Trao đổi với báo chí, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh thông Luật cho biết: Theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới là phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, Điều 25 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ Công an quy định biển số xe như sau:
- Được sản xuất bằng kim loại
- Có màng phản quang
- Ký hiệu bảo mật, công an hiệu đóng chìm do đơn vị được Bộ Công an cấp phép sản xuất biển số, do Cục CSGT quản lý.
Luật sư Bình cho rằng, các hành vi sử dụng biển số xe không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp, gắn không đủ hoặc gắn không đúng vị trí, biển số không rõ chữ, số, biển số bị bẻ cong, che lấp… sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Những trường hợp vi phạm thường mắc lỗi như sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển. Các hành vi này thuộc hành vi vi phạm tại Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng của Chính phủ quy định như sau:
Người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); - Sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); - Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
- Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Không chỉ phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm theo điểm b, khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
XEM THÊM: Hiểu thế nào cho đúng về âm hiệu còi của CSGT khi điều khiển giao thông?
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng của Chính phủ thì hiện nay, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt tiền 300.000 đồng-400.000 đồng khi: Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; Gắn biển số không rõ chữ, số; Gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; Sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.
Hoàng Yên(T/h)