Trước thềm khai giảng năm học mới 2019-2020, một vài giáo viên đã có những tâm sự, trải lòng với PV báo Đời sống & Pháp luật về góc khuất, những cái khó của nghề và mong ước trước khi bắt đầu một chuyến đò mới đưa học trò “qua sông”.
Áp lực từ phụ huynh dẫn đến khoảng cách giữa cô và trẻ
Giáo viên mầm non là một trong những nghề chịu nhiều áp lực. |
Cô Hoàng Yến (đã thay đổi tên), một giáo viên trường mầm non Hoa Mai (xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) cho biết: “Bản thân chúng tôi cũng có con nhỏ, cũng là một người mẹ nên chúng tôi luôn nói với nhau rằng, muốn làm được nghề này thì phải coi học sinh như con của mình. Chúng tôi cũng thấu hiểu nỗi lòng, sự yêu thương các con của phụ huynh. Tôi yêu con tôi ra sao thì họ cũng yêu thương con cái họ như vậy. Tuy nhiên vì quá yêu mà chúng ta quá nhạy cảm và đẩy con cái vào một cái lồng kính, rồi vô tình tạo nên khoảng cách giữa giáo viên và học sinh”.
Hay như trường hợp dở khóc dở cười của cô Hồng Nhung (đã đổi tên), cũng là giáo viên của trường mầm non Hoa Mai gặp phải: “Có một lần, trong giờ trả trẻ thì có một bé lại đi vệ sinh, một cô giáo khác lại vắng mặt nên tôi không để phụ huynh đón trẻ vội để lo cho bé kia. Tắm rửa cho cháu xong chưa kịp mặc lại quần áo thì cháu chạy ra ngoài, đúng lúc này thì phụ huynh cháu lại tới nên có nhìn thấy. Tôi nghĩ mọi thứ cũng rất bình thường thôi nhưng không ngờ bố mẹ cháu lại phản ánh trực tiếp lên hiệu phó, cho rằng các cô không chăm sóc các con cẩn thận”.
Không chỉ vậy, còn rất nhiều hiểu lầm giữa phụ huynh và các giáo viên mầm non xuất phát từ sự ngây ngô của trẻ. Cô Nhung tâm sự, thực sự những lúc như vậy chúng tôi rất buồn và vô cùng tủi thân. Chúng tôi luôn yêu thương các bé, chăm các cháu từ miếng ăn giấc ngủ thì lâu dần, tình cảm đó cứ lớn lên như chính con ruột của mình. Chúng tôi chỉ hi vọng, phụ huynh có thể thấu hiểu và thông cảm cho chúng tôi, một lúc trông mấy chục cháu, đó là điều không hề dễ dàng .
Lương thấp, công việc quá tải
Theo chia sẻ của cô Hoàng Yến, không giống như trường tư mỗi lớp chỉ có khoảng 10-15 cháu, ở trường công số lượng học sinh rất nhiều, đôi khi quá tải so với sức lực của giáo viên.
“Hiện khối 5 tuổi ở trường chúng tôi lên tới 80 cháu chia thành 2 lớp. Trong đó, có 5 cô phụ trách nhưng 1 cô giáo đã nghỉ sinh nên mỗi lớp chỉ còn 2 cô phụ trách tới 40 cháu. Thực sự, chỉ tính riêng việc giữ cho các cháu vào nề nếp cũng vô cùng áp lực.”, cô Yến giãi bày.
Nói về cơ sở vật chất, cô T. cho biết: “Hiện trường vẫn còn thiếu thốn nhưng bản thân chúng tôi cũng thấy vừa lòng. Bởi nếu so với các đồng nghiệp đang hoạt động ở nơi vùng cao, hàng ngày đối diện với biết bao khó khăn thì chúng tôi đã may mắn hơn rất nhiều.”
Ngoài công việc vất vả, khó khăn thì điều khiến nhiều giáo viên mầm non bỏ cuộc, xin nghỉ việc chính là do thu nhập thấp. Tổng thu nhập của giáo viên mầm non tại chỉ từ 5-6 triệu đồng/tháng. Mức lương này để chi tiêu ở Hà Nội nhìn chung khá khó khăn. Với mức lương eo hẹp, cô chia sẻ giáo viên rất khó đảm bảo được cuộc sống.
Mong mỏi của những giáo viên về “chuyến đò” mới
Nhiều giáo viên mong muốn phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con em mình. |
Trong năm học mới 2019-2020, cô Hoàng Yến tâm sự: “Để giáo viên có thể yên tâm làm việc, tôi mong muốn được tăng chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm mon đồng thời tạo điều kiện về trường lớp nhất là ở những khu vực vùng sâu vùng xa”.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, cô Phan Thị Thanh Huyền, giáo viên trường THCS Vũ Lương, Thái Nguyên cho hay: “Là giáo viên ở trường vùng núi, điều mà chúng tôi mong muốn nhất trong năm học mới này là được quan tâm hơn nữa tới cơ sở vật chất để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đổi mới trong dạy và học”.
Cô Huyền cũng mong muốn các phụ huynh đừng quá mải mê chuyện xây dựng kinh tế, có thể dành nhiều thời gian để quan tâm tới con cái mình. “Thực trạng nhiều bậc phụ huynh đi làm ăn xa, bận rộn quá, để lại con cái cho ông bà chăm sóc nên việc phối hợp giáo dục các cháu gặp khó khăn. Tôi mong các bậc phụ huynh quan tâm, đôn đốc đến con mình hơn”, cô Thanh Huyền nói.
Ngoài ra, cô Huyền cho rằng, hiện tại các giáo viên đang phải chịu áp lực khi phải làm nhiều hồ sơ, sổ sách nên mong muốn sẽ được giảm tải về vấn đề này để chuyên tâm hơn vào việc dạy học.
Cô Đỗ Thị Hương Giang, giáo viên tiểu học đang công tác trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Đối với các phụ huynh ở thành phố họ thường đặt áp lực quá lớn về thành tích học tập khiến nhiều học sinh đối đầu với áp lực nặng nề. Bản thân là giáo viên tôi rất ủng hộ việc các học sinh được học tập, sáng tạo để phát triển và hội nhập. Tuy nhiên tình trạng ép con học tôi không tán đồng. Bên cạnh việc học, các con cần được vui chơi, cần được giải trí theo đúng độ tuổi của mình”.
Trong khi đó, giáo viên Xu Tâm đang giảng dạy tại một trường cấp 3 ở TP.Vinh, Nghệ An lại cho biết học sinh THPT là lứa tuổi đang trong giai đoạn trải qua nhiều biến động tâm sinh lý nhất. Hiện nay đa số các em đều được tiếp xúc thường xuyên với truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Trong khi đó những thông tin, hình ảnh có nội dung không lành mạnh, sai lệch về chuẩn mực đạo đức xuất hiện nhiều trên mạng xã hội mà chưa được kiểm duyệt.
Bởi vậy quá trình hình thành nhân cách của các em học sinh dễ theo chiều hướng tiêu cực. Các hiện tượng bạo lực học sinh, bệnh vô cảm, vô lễ với giáo viên hay một số trường hợp nguy hiểm nhất đó là cưỡng bức các bạn nữ. Sự xuống cấp về mặt đạo đức là vấn đề đáng báo động.
“Chính vì vậy, giáo dục phổ thông cần quan tâm hơn đến rèn luyện nhân cách học sinh, vừa dạy học vừa giáo dục để các em được phát triển cân bằng giữa trí thức và đạo đức”, cô Tâm nói.
Thanh Tùng