+Aa-
    Zalo

    Tan nát gia đình vì vay tiền app online

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vay tiền app online để lo cho con bị ốm rồi không có khả năng chi trả vì tiền lãi phát sinh quá cao, chị Hiền bị khủng bố đòi nợ. Không chỉ vậy, nhân viên của app còn gọi điện cho bố mẹ chồng, họ hàng nhà chồng khiến chị bị bàn tán, xì xào. Đỉnh điểm, chồng chị đưa đơn ly hôn vì hai người thường xuyên cãi vã về khoản nợ kia...

    Mâu thuẫn vì vay tiền app online

    Hai vợ chồng chị Nguyễn Thu Hiền (Bắc Ninh) làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà. Mấy tháng trước, cả hai mất việc vì công ty tạm ngừng sản xuất do xuất hiện F0. Họ đều đã có tuổi nên việc xin vào công ty khác là điều không đơn giản. Hiền thì xin được công việc làm thời vụ, còn chồng ở nhà từ đó đến nay vì không nơi nào nhận công nhân đã 39 tuổi.

    Nhan nhản app cho vay tiền online khiến người vay rất dễ “sập bẫy”.

    Cuộc sống khó khăn, vợ chồng Hiền phải vay chỗ nọ, đập chỗ kia, cố gắng gồng mình để lo cho con gái nhỏ. Khi con bị ốm, lương lại chậm, chị Hiền đã nghe lời đồng nghiệp, vay tiền app online. Rồi từ app này, để có tiền trả nợ lãi, chị Hiền lại vay của app khác. Cứ luẩn quẩn như vậy, tiền lãi ngày càng tăng, chị Hiền không có khả năng trả nợ. Vì thế, gia đình chị bắt đầu bị làm phiền. 

    Bố mẹ chồng chị Hiền sống ở quê, không hiểu gì về app online, chỉ thấy bị đòi nợ như khủng bố thì lo sợ. Rồi biết vì con dâu mà mình bị “chịu trận”, ông bà trách móc, mắng mỏ, lời lẽ rất khó nghe.  

    Số tiền nợ app của chị hiện nay đã lên đến 35 triệu đồng cả gốc và lãi. “Giờ nợ không quan trọng bằng việc mỗi ngày phải sống trong sự coi thường, khinh rẻ của gia đình nhà chồng”, chị Hiền chia sẻ.

    Chị kể, người của app cho vay tiền gọi cho rất nhiều người thân bên nhà chồng nên bố mẹ chồng cảm thấy xấu hổ, mất mặt với gia đình, với hàng xóm láng giềng. Đời sống ở miền quê thuần nông, người nọ nhìn người kia để sống, danh dự là thứ rất được trọng. Từ chuyện vay nợ này, chị Hiền mâu thuẫn với gia đình chồng. Chị và chồng cũng cãi vã triền miên, cuối cùng, chị nhận đơn ly hôn từ chồng. “Bố mẹ chồng cũng ủng hộ chúng tôi đường ai nấy đi. Chúng tôi lấy nhau mới 4 năm, nếu không vay tiền app lo cho con, chắc không có chuyện tan vỡ này”, chị Hiền thở dài nói. 

    Cũng gặp rắc rối vì vay app online là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Huân và chị Nguyễn Thị Hồng (Bắc Ninh). Anh chị có một cậu con trai duy nhất tên Tuân. Tuân không đỗ đại học, đi làm cho một cửa hàng về thiết bị điện tử. Nhưng mấy tháng dịch, việc ít, thu nhập không có, Tuân sa đà vào vay các app online để có tiền tiêu xài.

    Đến khi không có khả năng trả nợ, nhân viên của app gọi điện liên tục cho anh Huân, chị Hồng. Anh chị cãi vã liên tục rồi chuyển ra sống ly thân 1 tháng nay chỉ vì mâu thuẫn trong cách dạy con. Anh Huân cho rằng do vợ nuông chiều con quá nên con hư hỏng. Còn chị Hồng lại nói con hư là bởi có người bố không nghiêm khắc.  

    Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy – Trung tâm Tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc.

    Vay được nhanh thì hệ lụy cũng nhiều

    Trao đổi với phóng viên về những gia đình mâu thuẫn vì chuyện vay tiền app online, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy – Trung tâm Tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc - cho rằng: “Một chuyện như vậy mà vợ chồng đã không thể vượt qua được thì cuộc sống sẽ thế nào khi còn bao nhiêu chông gai ở phía trước. Tôi nghĩ rằng, có thể chia sẻ với người vợ trong những hoàn cảnh kể trên. Nếu người chồng cùng đồng lòng, con người bao dung với nhau hơn thì chắc hẳn câu chuyện sẽ không bị đẩy lên cao trào dẫn đến bi kịch như thế.

    Cá nhân tôi nhận thấy, thực trạng vay app online rồi bị khủng bố đòi nợ không còn là mới. Có rất nhiều người là tri thức, có địa vị trong xã hội còn có thể dính vào cạm bẫy của app online cho vay tiền lãi suất cao như tín dụng đen, thì người phụ nữ ở quê nuôi con nhỏ gặp nhiều khó khăn hay cậu thanh niên mất việc, giảm lương không may sa chân vào cũng là điều giải thích được. Không chỉ ở nông thôn mà ở thành phố, chuyện đó cũng xảy ra rất nhiều. 

    Qua đây có thể thấy, hoạt động của các tổ chức cho vay qua app online không được phép đã rất đáng báo động. Mỗi người đều cần tỉnh táo hơn, khôn ngoan hơn trước khi lựa chọn vay tiền qua các app kiểu này. Hãy nghĩ đến hậu quả khôn lường và nghĩ đến những gì chúng ta có thể mất đi chỉ vì một vài triệu đồng vay kiểu như vậy”.

    Cũng theo bà Túy, hiểu biết của mỗi người về vay app online hiện nay vẫn còn hạn chế. Thậm chí nhiều người cũng không biết đâu là app được cho phép hoạt động, đâu là app hoạt động chui. Vì thế, rất cần tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vấn đề này, nhất là với giới trẻ. Khi có nhu cầu vay tiền nên tìm đến các tổ chức tín dụng được nhà nước cho phép hoạt động, còn với app online không phép, hậu quả sẽ khó lường.

    “Thực tế cuộc sống đặt ra, dính líu đến app online không phép có thể khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ. Hệ lụy có thể không chỉ dừng lại ở ly hôn. Cần tuyên truyền, giáo dục, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, lên án các app cho vay tiền kiểu tín dụng đen sẵn sàng khủng bố đòi nợ người đi vay. 

    Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất, theo tôi là mỗi người cần tỉnh táo và có những lựa chọn, quyết định sáng suốt. Không có thứ gì dễ dàng cả, nhất là liên quan đến tiền mà lại là vay tiền. Vay dễ dàng quá thì nó sẽ đính kèm nhiều hệ lụy về sau. Đừng nghĩ tự dưng có người tốt với mình thế, cho mình vay tiền khi khó khăn mà không đòi hỏi gì, với thủ tục đơn giản, chỉ trong ít phút là có tiền giải quyết công việc ngay. Sự dễ dàng đó chính là những cạm bẫy chết người và cần sự bản lĩnh để vượt qua”.

     Nhật Hạ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tan-nat-gia-dinh-vi-vay-tien-app-online-a523334.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.