+Aa-
    Zalo

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Khi làm báo Đời sống và Pháp luật, chúng tôi đã thay đổi quan niệm “văn Bắc, báo Nam”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Lần đầu tiên người ta nhìn thấy chiều sâu tâm hồn con người qua những bài báo về pháp luật chứ không chỉ là những quy định cứng nhắc như vạch kẻ ngăn cách."

    Tân Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam lịch hẹn chồng chéo trong những ngày cuối năm - cũng là những ngày đầu ông nhậm chức. Ông vừa kết thúc cuộc phỏng vấn của báo Nhân dân với tư cách tân Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam, sau đó trao thiệp mời về triển lãm tranh và gặp tôi để nói về chuyện làm báo và chuyện một thời ông đã trực tiếp “cầm” nội dung một ấn phẩm của Đời sống và Pháp luật suốt gần 10 năm. 

    Ông có thời gian làm một ấn phẩm rất thành công của Đời sống & Pháp luật cách đây hơn 10 năm - tờ Pháp luật & Cuộc sống. Đó là một "cú nổ" khi Nam tiến với 100.000 bản. Đây có phải giai đoạn làm báo đỉnh cao của ông?

    Đó là giai đoạn báo giấy phát triển. Pháp luật & Cuộc sống thành công vì có cách làm khác. Người ta nghĩ Pháp luật & Cuộc sống làm về pháp luật đơn thuần. Nhưng chúng tôi đã làm một tầng pháp luật khác. Không chỉ là pháp luật trên văn bản mà là luật pháp trong tim của mỗi con người - những luật pháp con người đặt ra cho hành xử của mình để bảo vệ cái đẹp và những câu chuyện rất đời đằng sau đó. Lần đầu tiên người ta nhìn thấy chiều sâu tâm hồn con người qua những bài báo về pháp luật chứ không chỉ là những quy định cứng nhắc như vạch kẻ ngăn cách. Ở đó có một thứ rất khác. Vì thế tờ báo phát triển rất nhanh. Mỗi số báo sau lại có lượng tia- ra tăng rõ rệt so với số trước và Nam tiến một cách mạnh mẽ đến nỗi một số đồng nghiệp phía Nam có phần không thích. Người ta nói "văn Bắc, báo Nam", chúng tôi đã thay đổi điều đó.

    Ông đã đứng ra tổ chức nhiều tờ báo, có phải Pháp luật & Cuộc sống là nơi ông thể nghiệm cách làm báo mới?

    Đúng. Tôi đã có ý định thử nghiệm cách làm báo này ở nhiều nơi tôi cộng tác nhưng đều không được lãnh đạo ở đó chấp nhận. Phải nói rằng những thành viên trong Ban Biên tập của báo Đời sống & Pháp luật là những người rất hiểu biết về báo chí, và cả cuộc đời, pha chút văn chương. Ý tưởng của tôi đồng nhịp với ý tưởng của Ban Biên tập nên chúng tôi được Ban Biên tập đồng hành. Tờ báo nhịp nhàng phát triển và thăng hoa. Nó có lượng bạn đọc lớn trong thời gian ngắn. Người ta không chỉ sẵn sàng mua báo mà còn bỏ tiền ra để đặt chỗ dài kỳ.

    Chúng ta cứ nghĩ bán được 10 vạn tờ về án thì có nghĩa là độc giả chỉ quan tâm đến án nhưng sự thật là còn rất nhiều vạn độc giả khác đang chờ đợi thứ khác. Đó là sự rung cảm. Vì thế, cách kể chuyện là điều rất quan trọng.

    Tôi làm ở VietNamNet 4 năm và đã làm một cuộc khảo sát và biết rằng những bài viết về chiều sâu của tâm hồn, lý giải hành vi và những câu chuyện xung quanh một sự việc là điều độc giả quan tâm hơn tin tức. Một bài viết về vấn đề văn hóa sâu sắc có lượng truy cập cao hơn một vụ án.

    Đây là cách thức làm báo lạ lùng, ngay cả trên thế giới. Khi tôi đi nói chuyện với các nhà văn, nhà báo, thậm chí với những cơ quan báo chí lớn như Washington Post, họ cũng bất ngờ. Họ không làm báo như thế. Ngoài tin tức, chính sách, chúng tôi còn viết về con người và những giấc mơ đẹp đẽ.

    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Cách kể chuyện là điều rất quan trọng". Ảnh: Thanh Xuân.

    Cách làm báo đó đã thành công cách đây 10 năm, đến thời điểm hiện tại, ông vẫn giữ quan điểm làm báo đó?

    Có những người mỗi năm đọc 10 đến 12 cuốn tiểu thuyết, không phải vì họ cần tin tức mà vì họ muốn đọc những câu chuyện. Có những thứ không bao giờ thay đổi.

    Tôi luôn mơ đến việc có được hai tờ báo, một là tờ Người kể chuyện và hai là tờ Cà phê sáng.

    Tờ đầu tiên sẽ chỉ kể những câu chuyện tốt nhất trên thế gian này, những điều đẹp đẽ nhất, hoàn toàn chỉ có tin tích cực, không có tin tiêu cực. Dạo này người ta hay nói "báo chí nhiều chuyện tiêu cực quá" nên tôi nghĩ nếu tờ này ra được thì lượng độc giả sẽ rất đông.

    Tờ thứ hai, tôi đã nói chuyện với Đặng Lê Nguyên Vũ. Đây sẽ là nơi để những câu chuyện trong đêm vang lên và đến tay độc giả vào mỗi buổi sáng. Tờ báo sẽ viết về những tin tức xảy ra trong đêm - khi mọi người chìm vào giấc ngủ - biết bao chuyện xảy ra, biết bao phận người đã thay đổi.

    Cuộc nói chuyện về tờ Cà phê sáng có kết quả ra sao, thưa ông?

    Nó không thành. Có vẻ họ ngại vì khi hỏi về lương, tôi nói cần trả tôi 300 triệu/tháng. Có thể họ nghĩ trả 300 triệu cho tôi là không xứng đáng nhưng tôi cho rằng số tiền đó là quá rẻ để tôi xả thân.

    Ông làm nội dung của rất nhiều tờ báo nhưng chưa bao giờ ở vị trí lãnh đạo để thực hiện hóa mong ước của mình, vì sao thế?

    Vì tôi chưa bao giờ được bổ nhiệm. Tôi đã làm rất nhiều tờ báo như An ninh thế giới cuối tháng, Cảnh sát Toàn cầu, Văn nghệ trẻ, Pháp luật & Cuộc sống, Bóng đá & Cuộc sống,... Tôi cũng là người viết báo nhiều. Dù rất muốn nhưng chưa bao giờ tôi được làm chủ bút, ngay cả tờ Văn nghệ của hội Nhà văn. Từ Đại hội VIII hội Nhà văn Việt Nam, nhiều hội viên đã muốn tôi làm để tờ báo được sống động hơn nhưng Ban chấp hành không giao việc đó cho tôi. Đến Đại hội IX cũng vậy. Còn Đại hội X thì tôi làm Chủ tịch rồi nên không làm Tổng biên tập được nữa.

    Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị và chúc mừng ông trong vai trò mới!

    Thanh Xuân

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 11 số

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-tho-nguyen-quang-thieu-khi-lam-bao-doi-song-va-phap-luat-chung-toi-da-thay-doi-quan-niem-van-bac-bao-nam-a354873.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan