Theo tin tức an ninh hình sự trên báo Công an nhân dân, trước đó, Công an huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) nhận được tin báo tố giác tội phạm của chị Đ.T.N (SN 1994, trú tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) về việc, chị bị đối tượng Trần Hải Công (SN 1985, trú tại xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc) bắt và giam giữ trong nhiều ngày để ép trả nợ số tiền 5 triệu đồng đã vay của đối tượng.
Theo nội dung tố cáo của chị N, trong quá trình bị bắt giữ trái pháp luật, chị N còn bị Công dùng gậy đánh đập và nhiều lần thực hiện hành vi quan hệ tình dục.
Tiếp nhận nội dung tố cáo, lãnh đạo Công an huyện Tân Lạc đã cử tổ công tác tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc. Sau khi biết chị Đ.T.N tố giác tới cơ quan Công an, đối tượng Công đã đến Công an huyện Tân Lạc đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Đến ngày 5/12, Công an huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cho biết, đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Hải Công để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Thông tin chi tiết vụ việc trên VietNamnet, lãnh đạo Công an huyện Tân Lạc cho biết, Công và chị N. có tình cảm và ăn ở với nhau hơn 1 năm nay. Chị N. có vay 5 triệu đồng của Công. Trong quá trình sống cùng nhau, hai người xảy ra mâu thuẫn ghen tuông.
“Bản chất là 2 người có tình cảm với nhau, đã ăn ở cùng nhau như vợ chồng hơn 1 năm nay. Tuy nhiên, hành vi bắt giữ chị N. của Công là trái pháp luật. Không chỉ có vậy, trong thời gian bắt giữ người, Công còn hành hạ, đánh đập và nhiều lần thực hiện hành vi quan hệ tình dục với chị N.”, vị lãnh đạo Công an huyện Tân Lạc cho biết.
Được biết, hiện Công an huyện Tân Lạc đang củng cố hồ sơ xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.
Chia sẻ dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho rằng, căn cứ vào những tài liệu mà cơ quan điều tra thông tin thì hành vi của Trần Hải Công là giữ người trái luật. Bắt, giữ người trái pháp luật là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác.
Bắt người trái pháp luật được thể hiện ở hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc tạm giam họ. Việc khống chế này có thể dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác nhau như trói, còng tay…
Giữ người trái pháp luật được thể hiện ở hành vi không cho người bị bắt đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của người phạm tội trong một khoảng thời gian ngắn.
Giam người trái pháp luật được thể hiện ở hành vi nhốt người bị bắt vào một nơi trong một thời gian nhất định (như nhốt ở trong nhà...).
Dấu hiệu khác là: Hành vi bắt, giữ hoặc giam người nêu trên phải trái pháp luật; Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Việc bắt giữ người trái luật làm mất quyền tự do thân thể của công dân được pháp luật bảo vệ; Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Theo luật sư Hoàng Tùng, việc tạm giữ hình sự đối với Trần Hải Công của Công an huyện Tân Lạc để làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật là hợp lý. Về việc chị N. có bị ép quan hệ tình dục hay không thì phải chờ cơ quan công an làm rõ hành vi này, vì trong quá trình điều tra, công an xác định 2 người có tình cảm và ăn ở cùng nhau.
Bảo An (T/h)