi xin gửi tới độc giả trích đoạn báo cáo:

    "Ở tuổi 20, qua một hành trình rất nhiều sóng gió và cũng không ít thành công, Đời sống và Pháp luật đã đạt những thành tựu đáng tự hào: Từ lúc chỉ xuất bản 1 tuần 1 kỳ báo với tia -ra phát hành hơn ngàn tờ, đến thời điểm trước khi thực hiện quy hoạch báo chí vào tháng tư năm 2020, đã có lúc Đời sống và Pháp luật xuất bản 14 kỳ báo in/tuần với tổng số lượng phát hành lên tới hàng triệu bản/tuần, đứng vào hàng ngũ những tờ báo có số lượng phát hành báo in lớn nhất trong nước. Cũng vào thời điểm đó, báo điện tử Người đưa tin-một sản phẩm khác của Đời sống và Pháp luật cùng với 4 chuyên trang online đạt lượng truy cập hàng trăm triệu lượt/tháng.

    Cho đến hôm nay, ở bất cứ đâu, từ biên giới đến hải đảo, từ thành thị đến nông thôn, từ Trường Sa dông bão đến những ngôi trường vùng cao mờ sương đều in dấu chân của phóng viên tạp chí Đời sống & Pháp luật. Và theo chân họ - những bước chân quả cảm với rất nhiều mồ hôi, nước mắt, sự tâm huyết và lòng nhiệt tình - là những thông tin kịp thời, hấp dẫn, trung thực, chính xác hiện diện trên tờ tạp chí được đông đảo bạn đọc cả nước yêu mến và tin cậy...

    Để có thể thành công, cần sự may mắn, nhưng sự may mắn đó phải bắt nguồn từ những nỗ lực nắm bắt cơ hội. Chúng tôi nhận ra rằng, trong kỷ nguyên đa phương tiện, muốn tiếp cận bạn đọc phải có sự thay đổi trong nhận thức, trong tư duy tác nghiệp của mỗi người làm báo. Trước khi chạm đến thành quả, mỗi thành viên trong tòa soạn, ngoài sự nỗ lực và niềm đam mê nghề nghiệp, đều phải tự trang bị những kỹ năng tối cần thiết cho một phóng viên báo chí hiện đại, phù hợp và thích nghi với truyền thông đa phương tiện. Và quan trọng hơn hết, họ phải tạo được bản sắc trong cách phát hiện và khai thác đề tài, trong lối viết của riêng mình. Nói cách khác, ở thời công nghệ số người đọc sẽ không bỏ tiền ra mua chữ nghĩa của tờ báo (in trên giấy) để biết tin tức.

    Họ mua lối viết và cách nhìn của tờ báo. Vì vậy phải xác định lại cấu trúc tin tức. Bạn đọc không cần báo in cho họ biết "Ai, cái gì, ở đâu". Họ cần báo in miêu tả "Ai, cái gì, ở đâu" (mà họ đã biết qua báo mạng)- một cách hấp dẫn và sinh động nhất, họ cần báo in đưa ra những quan điểm về "Ai, cái gì, ở đâu" một cách thông minh, thú vị và bất ngờ nhất...

    Mặt khác, truyền thông đa phương tiện phát triển quá nhanh, làm thay đổi mọi giá trị, thay đổi cả đích đến. Trên thực tế, từ 10 năm trước, tin tức đã không còn là sản phẩm của riêng báo chí. Bản thân báo chí cũng đang phải đương đầu với những thách thức của mạng xã hội, một nền tảng có tính tương tác thông tin mạnh hơn bất kỳ loại hình báo chí nào. Và cũng từ thời điểm đó, trong hầu hết mọi tòa soạn báo truyền thống tương tự như Đời sống & Pháp luật, xu hướng dịch chuyển trụ cột từ báo in sang online là tất yếu.

    Hành động thiên di trong một tâm thế phiêu lưu, ở đó, các thủ thuật công nghệ tăng view vừa như một hiểm họa, vừa giống một giấc mơ, thể hiện một quyền năng đáng kinh ngạc đối lập với nội dung báo chí, mọc lên từ sự mê hoặc khó cưỡng lại của các chỉ số truy cập, lưu trang hiển thị từng giây. Nó đòi hỏi chúng tôi chọn lấy một thái độ dấn thân: hoặc tập trung đầu tư đội ngũ làm thủ thuật công nghệ, đổi lấy sự hiệu quả bằng một bảng số liệu đẹp, câu view bằng mọi cách để thu tiền từ các nền tảng quảng cáo tự động; hoặc kiên định xây dựng nội dung-giá trị cốt lõi của mọi loại hình truyền thông- để thật sự làm cho báo chí đoạt lại vị trí làm chủ dòng chủ lưu dư luận.

    Một câu hỏi khi ấy rền vang trong tư duy lưỡng lự của Đời sống & Pháp luật và một số ít tờ báo in còn trụ lại: tồn tại như thế nào? Bay bằng đôi cánh công nghệ trên cõi hỗn độn của mạng xã hội để rồi rơi xuống vực thẳm của sự vong thân hay đi bằng đôi chân trần rướm máu của chất lượng nội dung (dĩ nhiên là vẫn phải có sự hỗ trợ cần thiết của công nghệ), bước những bước chật vật khó khăn trên chặng hành trình trải đầy gai nhọn và sỏi đá để tiếp cận một thế hệ bạn đọc hoàn toàn khác, hoàn toàn mới mẻ so với báo in? Đời sống và Pháp luật chọn cách thứ hai, và đã bước những bước vững chắc trong thời kỳ “hậu” báo in...

    Một dấu mốc quan trọng trong hành trình 20 năm trưởng thành và phát triển của Đời sống và Pháp luật không thể không nhắc đến, đó là ngày 1/4/2020, báo Đời sống và Pháp luật chính thức chuyển đổi sang Tạp chí theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến 2025. Cũng thời điểm này, cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid. Chỉ nói ngắn gọn như vậy cũng đủ hình dung được những thách thức lớn lao mà một cơ quan báo chí tự hạch toán như tạp chí Đời sống và Pháp luật phải đối diện. Vào những thời khắc khó khăn đó, chúng tôi đã vượt qua, không chỉ đơn giản nhờ vào sự nỗ lực, kỹ năng hay tầm nhìn, mà bởi vì chúng tôi đã có những trải nghiệm cùng với những bài học về sức mạnh của ý chí, sự tâm huyết và lòng nhiệt tình cũng như niềm tự hào về những giá trị khác biệt của những ấn phẩm báo chí mà tập thể những người làm báo ở tạp chí Đời sống và Pháp luật đã dày công xây dựng suốt nhiều năm qua. Bởi chúng tôi biết rằng, tạp chí Đời sống và Pháp luật không chỉ đơn thuần là một cơ quan làm việc mang lại thu nhập , mà còn là một nơi chốn đi về của một tập thể đoàn kết, ở đó mỗi cá nhân được thể hiện năng lực, theo đuổi khát vọng và thoả mãn đam mê nghề nghiệp.

    Chúng tôi hiểu rằng, chuyển đổi sang Tạp chí, mỗi cá nhân trong toà soạn phải được trang bị và tự trang bị lại hệ thống kỹ năng và cả tư duy nghề nghiệp: thay vì nỗ lực tập trung vào phần nhỏ của biển thông tin đa dạng như khi làm báo thì hãy tập trung vào phần lớn của lĩnh vực thông tin chuyên biệt phù hợp với tôn chỉ mục đích được quy định và đối tượng bạn đọc phù hợp. Bởi trong một biển thông tin khổng lồ của mạng xã hội, với ưu thế chuyên sâu, tạp chí có thể chọn những dòng chảy thông tin phạm vi nhỏ nhưng đủ mạnh mẽ để tạo sự khác biệt, lay động được cảm xúc và gây sự chú ý cho bạn đọc. Định vị không gian thông tin hẹp có thể giúp tạp chí giảm thiểu ngân sách đầu tư, tập trung nguồn lực để kiến tạo nội dung và tương tác với bạn đọc.

    Trong không gian của nhật báo mà chúng tôi làm trước đây, chỉ có sự tồn tại của nguyên nhân và kết cục, mỗi hành vi không phải là một cảnh ngộ, mỗi nhân vật không phải là một số phận- đơn giản vì đó không phải mối quan tâm của tin tức.Vào thời tiền Internet,cách làm nhật báo tin tức kiểu này giúp Đời sống và Pháp luật tiếp cận số đông nhờ ưu thế đặc biệt về tốc độ. Nhưng rồi thời cuộc đổi thay, ưu thế đó lại khiến nhật báo tin tức bị rớt lại phía sau cuộc đua với mạng xã hội và đường càng xa càng mịt mù hy vọng. Điều quan trọng là trong bối cảnh mạng xã hội đang thiết lập một trật tự truyền thông mới: người đọc tin đồng thời là người đưa tin (một cách tự nhiên chủ nghĩa), đạo đức và kỹ năng báo chí như một giao ước buộc chặt nhà báo vào đời sống xã hội, cho dù họ đang làm báo hay làm tạp chí, chất lên vai họ trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, gợi mở hay định hướng.

    Bởi vậy, chúng tôi cũng hiểu rằng, để làm Tạp chí thành công trong thời đại công nghệ, chúng tôi phải vượt ra ngoài khái niệm đưa tin (theo cách hiểu truyền thống là hướng tới tốc độ, ngắn gọn, chộp lấy khoảnh khắc hiện sinh), để trở thành một nơi ký thác cảm xúc, nhận thức và cả trí tưởng tượng của người đọc. Ở góc độ này, tạp chí - đúng hơn là phương thức tiếp cận thông tin của tạp chí-chiếm ưu thế. Khi ranh giới của các loại hình truyền thông đã vỡ tung vì mạng xã hội, tạp chí có cơ hội “trỗi dậy trở lại” bởi phương thức tiếp cận thông tin chậm rãi, có khoảng lùi thời gian đủ để suy nghiệm thấu đáo và xác thực thông tin-như câu phương ngôn: “Lùi một bước trời cao bể rộng”.

    Mặt khác, tính chuyên biệt, chuyên sâu của tạp chí cũng có khả năng tạo ra sự khác biệt với mạng xã hội: thông tin cắm sâu vào hiện thực để mọc lên vẻ ngoạn mục của góc nhìn. Đó là những gì mà chúng tôi -những người làm tạp chí Đời sống & Pháp luật cảm nhận được - để kiến tạo nên con đường đi mới trên chặng hành trình phát triển đầy thử thách sắp tới".

    Đời sống và Pháp luật

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tap-chi-doi-song-va-phap-luat-nhan-bang-khen-cua-thu-tuong-chinh-phu-a361131.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan