Theo VnExpress, Phó thủ tướng Lê Minh Khái (thừa uỷ quyền Thủ tướng Phạm Minh Chính) vừa ký quyết định điều chỉnh khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT). Cụ thể, từ ngày 3/2, mức giá tối thiểu tăng 220 đồng lên 1.826,22 đồng/kWh và mức giá tối đa tăng 538 đồng lên 2.444,09 đồng/kWh.
Việc điều chỉnh khung này chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
Được biết, "khung giá bán lẻ điện bình quân" là mức sàn và mức trần để Chính phủ quy định "giá bán lẻ điện bình quân". Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân áp dụng trong năm nay.
Trong khi đó, "giá bán lẻ điện bình quân" là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp. Giá bán lẻ điện bình quân hiện vẫn là 1.864,44 đồng/kWh, được áp dụng từ năm 2019 đến nay.
Theo Pháp luật Plus, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.
Bộ Công thương cũng đề nghị EVN khẩn trương hoàn thành việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Lãnh đạo Bộ Công thương lưu ý việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ các tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Minh Hạnh(T/h)