Một nhóm khảo cổ Ai Cập và Séc đã khai quật những tàn tích của ngôi đền vua Ramses II tại pháo đài Abusir, Giza. Ramses II là một trong những vị vua Ai Cập được tôn kính như một vị thần và nổi tiếng quyền lực nhất Ai Cập.
Việc không xuất hiện bằng chứng về các công trình xây dựng của vua Ramses II trong khu vực quan trọng này là một sự bất thường. Tại đây, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra những bức ảnh của các vị thần mặt trời.
Ngôi đền ấn tượng với 1768 m²
Ahram Online dẫn lời Mohamed Megahed chịu trách nhiệm việc khai quật, cho biết ngôi đền nằm trong khu vực chuyển đổi địa hình tự nhiên giữa thượng nguồn sông Nile và vùng bờ bãi tại Abusir. Ngôi đền trải dài trên 1768 m², gồm một trong số các nền của tháp môn được làm từ gạch bùn; một sân trước lớn dẫn đến sảnh với những cột đỡ tường, một phần được sơn màu xanh lam.
Lối vào tháp môn của ngôi đền. Ảnh: Viện Ai Cập Séc |
Ở cuối sân, các nhà khảo cổ đã phát hiện một cầu thang hay có thể là đoạn đường dẫn tới một khu bảo tồn, phía sau gồm ba phòng song song. Những tàn tích của công trình này đã bị chôn vùi dưới cát và đống đổ nát, trở thành nguồn khai thác cho khảo cổ học.
Quang cảnh ngôi đền được khai quật ở phía Nam. Ảnh: Viện Ai Cập Séc |
Ngôi đền là bằng chứng cho công trình đầu tiên được vua Ramses II xây dựng tại Memphis Necropolis
Vua Ramses II hay còn gọi là Ramses Đại Đế, là vị vua trị vì lâu thứ nhì ở Ai Cập, thế kỷ 13 TCN. Ông được biết đến với các công trình xây dựng quy mô lớn nhưng cho đến bây giờ điều này vẫn chưa được chứng minh ở Memphis Necropolis, nơi rất nhiều đền thờ khác được tìm thấy. Duy chỉ có một bức tượng khổng lồ chứng minh cho sự hiện diện của Ramses đã được phục hồi từ Đền Thờ lớn của Ptah năm 1820.
Vòng tròn hình ô voan khắc tên và tước hiệu của vua Ramses II. Ảnh: Viện Ai Cập Séc |
Cuộc đời của Ramses II trước và sau khi qua đời
Ramses II được cho là một trong những pharaoh vĩ đại nhất của Ai Cập cổ đại. Là pharaoh thứ ba của triều đại 19, Ramses II kế vị vua cha Seti I khi còn rất trẻ, năm 1279 sau Công nguyên. Ông đã trị vì Ai Cập cổ đại trong suốt 66 năm. Trong thời gian trị vì lâu dài và thịnh vượng, Ramses II đã thực hiện nhiều chiến dịch quân sự chống lại các nước láng giềng, tiến hành xây tượng các vị thần cũng như cho chính mình.
Bức tượng khổng lồ Ramses II tại bảo tàng ngoài trời Memphis, Ai Cập. Ảnh: SA 3.0 |
Mặc dù là một trong những người đàn ông quyền lực nhất thời bấy giờ, nhưng sau khi qua đời, vua Ramses II không thể bảo vệ cơ thể mình. Xác ướp vua Ramses II được chôn cất trong ngôi mộ KV7 tại Thung lũng Các vị vua. Nạn cướp mộ buộc các linh mục Ai Cập phải di chuyển xác ướp của ông đến một nơi an toàn hơn. Điều này đã tránh được sự nhòm ngó của bọn trộm cướp xác và bảo vệ công trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học.
Năm 1881, xác ướp của vua Ramses II cùng hơn năm mươi vị vua và quý tộc khác đã được phát hiện trong một khu lưu giữ bí mật hoàng gia tại Dier el-Bahri. Xác ướp của Ramses II được xác định dựa vào các chữ tượng hình trên tấm phủ thân xác của pharaoh, trong đó nêu chi tiết việc các linh mục di dời xác ướp. Khoảng 100 năm sau khi xác ướp của ông được phát hiện, các nhà khảo cổ nhận thấy tình trạng xác ướp của vua Ramses II đang dần xấu đi và quyết định đưa tới Paris điều trị nhiễm nấm. Thật thú vị, vị pharaoh này đã được cấp hộ chiếu Ai Cập, trong đó nghề nghiệp của ông được để là “Vua (đã qua đời)”. Ngày nay, xác ướp của pharaoh vĩ đại này được đặt tại Bảo tàng Cairo, Ai Cập.
Hồng Nguyễn(Theo Daily Mail)