+Aa-
    Zalo

    Tâm huyết của thầy giáo tật nguyền “cõng” chữ về vùng đất đỏ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tai nạn bất ngờ ập đến khiến thầy giáo Hoàng Văn Giới liệt cả hai chân, không thể đứng trên bục giảng.

    (ĐSPL) - Tai nạn bất ngờ ập đến khiến thầy giáo Hoàng Văn Giới liệt cả hai chân, không thể đứng trên bục giảng. Nỗi nhớ phấn trắng, bảng đen cùng đám trò tinh nghịch, thôi thúc tâm can người thầy giáo trẻ. Vậy là thầy mở lớp học dạy thêm miễn phí tại nhà cho con em trong xã. Hơn 5 năm nay, hình ảnh thầy giáo trẻ ngày ngày lê đôi chân không lành lặn đi gõ đầu trẻ, là một hình ảnh đẹp ở vùng đất đỏ Đắk Nông.

    Tai nạn bất ngờ

    Chúng tôi tìm đến thôn Jiang Cách (xã Đắk D'rô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vào những ngày đầu tháng 11, khi mà lũ trẻ trong thôn đang rộn ràng mùa thi đua, để có những thành tích tốt nhất tri ân người thầy, người cô mình tôn kính. Xã vùng cao Đắk D'rô này chính là nơi thầy giáo trẻ Hoàng Văn Giới (SN 1980, quê Cao Bằng) "cõng" chữ về bản cùng lớp học tình thương của mình. Với người dân xã Đắk D'rô, thầy chính là hiện thân của cái đẹp, của tâm huyết và nghị lực của một nhà giáo mà mỗi khi nhắc đến, ai nấy đều xót xa bởi cuộc đời thầy là cả một câu chuyện thương tâm.

    (bgiay)Tâm huyết của thầy giáo tật nguyền và hành trình “cõng” ch

    Lớp học miễn phí của thầy Hoàng Văn Giới.

    Vốn sinh ra tại tỉnh miền núi Cao Bằng, năm 2005, thầy giáo Hoàng Văn Giới cùng gia đình chuyển vào xã Đắk D'rô sinh sống, lập nghiệp. Thầy xin vào giảng dạy tại trường tiểu học Lê Văn Tám, xã Nam Nung. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tâm huyết của một nhà giáo yêu nghề, suốt những năm tháng đứng lớp thầy đã cố gắng truyền thụ tất cả kiến thức cho các trò nhỏ của mình. Những trò yếu kém, thầy luôn để tâm kèm cặp, dành nhiều thời gian hơn. Với những hoàn cảnh khó khăn, thầy còn đến tận nhà tìm hiểu rồi vận động nhà trường giúp đỡ.

    Hẳn người dân xã Nam Nung và xã Đắk D'rô vẫn không quên được hình ảnh người thầy giáo trẻ dáng cao gầy với nước da ram rám, ngày ngày sau mỗi buổi học lại lặn lội tìm đến phụ đạo cho những em học trò nhà xa, phải phụ mẹ nương rẫy nên không theo kịp buổi học. Dần dà, thầy đã trở thành một người con của vùng đất đỏ Tây Nguyên như thế. Cuộc sống bình lặng đang êm trôi thì bất ngờ một biến cố xảy đến, đã khiến thầy Giới tưởng như mãi mãi không thể lên lớp được nữa. Đó là vào năm 2009, thầy bị tai nạn giao thông. Sau một thời gian chạy chữa, thầy may mắn giữ lại mạng sống, nhưng đôi chân thì bị liệt hoàn toàn.

    Nhớ lại giây phút đau đớn trong cuộc đời mình, thầy bồi hồi nhắc lại: "Khi tỉnh lại trong bệnh viện, thấy mọi người đang sụt sùi khóc tôi đã rất ngạc nhiên bởi chẳng hiểu chuyện gì. Rồi tôi cố cử động, định bước xuống giường nhưng không nhấc được đôi chân bởi sự băng bó và lạnh băng. Tôi hoàn toàn không thể điều khiển được nữa. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao vợ cùng các đồng nghiệp mình lại buồn bã đến vậy...". Với một người thầy trẻ đầy nhiệt huyết, còn gì đau đớn hơn khi biết mình không thể đứng lớp. Đó là những ngày tháng khó khăn nhất của thầy Giới. Ngày ngày thầy nhốt mình trong phòng, nghe tiếng ê a của con nhỏ mà lòng đau nhói. Thỉnh thoảng nhớ lớp, thầy lại lôi tập sách giáo khoa ra xem, rồi lặng lẽ cất. Mọi người trong gia đình cố không nhắc đến nỗi đau của thầy, cố không nhắc đến trường, lớp.

    Dù cố gắng giấu nỗi buồn, nhưng mọi chuyện cũng không qua được đôi mắt tinh tế của chị Sầm Thị Liên, người vợ tận tâm của thầy. Biết chồng buồn, nhớ trường, nhớ học sinh, chị Liên bèn gợi ý chồng nhận dạy kèm học sinh trong xóm cho khuây khỏa. Vậy là từ đó ngôi nhà nhỏ của vợ chồng thầy lại có thêm một tấm bảng đen, lại vang tiếng ê a đọc bài của đám trò nhỏ. Và thầy Giới như sống lại một lần nữa. Thầy tâm sự: "Lúc tôi bị tai nạn, vợ đang mang bầu, mẹ già yếu nên tôi hụt hẫng lắm, không ít lần nghĩ quẩn. May có vợ ân cần chăm sóc, động viên, tôi mới trở lại vui sống. Hơn nữa từ ngày cô ấy mở lớp học này, tôi như được sống lại".

    (bgiay)Tâm huyết của thầy giáo tật nguyền và hành trình “cõng” ch

    Thầy Giới cùng người vợ đồng cam cộng khổ với mình.

    Lệ phí ý nghĩa là điểm của trò

    Khoảng thời gian đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất của nhà thầy Hoàng Văn Giới, bởi kinh tế gia đình đều một tay chị Liên cáng đáng. Thương chồng, thương mẹ già, con nhỏ, chị cặm cụi đồng áng với ba trăm gốc cà phê mới cho trái bói. Biết cả gia đình bốn miệng ăn đều trông cậy vào mảnh rẫy nhỏ, nên chị Liên làm luôn tay. Rời rẫy nhà là chị Liên đi làm thuê ở rẫy người. "Nhiều lúc kiệt sức, nhưng nghĩ đến gia đình, chồng bệnh, con thơ, mình lại cố gắng đứng dậy", chị Liên nói.

    Nhưng dẫu có khó khăn nhường nào, chị Liên luôn đảm bảo cho lớp học của chồng được duy trì, bởi chị biết lớp học này chính là sợi dây níu kéo sức sống cho anh Giới. Ban đầu, lớp học tại gia của thầy Giới chỉ có vài học sinh là con cháu trong nhà, dần dần phụ huynh trong xóm có con học cấp một cũng xin gửi qua thầy ôn tập. Lớp học ngày càng đông, mùa hè có khi lên đến gần hai chục em. Thấy nhà thầy Giới chật chội, một người anh họ đã cho mượn căn nhà nhỏ làm lớp, phụ huynh thì tận dụng gỗ đóng bàn ghế. Sau khi xin phép chính quyền địa phương, thầy Giới chính thức mở lớp dạy thêm miễn phí cho học sinh trong xóm.

    Học trò của thầy chủ yếu học sinh lớp 1, 2, 3 học lực yếu, trung bình, nhưng sau khi học với thầy Giới thì kết quả học tập cải thiện rõ rệt. Anh Lương Sơn Sẩy, phụ huynh của em Lương Tiến Huy, học sinh lớp 3 cho biết: "Năm học lớp 1, Huy học yếu, viết chữ xấu, tính toán chậm, tôi gửi con cho thầy Giới dạy kèm. Từ đó lực học của cháu tiến bộ rất rõ rệt, chữ viết đẹp. Học sinh của thầy Giới nhiều em đạt khá, giỏi". Thấy con học hành tiến bộ, nhiều bậc cha mẹ xin thầy cho nộp tiền học phí, nhưng thầy Giới đều từ chối và giải thích: "Tôi chỉ dạy cho bớt nhớ nghề và giúp các cháu học tốt hơn thôi". Bởi đối với thầy, lệ phí ý nghĩa nhất chính là những con điểm tròn trĩnh mà các trò nhỏ của mình đạt được.

    Năm 2014, theo chương trình nhà đại đoàn kết, các cấp chính quyền đã hỗ trợ gia đình thầy Giới 30 triệu đồng, vợ chồng thầy vay mượn thêm xây căn nhà nhỏ. Nhà xây dở thì hết tiền, thầy Giới đang nhờ anh trai vay ngân hàng giúp. Khi nói về người đồng nghiệp cũ của mình, thầy Đinh Quang Cường, giáo viên trường tiểu học Lê Văn Tám luôn dành cho thầy Giới những lời trân trọng: "Hồi thầy Giới đi dạy, trường còn khó khăn lắm, nhưng anh em đồng nghiệp rất đoàn kết thương yêu nhau. Thầy Giới nghỉ dạy, các cô giáo trong trường vẫn thường xuyên đến chơi, trao đổi về chuyên môn, để thầy Giới cập nhật phương pháp mới, cho mượn sách giáo khoa, sách nâng cao. Có tài liệu hay hoặc dự được lớp tập huấn kiến thức nào bổ ích, các thầy cô đều về chia sẻ lại với thầy".

    Sống nghèo mà thanh bạch

    Thầy Hoàng Văn Giới và lớp học tình thương của mình mãi luôn là một điểm sáng giữa mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Người thầy giàu nghị lực, nhiệt huyết đó sẽ mãi là một hình ảnh đẹp về những con người mang sứ mệnh cao cả là trồng người. Trao đổi với chúng tôi về thầy giáo Giới, ông Nguyễn Văn Rĩnh, Chủ tịch UBND xã Đắk D'rô cho biết: "Thầy Hoàng Văn Giới về xã đã gần 10 năm. Thầy sống nghèo mà thanh bạch. Sau khi bị tai nạn bị liệt hai chân, gia cảnh thầy càng khó khăn nhưng thầy vẫn kiên trì làm việc nghĩa. Chính quyền địa phương đánh giá cao cống hiến của thầy, thường xuyên động viên, thăm hỏi và nêu gương người tốt việc tốt".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-huyet-cua-thay-giao-tat-nguyen-cong-chu-ve-vung-dat-do-a69918.html
    Thầy giáo tật nguyền 22 năm dạy học miễn phí

    Thầy giáo tật nguyền 22 năm dạy học miễn phí

    (ĐSPL) - Sau một cơn bạo bệnh vào mùa hè năm 1990, thầy Nguyễn Minh Quang nguyên là giáo viên dạy anh văn cho trường Nguyễn Văn Sơ, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đành rời xa bục giảng...Thực hiện: Phùng Sơn - Mỹ Lệ

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thầy giáo tật nguyền 22 năm dạy học miễn phí

    Thầy giáo tật nguyền 22 năm dạy học miễn phí

    (ĐSPL) - Sau một cơn bạo bệnh vào mùa hè năm 1990, thầy Nguyễn Minh Quang nguyên là giáo viên dạy anh văn cho trường Nguyễn Văn Sơ, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đành rời xa bục giảng...Thực hiện: Phùng Sơn - Mỹ Lệ