(ĐSPL) - Không ai phủ nhận vai trò của công an xã trong việc xây dựng và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cấp cơ sở.
Song, việc Bộ Công an vừa chính thức trao thêm quyền lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng đối với người phạm tội, người bị hại, người biết vụ việc... đang khiến dư luận dấy lên mối lo ngại về trình độ và kinh nghiệm chuyên môn của lực lượng này, khi được trao quyền "làm án" ngay từ đầu...
Công an xã sẽ có thêm quyền năng nào?
Việc trao quyền cho công an xã vốn không phải bây giờ mới có, nó đã được cân nhắc và có quy định khá cụ thể trong Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định 73/2009 của Chính phủ và Thông tư 2010 của bộ Công an. Tuy nhiên, việc tăng thêm quyền mới lần này cho công an xã vừa được bộ Công an ban hành vẫn khiến dư luận băn khoăn.
Trong Thông tư 28/2014/TT-BCA của bộ Công an đề ngày 7/7/2014, Điều 28 quy định: "Trường hợp tiếp nhận người phạm tội quả tang do nhân dân giải đến thì tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, cử người vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết; đồng thời, báo ngay cho cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện. Trường hợp tiếp nhận người đang bị truy nã do nhân dân bắt, giải đến thì tiến hành lập biên bản bắt người đang bị truy nã, lấy lời khai; đồng thời, báo ngay cho cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện...".
Nhiều người lo ngại công an xã không đủ năng lực để vẽ hiện trường, lấy lời khai ban đầu trong những vụ án phức tạp (ảnh minh họa). |
Để tìm hiểu rõ, PV bản báo đã cất công rà lại các quy định nhiệm vụ và quyền hạn của công an xã hiện hành. Đáng nói, trong đó, các quy định lại không hề đề cập đến việc cho phép công an xã lấy lời khai của người phạm tội, mà chỉ được kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng...
Từng nhiều năm gắn bó với vụ Pháp chế, bộ Công an, trao đổi với PV báo Đời Sống và Pháp Luật, TS. Dương Mạnh Hùng cho hay: Băn khoăn này có lý do bởi thực tế thời gian qua, có nơi công an xã bắt được tội phạm không giao ngay lên cấp trên mà để ở xã lập biên bản lấy lời khai của người phạm tội, người bị hại, người làm chứng và những người liên quan; thu thập tài liệu rồi mới đưa lên giao cho công an huyện. Tuy nhiên, có những vụ công an xã lấy lời khai của người phạm tội gây ra những hậu quả quả đáng tiếc. Có trường hợp lời khai ban đầu ở công an xã là nhận tội nhưng khi lên công an huyện, công an tỉnh thì khai lại vì cho rằng bị đánh nên nhận bừa. Mà những lời khai ban đầu rất quan trọng, cơ quan tố tụng hay sử dụng làm căn cứ buộc tội nên khó tránh oan, sai.
Cũng theo TS. Hùng, đã là phạm tội quả tang thì cần gì phải lấy lời khai? Công an xã chỉ cần lập biên bản rồi dẫn giải người phạm tội đó lên công an cấp trên (công an huyện - PV). Trong quá trình khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra lấy lời khai của họ là để xác định họ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, nếu phạm tội thì phạm tội gì, quy định ở điều, khoản nào của Bộ luật Hình sự; nếu không thuộc thẩm quyền của công an huyện thì chuyển lên công an tỉnh, mọi hoạt động sau khi tiếp nhận người phạm tội quả tang của công an huyện là hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cũng chính vì vậy mà pháp luật không quy định công an xã phải lấy lời khai của người phạm tội quả tang.
Lo ngại chuyên môn và trách nhiệm
Theo quy định hiện hành, kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng công an xã được huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo Thượng tá Bùi Quang Vũ, Trưởng khoa nghiệp vụ Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân I (bộ Công an) thì nhìn chung mức độ quan tâm của các địa phương dành cho công tác đào tạo công an xã vẫn còn hạn chế, do còn nhiều khó khăn về nguồn kinh phí, định biên.
"Tôi đã chứng kiến, có nơi Bí thư đoàn xã, Chủ nhiệm Hợp tác xã hay thậm chí có nơi, một anh Kế toán xã... không hề có chuyên môn, nghiệp vụ gì trong lĩnh vực an ninh trật tự cũng được điều sang làm Trưởng, Phó công an xã", ông Vũ dẫn chứng.
Cũng theo Thượng tá Bùi Quang Vũ, nếu được đào tạo, sau hai năm, lực lượng công an xã sẽ hiểu biết nhiều hơn về luật pháp, hiểu được phạm vi quyền hạn của mình và từ đó sẽ tránh được tình trạng lạm quyền hoặc làm bậy dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. "Tuy chỉ là lực lượng vũ trang bán chuyên trách nhưng nếu ai đã qua đào tạo khi trở về địa phương công tác làm việc sẽ chắc tay hơn và hình ảnh của người công an xã vì thế cũng trở nên thân thiện hơn trong mắt người dân ở những miền quê", Thượng tá Vũ nói.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (bộ Công an) cho rằng: Bất cập lớn nhất hiện nay là điều kiện đảm bảo hoạt động cho lực lượng công an xã, nói chính xác là vấn đề chế độ, thu nhập đối với họ, vẫn còn nhiều điều chưa ổn. Theo quy định hiện hành, thì chỉ có Trưởng công an xã được công nhận là công chức. Phó công an xã chỉ được hưởng phụ cấp 0,7\%/tháng, công an viên chỉ có 0,5\%/tháng. Trách nhiệm rõ ràng là cao trong khi thu nhập của họ khi còn thấp hơn một anh phụ hồ, hay một người lao động phổ thông khác. Chỉ một số ít địa phương có điều kiện, có sự quan tâm nhất định như TP.HCM, Nam Định, Hải Phòng, Vĩnh Phúc thì anh, em có khá hơn chút ít, còn lại vẫn rất thấp, chẳng hạn ở Lai Châu (thấp nhất), công an viên chỉ được hưởng hệ số 0,35 tức là tương đương với 255.000 đồng/tháng; cao nhất là TP.HCM thì cũng chỉ có 1.200.000 đồng/tháng.
Cũng theo Thiếu tướng Thuận, hiện cả nước có 12 vạn công an xã - lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cấp cơ sở. Thực tế, ngoài những đóng góp tích cực trong việc bảo an vệ an ninh trật tự, thời gian gần đây cũng đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc liên quan đến lực lượng này. Vì vậy, đã có trường hợp công an xã bị xử lý kỷ luật Đảng, chính quyền, bị truy tố trước pháp luật hoặc ra khỏi ngành. "Tuy nhiên, theo thống kê thì tỷ lệ sai phạm của công an xã là 0,56\%/năm - con số này vẫn thấp hơn so với công an chính quy" - ông Thuận nói.
Đại úy Bùi Ngọc Sáng, Đội phó đội Tổng hợp, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) nói, với mức lương và phụ cấp mà Nhà nước chi cho công an xã như hiện nay chưa đủ để nuôi sống bản thân chứ chưa nói tới gia đình. "ở chỗ tôi một người chỉ cần dành thời gian trồng rau, rồi buổi sáng sớm mang ra chợ, thu nhập còn khá hơn nhiều so vơi lương, phụ cấp mà Nhà nước trả nếu họ tham gia công an xã", Đại úy Sáng so sánh.
Ông Nguyễn Quang Khoa, Trưởng công an xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) nói với phóng viên: "Vào vụ mùa, việc đồng áng bề bộn rất muốn xuống đồng giúp vợ nhưng vì việc công nên phải chịu. Cách đây hai năm, khi làm nhiệm vụ, tôi bị đối tượng giội cả một ca axit vào người, thương tật 38\%, nhưng đến giờ có được hưởng một chế độ nào đâu, trong khi lương tháng chỉ được 3 triệu đồng. Thật lòng, nếu không có sự động viên của anh em, chắc tôi đã nghỉ từ lâu".
Thượng tá Nguyễn Đình Thế, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) nêu quan điểm: “Có ý kiến cho rằng một sỹ quan công an được đào tạo chính quy với rất nhiều kiến thức nghiệp vụ trong nhiều năm mà khi ra công tác còn gặp không ít vấn đề. Trong khi công an xã do không được đào tạo bài bản nên sẽ không làm được theo yêu cầu. Theo tôi, đó cũng là một nguyên nhân, nhưng không phải là nguyên nhân chính. Vấn đề căn bản nằm ở khâu quản lý, sử dụng lực lượng này, vì hiện nay từ huyện cho tới cấp ủy chính quyền cơ sở có nơi vẫn còn buông lỏng vấn đề này. Vì vậy, cần phải sát sao hơn nữa trong quản lý, đồng thời thường xuyên giám sát phê bình, nhắc nhở công việc của họ... Sai phạm không được chỉ ra một cách nghiêm túc để họ thấy quyền hạn của mình được làm gì và không làm gì thì chắc chắn họ khó thực hiện đúng chức trách của một người làm công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Trưởng công an xã và dự nguồn chưa qua đào tạo Tính đến nay, các tỉnh thành trên toàn quốc đã tổ chức được hơn 140 lớp đào tạo Trưởng công an xã cho hơn 1,4 vạn Trưởng công an xã và cán bộ dự nguồn cho chức danh Trưởng công an xã. Trong đó, có 123 lớp trung cấp cho hơn 1,2 vạn học viên và 18 lớp sơ cấp cho 1.580 học viên. Kết thúc các khóa đào tạo, nhìn chung trình độ năng lực của công an xã được nâng lên, quá trình xử lý công việc chắc tay hơn, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn phụ trách có nhiều biến chuyển. Tuy nhiên, đến nay trên toàn quốc vẫn còn 1.915 Trưởng công an xã và dự bị, dự nguồn vẫn chưa được đào tạo chuẩn hóa; hơn 2 vạn công an xã chưa được huấn luyện. (Nguồn trường trung cấp Cảnh sát nhân dân I - bộ Công an) Đưa công an chính quy về 3.000 xã để củng cố lực lượng "Để lực lượng công an xã hoạt động bài bản và đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, bộ Công an sẽ điều động sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân về đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 3.000 xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự trên toàn quốc". (Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc) Những vụ án đáng suy ngẫm Vụ 4 công an xã dùng nhục hình tra tấn nạn nhân ở xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) chỉ là một trong những minh chứng cho việc kém năng lực nhưng lạm quyền của lực lượng công an xã hiện nay. Từ trước đến thời điểm hiện tại, không ít vụ việc công an xã khi thực hiện nhiệm vụ có hành vi "côn đồ" khiến người dân vô cùng bức xúc. Ngày 17/10, viện KSND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã ra cáo trạng truy tố, chuyển hồ sơ sang TAND huyện để xét xử vụ án bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích xảy ra tại Công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh. Hai công an viên xã Vạn Long cùng bị truy tố tội bắt người trái pháp luật là Lê Ngọc Tâm (31 tuổi) và Lê Minh Phát (24 tuổi). Ngoài ra, Lê Minh Phát còn bị truy tố tội cố ý gây thương tích. Theo cáo trạng, phát hiện ra hai nhóm thanh niên chuẩn bị đánh nhau trong đó có em Tu Ngọc Thạch (SN 1999, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh), Lê Minh Phát điện thoại cho Phó Công an xã Vạn Phước để xin truy bắt Thạch. Đến nơi, nhìn thấy em Thạch bỏ chạy, Phát dùng còng số 8 còng tay em này lại rồi dùng tay, chân đánh vào mặt Thạch. Hậu quả, Thạch tử vong khi đang cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa. Kết quả giám định pháp y cho thấy, Thạch chết do chấn thương sọ não. Trước đó, ngày 15/10, Công an huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đã khởi tố bị can, cấm rời khỏi nơi cư trú với Lê Trọng Hữu (23 tuổi, công an viên xã Hòa Bình) và Tòng Văn Chín (22 tuổi, dân quân xã Hòa Bình) về hành vi gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ. Trước đó, anh Nguyễn Tiến Thành (20 tuổi) và Trần Xuân Phước (20 tuổi, cùng ngụ xã Hòa Bình) chạy xe máy đi mua xăng. Khi đi ngang quán cà phê được cho là do vợ trưởng công an xã làm chủ, cả hai vào quán hỏi tìm người. Khi quay trở ra đi về dọc đường, hai thanh niên này bất ngờ bị công an và dân quân của xã dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt khiến ngã xe. Anh Thành chạy vào nhà dân trốn nhưng vẫn bị đuổi theo đánh. Công an xã và dân quân đã lao vào giẫm đạp vào mặt, vào bụng nạn nhân. Đến khi thấy Thành nằm bất động thì họ chở về trụ sở công an xã, rồi tiếp tục đánh đập. Giám định thương tích, anh Thành bị đánh đến giập lá lách và tỉ lệ thương tật 59\%. Giật mình tiêu chuẩn tuyển chọn công an xã? Theo quy định hiện hành, người đã học xong chương trình tiểu học cũng có thể trở thành công an xã, thậm chí còn có thể đảm nhận vị trí chỉ huy của lực lượng này tại một số địa phương... Theo Thượng tá Nguyễn Đình Thế, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì: "Tuyển chọn không đúng sẽ rất nguy hại. Ví dụ, chọn nhầm phải "ông" có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị yếu kém ra đường gặp dân vì việc nọ việc kia mà "ông" lại nóng mặt rồi "chơi" theo ý của mình thì nguy lắm! Kinh nghiệm của chúng tôi là tranh thủ ý kiến của Tổ công tác Mặt trận, của Bí thư chi bộ, để họ giới thiệu cho mình tuyển và sau đó mình thẩm tra thêm mới là hiệu quả". Đáng chú ý, theo Nghị định 73/2009/NĐ-CP, điều kiện để được vào công an xã cũng không yêu cầu quá khắt khe, theo đó, phải là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án, tiền sự; bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trưởng công an xã phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ công an xã; Trưởng công an xã, Phó Trưởng công an xã phải là người đã học xong chương trình THPT trở lên; công an viên phải là người đã tốt nghiệp từ THCS trở lên; đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa không có đối tượng tuyển chọn có đủ tiêu chuẩn học vấn theo quy định tại điểm này thì trình độ học vấn của Trưởng, Phó công an xã và công an viên có thể thấp hơn nhưng cũng phải là người đã học xong chương trình tiểu học trở lên. |