Tình trạng đào bới bất hợp pháp gần các ngôi đền cổ và các khu sa mạc biệt lập đã tăng gấp 100 lần trong vòng 16 tháng kể từ cuộc nổi dậy lật đổ chế độ độc tài kéo dài 29 năm của Hosni Mubarak dẫn đến an ninh tan rã. Nạn trộm cắp cổ vật đỉnh điểm xuất phát từ vụ đột nhập vào các kho khảo cổ học hồi năm 2011 và thậm chí đột nhập ngay tại Bảo tàng Ai Cập, kho hiện vật pharaoh lớn nhất của Cairo.
Các nhà khảo cổ học và cổ vật đang ra sức ngăn chặn nạn buôn lậu, đồng thời liên tục để mắt đến các cuộc mua bán đấu giá ở Châu Âu và châu Mỹ vì các hiện vật có thể có mặt trong các buổi đấu giá này.
Ông Maj. Gen. Abdel-Rahim Hassan, trưởng văn phòng cảnh sát Bộ Du lịch và Khảo cổ cho biết: “Tội phạm đang hoạt động công khai, trắng trợn khi chúng liên tục đào xới những khu vực quan trọng như Kim tự tháp tại Giza, các kim tự tháp lân cận và đền thờ lớn phía Nam thành phố Luxor.”
Bức ảnh chụp ngày 12/04/2012 bao gồm: một bức tượng bằng gỗ của vua Tutankhamun (bên phải), cây kèn bằng gỗ và đồng thau, một phần cây quạt Tutankhamun dùng khi còn nhỏ (bên trái). Ảnh: AP-Yonhap News |
Ông cũng cho biết: “Trộm cắp bây giờ không còn do đói nghèo nữa. Đó rõ ràng là lòng tham và tính ích kỷ đáng sợ, thậm chí những người có học vấn cũng bị cuốn vào cơn thèm khát này”.
Một đất nước với hơn 5.000 năm văn minh đã bị chôn vùi dưới cát khi những hoạt động đào xới phi pháp lâu nay vẫn luôn diễn ra. Người ta thường hay kháo nhau rằng bạn có thể đào bất cứ nơi nào trên đất nước Ai Cập để tìm đồ cổ, thậm chí chỉ là những mảnh gốm hoặc bức tượng nhỏ.
Nhưng khi an ninh không được kiểm soát, cuộc chiến săn lùng kho báu được dịp bùng nổ. Theo số liệu thu thập bởi The Associated Press từ Bộ Nội vụ Ai Cập, đã có 5.697 trường hợp khai thác bất hợp pháp kể từ cuộc nổi dậy chống Mubarak vào đầu năm 2011, gấp 100 lần so với năm 2010.
Có đến 1.467 trường hợp kinh doanh bất hợp pháp cổ vật và 130 trường hợp buôn lậu đồ cổ ra nước ngoài. Ít nhất 35 người đã thiệt mạng trong các sự cố liên quan đến đào bới bất hợp pháp, trong đó có 10 người bị chôn sống ở phía Nam thành phố Naga Hamadi hồi tháng 3/2012 vì sập hầm. Số khác bị giết trong các vụ tranh chấp “thành quả lao động”.
Đó chỉ là những tội phạm mà cảnh sát phát hiện.
Quan tài bằng đá của các pharaoh. Ảnh: Internet |
Nhiều tay trộm chọn các điểm nằm ngoài khu quy hoạch khảo cổ lớn với hy vọng có thể tìm thấy kho báu ở khoảng cách xa hơn. Những tên khác liều lĩnh đào trong các khu vực chuẩn bị tiến hành khai quật trong tương lai được quản lý bởi Hội đồng tối cao về cổ vật - cơ quan khảo cổ học hàng đầu của Ai Cập.
Tháng 4/2012, cảnh sát đã bắt hai người đàn ông sống phía sau đền thờ Khnum, phía Nam thị trấn Esna do đào bới bất hợp pháp dưới nhà của chính họ. Cảnh sát đã phát hiện một đường hầm sâu 10 mét dưới những ngôi nhà chứa những chậu đất sét cổ và chữ khắc chữ tượng hình từ triều đại Ptolemaic.
Tại thành phố Aswan, cảnh sát đã bắt giữ một nhân viên chính phủ cũng tự đào nhà mình và phát hiện những chậu đất sét, một bình hương và tấm bia hình hoa sen.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, những tệ nạn này phản ánh hàng rào an ninh rệu rã của Ai Cập sau sự kiện 28/1/2011. Liên tiếp nổ ra những cuộc đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình tại cuộc nổi dậy kéo dài 18 ngày chống lại chế độ độc tài Mubarak. Kể từ đó, nhiều cảnh sát đã và đang lẩn trốn việc điều tra và theo đuổi tội phạm. Hoặc do họ sợ hãi "cuộc cách mạng", hoặc vì sự thiếu vắng một lãnh đạo chính trị quyền lực.
Đêm 28/1/2012, những tên trộm đột nhập vào Bảo tàng Ai Cập, gần tâm điểm của cuộc nổi dậy chống chế độ và lợi dụng cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát, lấy đi 51 hiện vật được trưng bày, trong đó có 29 hiện vật đã được phục hồi.
Không lâu sau khi chính quyền Mubarak sụp đổ vào tháng Hai năm 2011, một người Jordan đã bị bắt trong khi đang tìm cách đưa khoảng 3.753 hiện vật ra khỏi Ai Cập. Các hiện vật bao gồm 48 bức tượng Ai Cập cổ đại, tiền xu thời La Mã và 45 đồ trang sức có niên đại từ những năm Trung Cổ thời kỳ Hồi giáo.
(Theo The Korean Herald)