Việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12% sẽ dẫn tới hệ lụy các mặt hàng đồng loạt tăng giá và người dân sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Tăng thuế theo thông lệ?
Tin tức báo Tri thức Trực tuyến đăng tải, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân và thuế Tài nguyên, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất thuế VAT theo hai phương án. Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.
Biểu thuế thu nhập cá nhân mới dự kiến chỉ còn 5 bậc thuế, thay vì 7 bậc như hiện nay. Theo Bộ Tài chính, mục tiêu sửa đổi là để phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Thuế giá trị gia tăng là nguồn thu đáng kể của ngân sách nhà nước. Ảnh: L.Bằng |
Điều này cũng đồng nghĩa hàng hóa sẽ tăng giá, người dân sẽ thắt lưng buộc bụng, chi tiêu ít hơn. Doanh nghiệp (DN) sẽ khó tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận giảm nên nộp thuế cũng giảm theo.
Báo Vietnamnet đăng tải, giải thích lý do muốn tăng thuế giá trị gia tăng (còn gọi là thuế VAT) từ 10% lên 12%, Bộ Tài chính cho rằng: Số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.
Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, thì xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến.
Từ năm 2009-2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Cụ thể thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.
Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế GTGT, như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản,...
Theo Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Philippines có mức thuế suất 15%.
Hàng triệu người dân ảnh hưởng?
Ngay sau đề xuất của Bộ Tài chính, PV.VietNamNet đã đặt câu hỏi này với nhiều lãnh đạo DN dệt may, ô tô, kinh doanh gas,... Các DN được hỏi đều có chung câu trả lời “không ảnh hưởng nhiều đến DN, nhưng ảnh hưởng đến người tiêu dùng”.
Nghe thông tin trên báo đài về việc đề xuất tăng thuế VAT, chị Thanh Hiền, nhà ở quận 12, TP.HCM tỏ ra rất bức xúc vì chi phí sinh hoạt, tiêu dùng của sáu người trong gia đình chị chắc chắn tăng lên, khó khăn lại chồng khó khăn.
“Tôi bức xúc nhất là thuế VAT nước sạch tăng quá cao, người dân chịu sao nổi. Giờ tính sơ nhà tôi mỗi tháng đã tốn 500.000 đồng tiền nước sạch, nếu tính cả thuế VAT 5% thì số tiền chi cho nước là 525.000 đồng/tháng. Nếu áp dụng tăng thuế VAT lên 12% như đề xuất của Bộ Tài chính, tôi phải đóng tới 560.000 đồng/tháng. Kiểu này chắc có lẽ phải quay lại dùng... nước ngầm cho đỡ tốn” - chị Hiền ngao ngán.
Cũng theo chị Hiền, hiện nay mỗi tháng đóng tiền điện 660.000 đồng, bao gồm 10% VAT nhưng nếu tăng lên 12%, chị phải đóng tới 672.000 đồng. Như vậy chỉ tính riêng hai khoản điện và nước, chị phải chi thêm 47.000 đồng/tháng nếu tăng thuế VAT.
Đó mới chỉ là mức chi thêm của hai khoản điện, nước trong hàng trăm khoản chi mà nhà chị Hiền phải bỏ ra. “Giá cả hàng hóa sẽ té nước theo mưa, một đợt bão giá sẽ xảy ra nếu áp thuế VAT mới. Chúng tôi buộc phải giảm chi tiêu thôi” - chị Hiền bày tỏ.
(Tổng hợp)