Cần sớm có Luật Nhà giáo
Theo báo Tiền phong, một trong những thay đổi đáng chú ý mà Bộ GD&ĐT công bố trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 đó là xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông theo hướng: “Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố”.
Lâu nay, vấn đề xét tốt nghiệp có tỷ lệ học bạ luôn là chủ đề được quan tâm. Thậm chí, có ý kiến cho rằng việc sử dụng tỷ lệ 30% điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp đã có nhiều hạn chế, nảy sinh việc “make up (làm đẹp) học bạ”, nay lại tăng lên 50% thì càng đáng lo ngại.
Trước sự lo ngại của dư luận về một số điều tiêu cực và bất cập trong thực tiễn, TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, về lâu dài đây là một chủ trương đúng.
Ông Vinh khẳng định,đây là một chủ trương đúng đắn. Vì tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển hẳn sang mục tiêu hình thành năng lực. Và muốn sang hình thành năng lực thì phải có giải pháp đo lường đánh giá. Cách thi hiện nay thì không đủ đánh giá năng lực của người học.
Ông Vinh cho rằng, phải đánh giá quá trình không phải chỉ trong lớp 12 của một số môn thi. Người ta đánh giá 3 năm học của học sinh thì đây rõ ràng là một tiến bộ vì sẽ đánh giá được cả quá trình học tập, năng lực và thái độ học tập trong học bạ. Về mặt khoa học sư phạm là phù hợp.
Vấn đề dư luận nghi ngại 30% đã là không ổn vì đã có chuyện "làm đẹp học bạ" cho các em điểm để đỗ tốt nghiệp, ông Vinh nói: “Đây là chuyện không thể tránh được lại dùng xét tuyển đại học thì thầy cô lại làm đẹp học bạ. Hiện nay ý thức của giáo viên chưa tốt, Luật Nhà giáo thì chưa ra đời để tăng trách nhiệm của người giáo viên”.
Theo ông Vinh, để tránh chuyện “làm đẹp học bạ” cần công nghệ kiểm soát. Cần phải có học bạ điện tử, quản lý hệ thống mạng, giảm thiểu việc chỉnh sửa được. Tuy nhiên, cuối cùng người đánh giá cho vào điểm vẫn là giáo viên dù trên máy. Nên giải pháp là phải nâng cao nhận thức của giáo viên để giáo viên đánh giá đúng học sinh. Tuyệt đối tránh tình trạng đánh giá không đúng học sinh để bắt học sinh đi học thêm.
Trong đó, lãnh đạo trường và bộ môn có trách nhiệm rất lớn. Đề thi phải có trưởng bộ môn duyệt, kí vào đó. Cần bám sát chuẩn đầu ra (mục tiêu) của môn học đó để đừng đánh giá sai, tránh trường hợp lạm phát điểm.
“Tóm lại để ngăn ngừa tình trạng này cần sớm có Luật Nhà giáo. Xây dựng lại ý thức của nhà giáo. Nhà giáo cần trung thực, thẳng thắn để học sinh mới chịu học. Thêm nữa, dùng công nghệ để không gian lận được điểm số”, ông Vinh chia sẻ.
Tận dụng hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành
Trong khi đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời thầy Nguyễn Thành Long - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội cho biết, bất cứ một phương thức nào được đề xuất và thực hiện cũng đều có 2 mặt. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào những điểm thuận lợi và tích cực để từ đó tìm kiếm những giải pháp khắc phục những bất cập còn tồn tại.
Theo thầy Long, sự lo ngại của dư luận về một số điều tiêu cực và bất cập trong thực tiễn không hẳn là thiếu căn cứ. Trên thực tế, kiểm soát được những biểu hiện tiêu cực luôn là một vấn đề nan giải và cần nhiều thời gian khống chế, đặc biệt hơn tại môi trường giáo dục thì rất khó có thể đảm bảo rằng sẽ có một giải pháp triệt để giải quyết những hạn chế còn tồn tại đó.
Hiện nay, Sở GD&ĐT ở từng địa phương cũng đã có sự chỉ đạo cụ thể cho từng đơn vị cũng như đưa ra những yêu cầu đảm bảo kiến thức đầu ra cho từng môn học. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã có hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành và các tỉnh thành đều sử đang chung trên một hệ thống dữ liệu nên phần nào đảm bảo được tính minh bạch, công bằng và rõ ràng.
Với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, mọi kết quả học tập, kiểm tra đánh giá thường xuyên đều được nhập lên hệ thống một cách công khai và việc chỉnh sửa hay thay đổi đều được lưu vết rõ ràng. Khi đó, Sở, Bộ GD&ĐT có thể trực tiếp quản lý và giám sát quá trình thực hiện tại từng trường và với những trường hợp vi phạm thì sẽ có cơ sở để xử lý.
Theo đó, cần làm rõ và nâng cao trách nhiệm của người quản lý, lãnh đạo tại các trường Trung học phổ thông trong việc chỉ đạo công tác giảng dạy, kiểm tra đánh giá nghiêm túc và minh bạch trong nội bộ nhà trường.
Trên thực tế, thầy cô là người tham gia giảng dạy, đánh giá và đưa ra điểm số cuối cùng cho người học nên cần được giám sát chặt chẽ dưới sự quản lý của lãnh đạo nhà trường. Nếu giáo viên thực hiện tốt và làm đúng trách nhiệm cũng như giữ vững lương tâm nghề nghiệp thì phương thức này sẽ phát huy được hiệu quả tích cực đúng như kỳ vọng.
Thế nên, tại mỗi cơ sở đào tạo cần chủ động và tự giác làm chặt công tác quản lý và đánh giá thực chất năng lực người học để đảm bảo chất lượng đầu ra không có sự chênh lệch với kết quả tại các kỳ thi, kiểm tra đánh giá nội bộ trong trường.