Những từ thốt lên từ tận đáy lòng “đau xót”, “tang thương quá”...liên tục được nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện của người dân tổ 44, (phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long) khi kể về thảm cảnh xảy ra với 9 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Thược (75 tuổi).
Tình người đêm lũ
Con đường dài gần 500 m dẫn vào khu nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Thược (75 tuổi), trước vốn là đường bê tông bằng phẳng, giờ trở nên nhấp nhô đầy cát, sỏi với đất đồi đỏ quạch nhão nhoét do nước trên đỉnh đồi liên tục chảy xuống. Không khí tang thương hiện rõ trên gương mặt ông Vũ Hồng Quân, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau Chiến Thắng. Ông Quân dẫn chúng tôi lội qua dòng bùn chảy dọc theo chân đồi ngoằn ngoèo lên khu nhà nằm ở vị trí khá khuất nẻo của gia đình bà Thược.
Khu nhà chừng trên 100m2 nằm phía trên cao với đường bê tông nối thẳng vào nhà trước đây giờ chỉ còn là một đống đất khổng lồ trộn lẫn bùn với ngổn ngang đồ vật gãy hỏng. Toàn bộ khu nhà bị chôn vùi trong đất, đá trong khi khu nuôi lợn và chuồng chó của gia đình vẫn còn nguyên. Chú chó mực trong chuồng sủa inh ỏi từ xa khi thấy chúng tôi lội bùn tiến vào. Đàn lợn nhỏ dăm con nháo nhào trong chuồng vì đói. Không khí thê lương, tĩnh lặng rợn người bao trùm toàn bộ khu đồi bị sạt.
Nạn nhân Vỹ đang được điều trị tích cực. |
Ông Quân cho biết, hơn 40 năm sinh sống ở đây, chưa bao giờ ông chứng kiến một cảnh tượng tang thương đến như vậy khi cùng nhiều lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh vật lộn trong mưa lũ, bùn đất để đào bới, tìm kiếm thi thể 8 thành viên gia đình bà Thược, xã viên của Hợp tác xã do ông làm Chủ nhiệm. Trận mưa kinh hoàng kéo dài từ 1h chiều hôm trước đến 5h sáng ngày 28/7 khiến cả mảng đồi lớn phía trên nhà bà Thược đổ sập và cuốn trôi toàn bộ 3 căn nhà với 9 thành viên trong gia đình.
Ông Quân cho biết, bà Thược (quê Tiền Hải, Thái Bình) tham gia hợp tác xã trồng rau từ năm 1978. Gia đình bà Thược không giàu có nhưng cuộc sống khá hòa thuận, được hàng xóm quý mến. “Chồng bà í mới mất đầu năm 2015 (chồng bà Thược từng làm trong ngành giáo dục của tỉnh Quảng Ninh), nay cả gia đình 8 người cùng lúc qua đời trong đêm mưa bão. Đau lòng quá”, ông Quân nói.
Một số người dân tổ 44 cho biết, trận mưa lũ gây thảm cảnh với gia đình bà Thược là hệ quả của việc xây dựng lộn xộn của người dân trong vùng. “Dòng nước lũ lớn có thể đã không chảy xuống nhà bà Thược nếu như trước đó các hộ gia đình phía trên đỉnh đồi không san gạt, cải tạo lại đất ở phía trên”, một người dân cho biết.
Người đầu tiên phát hiện ra nhà bà Thược bị sập là bà Nguyễn Thị Thơm, hàng xóm sống cạnh đó. Theo bà Thơm, nhà bà Thược được xây dựng rất kiên cố. Vốn gắn bó trên mảnh đất này từ lâu, nên con trai bà là anh Vỹ muốn xây dựng ngôi nhà chắc chắn để ở đến già. Nhưng thật không may, một trận mưa lớn đã san bằng tất cả.
Bần thần nhìn về hướng nhà bà Thược, bà Thơm kể lại: “Thời điểm đó trời mưa rất to. Lúc tỉnh dậy vào khoảng 5 giờ sáng, tôi giật mình nhìn ra thì không thấy nhà bà Thược nữa. Không tin vào mắt mình, tôi vội gọi chồng dậy, lúc đó mới biết chắc nhà đã bị sập hoàn toàn. Nhìn sang bên cạnh thì có thêm hai nhà khác cũng bị sập theo. Gia đình tôi và nhiều người hàng xóm chạy sang tìm kiếm, lôi được hai người ra, nhưng đáng tiếc đã bị chết rồi. Cũng may lúc đó Vỹ (con trai bà Thược) vẫn còn thều thào nói “cứu với, cứu với”. Mọi người nghe thấy vậy đã lôi ra khỏi đống đổ nát, đưa Vỹ đưa đi cấp cứu và may mắn là người duy nhất trong gia đình 9 người còn sống sót”.
Ông Vũ Hồng Quân, Chủ nhiệm hợp tác xã rau Chiến Thắng (nơi bà Thược là xã viên) và phóng viên tại hiện trường vụ lở đất làm 8 người trong gia đình bà Thược thiệt mạng sáng ngày 28/7. |
Cú sốc tinh thần
Nỗi đau mất mát quá lớn về tinh thần cũng đè nặng nên những người họ hàng thân thích của anh Cao Tiến Vỹ (37 tuổi), con trai bà Thược và cũng là người sống sót duy nhất của gia đình. Ngồi khá lặng lẽ bên giường bệnh trông chừng sức khỏe cho chú, anh Lê Hồng Việt (cháu anh Vỹ) cho biết, hiện anh Vỹ khá tỉnh táo, nhận biết được mọi việc xung quanh. Riêng thông tin toàn bộ người thân trong gia đình đã thiệt mạng trong trận lở đất, gia đình vẫn giấu không cho anh Vỹ biết để tránh sốc tâm lý.
“Từ hai hôm nay, vợ chồng tôi luân phiên trực tại bệnh viện để trông chú Vỹ. Chiều nay, gia đình đã bắt đầu tổ chức lễ tang cho 8 thành viên thiệt mạng. Sáng mai, gia đình sẽ tiến hành hỏa táng tại Hải Phòng do toàn bộ các khu nghĩa trang của Quảng Ninh đang bị ngập nước” - anh Việt chia sẻ.
Theo anh Việt, hiện nay gia đình tập trung cứu chữa cho anh Vỹ. Việc ổn định chỗ ăn ở, công việc sẽ tính sau. “Ở nhà xác định sẽ tạm thời để chú Vỹ về ở với người anh trai, sau khi điều trị. Vợ và hai con chú đã mất, toàn bộ nhà cửa, tài sản tích cóp bao năm của gia đình giờ bị chôn vùi trong đất, đá. Nhưng nỗi đau lớn nhất đó là toàn bộ người thân, mẹ, vợ và hai người con của chú đã mất. Giờ chỉ còn một thân một mình, không nhà cửa, gia đình, không biết chú có vượt qua được nỗi đau này không” - anh Việt nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Dương, Trưởng khoa Chấn thương - Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh - cho biết, sức khỏe của bệnh nhân Cao Tiến Vỹ, nạn nhân sống sót duy nhất trong gia đình 9 người bị nạn đã tương đối ổn định. Anh Vỹ đã ăn được cháo, có thể nhận biết xung quanh, cử động được tay. “Hiện chúng tôi đang tập trung điều trị vết thương ở đầu và các phần mềm trên toàn cơ thể của anh Vỹ. Phần cổ xương đùi phía trên bị gãy chúng tôi sẽ mổ và xử lý sau. Dự kiến khoảng 2 tuần sức khỏe của bệnh nhân sẽ bình phục. UBND tỉnh đã có chỉ đạo miễn 100\% chi phí điều trị cho các bệnh nhân gặp nạn trong đợt lũ này”, bác sĩ Dương cho biết. |
Theo báo Tiền Phong
[mecloud]rgSW70L49h[/mecloud]