Bằng tất cả lòng thương yêu chân thành, ông Vĩnh và bà Xuân không quản ngại vất vả để cưu mang đứa trẻ tật nguyền bị bỏ rơi. Gần chục năm qua, ngọn nến của hy vọng về những điều kỳ tích chưa bao giờ lụi tắt trong lòng ông bà.
Đứa con “không hoàn hảo”
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Trọng Vĩnh (60 tuổi) và bà Nguyễn Thị Xuân (55 tuổi) trú tại xóm Hưng Thịnh 2, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vào một chiều tháng Ba lành lạnh.
Ở tuổi này, đáng ra vợ chồng ông được phần nào bên con cháu nhưng hàng ngày, họ vẫn phải chăm sóc cho cậu con út đặc biệt là Nguyễn Bảo Cung (7 tuổi), bị đa dị tật bẩm sinh, không lưỡi. Điều đáng nói, cháu không phải con ruột của ông bà, mà được gia đình nhận nuôi.
Bà Xuân yêu thương bé Bảo Cung như chính con ruột của mình. |
Bà Xuân kể lại, vào một buổi chiều tháng 7/2011, khi đang trên đường đi chợ thì bà có nghe người dân kháo nhau về một bé trai bệnh tật bị bỏ rơi tại bệnh viện. Bỏ cả buổi đi chợ, trên chiếc xe đạp cũ kỹ bà chạy về hổn hển kể với chồng, ngỏ ý nhận nuôi. Không chút chần chừ, ông Vĩnh lập tức đồng ý.
Ngay ngày hôm sau, vợ chồng dắt díu nhau vượt quãng đường hơn 15km xuống bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Lần theo hành lang khoa Sản, giữa tiếng khóc của hàng chục em bé mới chào đời, một “thiên thần” nhỏ bé đang quờ bàn tay yếu ớt tìm mẹ. Như một linh cảm, bà Xuân đến gần, cúi xuống xoa đầu đứa bé, cảm giác thân quen lập tức ùa về. Sau hôm đó, gia đình nhanh chóng hoàn tất thủ tục đón bé trở về nhà.
Thời điểm đó vợ chồng ông Vĩnh đã có 7 đứa con. Trong đó, cô con gái út sinh năm 1997 lại bị bại não, thường xuyên lên cơn co giật, động kinh, đi viện như cơm bữa. Do vậy, nên khi nhận nuôi bé Bảo Cung, hàng xóm cho là ông bà bị “khùng”, người thân ngăn cản vì sợ “không kham nổi”. Mặc kệ bao lời nói, ông bà vẫn quyết tâm dang rộng đôi tay nuôi nấng, che chở cho Bảo Cung.
“Bé bị đa dị tật bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, tắc hai dây thanh quản, nhiễm trùng nặng và không có lưỡi... vì vậy không có ai nhận nuôi cả. Thời điểm đó nhiều người khuyên chúng tôi đừng nhận, gia đình vốn đã không khá giả gì rồi. Thế nhưng vợ chồng tôi nghĩ sống tích đức để con cháu nên quyết định nhận cháu về”, ông Vĩnh giải thích.
Điều ước giản đơn của vợ chồng già
Những năm đầu tiên vợ chồng ông Nguyễn Trọng Vĩnh và bà Nguyễn Thị Xuân cũng vô cùng vất vả khi chăm sóc cho người con đặc biệt này. Thậm chí, đến thời điểm này ông Vĩnh vẫn tếu rằng đó là giai đoạn “trường kỳ kháng chiến”. Đó là cuộc chiến giành sự sống cho đứa con kém may mắn, đó là cuộc chiến kinh tế nuôi sống cả gia đình.
Mấy tháng đầu, Bảo Cung đau ốm liên tục, vợ chồng bà Xuân bỏ cả việc nhà, việc đồng áng để đưa con đi chữa trị. Vì chưa kịp làm giấy khai sinh nên cậu bé không được hưởng các chế độ bảo hiểm mỗi khi đến viện, chi phí hoàn toàn do gia đình lo liệu.
Trong những ngày tháng gian khổ ấy động lực giúp vợ chồng ông vượt qua là sự đoàn kết, đồng lòng của các con. Kể về hành trình đó, chị Nguyễn Thị Vi (SN 1993), người con thứ 5 của gia đình nhớ lại: “Gia đình thu nhập chính là nghề nông, nên khi mỗi lần đưa Cung đi chữa trị bố mẹ em lại phải chật vật vay mượn. Thương bố mẹ, thương em nhưng chúng tôi chẳng giúp được gì nhiều”.
Thời gian ấy, nhiều lần Bảo Cung bị khó thở khiến toàn thân tím tái, mềm nhũn. Thậm chí, đã có lần bác sĩ thông báo gia đình chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Nhưng rồi, phép màu đã đến, đứa trẻ ấy lại cựa quậy, hồi sinh.
Bao nhiêu ngày sóng gió bên đứa con là bấy nhiêu ngày vợ chồng bà Xuân sống trong nơm nớp lo âu xen lẫn những giọt nước mắt thương con, rồi hạnh phúc khi con hồi tỉnh. 8 năm sống với ông bà thì 6 lần Cung phải trải qua phẫu thuật. Vào ngày 12/3, bé Cung tiếp tục được đưa vào tỉnh Thừa Thiên - Huế để phẫu thuật.
Sau nhiều ca phẫu thuật thành công, Bảo Cung đã khỏe mạnh và lanh lợi hơn. |
“Đây là lần phẫu thuật để lấp ống thở, chuyển sang hô hấp bằng mũi và miệng. Hiện tại, ca phẫu thuật đã thành công. Bảo Cung đã có thể như những đứa trẻ khác rồi”, bà Xuân vui vẻ nói.
Chính người mẹ này cũng không thể nghĩ rằng điều kỳ diệu đã đến, khi người con này từng bị bỏ rơi ở bên đường, rốn còn chưa kịp cắt, cơ thể bầm tím, nằm thoi thóp thở, giờ đã khỏe mạnh, lanh lợi hơn.
“Cháu đến với gia đình là một duyên số, dù không chung máu mủ nhưng tôi vẫn xem là ruột thịt. Có khó khăn thế nào đi chăng nữa chúng tôi vẫn sẽ cố gắng làm mọi thứ có thể cho cháu, chỉ mong sao cháu có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, bà Xuân bộc bạch.
Minh Tú - Ngân Mai
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 44