Tài xế xe công nghệ bị tai nạn có được coi là tai nạn lao động hay không cần căn cứ vào hợp đồng giữa tài xế và hãng xe công nghệ để xác định mối quan hệ lao động.
Trong trường hợp tài xế ký với hãng xe ôm công nghệ là hợp đồng lao động thì đương nhiên trong thời gian làm việc bị tai nạn thì sẽ được xem xét là tai nạn lao động và được hưởng toàn bộ tiền bồi thường, tiền khám chữa bệnh, tiền trợ cấp theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay, chủ các hãng xe công nghệ luôn coi các tài xế là đối tác, chứ không phải người lao động của doanh nghiệp nên họ không hỗ trợ tiền lương, bảo hiểm xã hội.
Theo cách định danh như vậy, mối quan hệ giữa chủ các hãng xe công nghệ và các tài xế là quan hệ giữa các đối tác, chứ không được ký kết hợp đồng lao động, giữa bên sử dụng lao động và người lao động.
Điều 13 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về hợp đồng lao động: "Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”.
Chính vì vậy, rất khó để các lái xe khi bị tai nạn trong thời gian chạy xe ôm công nghệ có thể yêu cầu xử lý bồi thường tai nạn lao động. Đây cũng là vấn đề cần phải cân nhắc và kiểm tra khi các lái xe đồng ý ký thỏa thuận với các hãng xe ôm công nghệ.
Việt Hương (T/h)