Dư luận đang sa đà vào những cuộc tranh cãi chiến thuật, yếu tố con người để lý giải cho thất bại cho U23 Việt Nam tại SEA Games 28. Nhưng bài viết này, dưới góc độ khoa học, xin đưa ra một cái nhìn hoàn toàn khác: Chúng ta lỗi hẹn với giấc mơ vàng vì… xuất phát điểm của HLV Toshiya Miura.
Tiểu sử của Miura
Hãy nhắc qua một chút về tiểu sử của HLV sinh năm 1963. Trước khi theo đuổi nghiệp huấn luyện, ông chưa từng tham gia bóng đá chuyên nghiệp, chuyển tiếp từ khoa Y học và giảng dạy thể chất đại học lên Iwate sang khoa bóng đá đại học thể thao Cologne.
Những năm tháng tu nghiệp ở nước ngoài, chắc chắn Miura chưa thể áp dụng lý thuyết học được trên giảng đường. Vì thế, ông hình thành một thú vui khác: Học làm bình luận viên (BLV). Miura nghiên cứu bóng đá Đức, Hà Lan và Italia và đến năm 1996, theo tờ Voetbal, ông bắt đầu tham gia sản xuất chương trình cho một số trận đấu ở giải hạng nhì Đức hoặc Hà Lan dưới tư cách khách mời.
HLV Miura (giữa) trong vai trò BLV cho NHK tại World Cup 2010
Quay về Nhật Bản, Miura tiếp tục duy trì công việc “tay trái” một cách đều đặn. Chính xác là kể từ World Cup 2010, Miura là cái tên quen thuộc trên màn ảnh nhỏ khi liên tục sắm vai BLV cho đài NHK.
Vấn đề là ba chữ “Bình luận viên”
Như vậy, có thể tạm rút ra kết luận: Miura khởi điểm là một BLV. Ngay cả khi đã là một HLV chuyên nghiệp, ông vẫn thường xuyên làm công việc ưa thích. Bằng chứng là trong giai đoạn J-League 1 tạm nghỉ vì World Cup 2010, trong khi các HLV khác chủ yếu tập trung nghỉ ngơi và nghiên cứu đối thủ thì Miura lại đến Nam Phi, đồng hành cùng người xem trong tiểu mục “Bữa tối cùng người nổi tiếng”. Hơn 30 ngày vắt sức, không khó hiểu vì sao khi trở về Nhật Bản, Miura đưa Vissel Kobe xuống vực thẳm (đứng hạng 15). Rõ ràng, “máu bình luận” đã ăn sâu vào tiềm thức Miura.
Ví dụ trên chỉ là một trong rất nhiều minh họa khẳng định: Không thể trở thành HLV tốt nếu đi lên từ một BLV tốt? Đây là hai công việc khác nhau hoàn toàn về bản chất, thậm chí là xung khắc nhau. Đơn giản, bởi mục đích của người làm từng nghề cũng trái ngược.
BLV, nghề làm dâu trăm họ
Thống kê của Whoateallthepies cho thấy, trong 10 năm qua, mỗi BLV ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu sử dụng tới 950,000 từ trong một trận đấu. Một thống kê khổng lồ nhưng sẽ là dễ hiểu nếu biết được nguyên tắc đầu tiên để trở thành BLV tốt là “Nói càng nhiều càng tốt”.
Công việc của BLV được ví như “làm dâu trăm họ”, cái đích cuối cùng mà họ hướng tới là làm hài lòng tất cả CĐV. Thế mới có chuyện, khi Luis Garcia ghi bàn thắng ma vào lưới Chelsea cách đây 8 năm (bóng chưa qua vạch vôi vì bị Gallas phá ra nhưng trọng tài công nhận), BLV ngập ngừng: “Dường như bóng chưa qua vạch vôi”. Xin nhắc lại, là “dường như” (nguyên bản: seemingly), nghĩa là các BLV không bao giờ đưa ra đánh giá chủ quan, mọi thứ họ cung cấp đều đa chiều, “có vẻ” là không bênh vực ai.
Trước tình huống tranh cãi vừa nêu, hai HLV phản ứng thế nào? Benitez (Liverpool) cam đoan bóng đã đi qua vạch vôi, Mourinho (Chelsea) khẳng định trọng tài thuộc phe The Kop. Nói đơn giản, đã là HLV thì phải có chính kiến, bất luận chính kiến ấy là sai hay đúng.
Lại nói tiếp: Trong 950.000 từ kia, có khoảng 460 từ cấu thành bởi 60 cụm danh từ xuất hiện trong buổi bình luận nhiều hơn 5 lần. Theo Tyldesley - chuyên gia khẩu hình đại học Southampton, một HLV không bao giờ lặp lại một lời nói có chủ đích quá 3 lần trên sân tập. Đấy lại là độ vênh khác giữa hai nghề nghiệp, một bên là nói có suy nghĩ, bên còn lại là nói theo thói quen, nói giống robot.
Việt Nam khó thành công với Miura
Đôi khi, BLV còn phải làm theo những gì nhà đài sắp xếp. Tại Anh, trong một cuộc điều tra của Telegraph, 57\% BLV tham gia bình luận bóng đá Anh mỗi dịp cuối tuần tiết lộ nội dung, kịch bản trong cabin đã được chuẩn bị trước và anh (ông) này chỉ việc nói theo. Hiện tượng ấy đã xuất hiện ở 14/31 trận Peter Drury bình luận ở Premier League 2010/11. Còn HLV, dù đôi lúc cũng chịu sự chi phối nhất định từ giới chủ song cuối cùng, họ vẫn được toàn quyền đưa ra thay đổi chiến thuật hay nhân sự trong trận đấu.
Có người hỏi HLV có sợ bị sa thải không? Xin trả lời rằng “Không”, bởi HLV vừa là nghề nguy hiểm nhất, nhưng cũng là nghề dễ kiếm việc nhất, với quãng nghỉ tính từ thời gian thất nghiệp đến lúc tìm được việc mới là 11 tháng - thấp hơn cả thống kê của nghề giáo viên.
“Bản chất, mục đích và tính chất nghề nghiệp khác nhau, BLV và HLV thể thao là hai nghề không thể dung hòa”, cựu danh thủ Gary Neville đã nói vậy. Đừng quên, HLV tồn tại bằng kinh nghiệm thực tiễn còn BLV kiếm ăn nhờ kiến thức sách vở tổng hợp. Chính Neville chứ không phải ai khác, cũng là một BLV giỏi, và không được Sir Alex cơ cấu vào BHL M.U dù cùng lứa 92 với anh, Ryan Giggs và Paul Scholes được hưởng đặc ân đấy.
Oái ăm, Miura lại gây nghiệp từ cabin bình luận. Ông là một HLV tốt, nhưng chưa đủ giỏi để đưa Việt Nam tới đỉnh vinh quang, ít nhất là ở hai kỳ AFF Cup và Sea Games vừa qua. Chiếc HCĐ Sea Games 28 là quá ít ỏi so với kỳ vọng của NHM.
Graeme Souness từng trải qua 3 năm thê thảm ở Liverpoool (1991-1994) trong vai trò HLV. Đã có lúc, vì quá áp lực mà ông bị đột quỵ, phải thực hiện phẫu thuật tim khẩn cấp (tháng 04/1992). Ông này cũng từng từ chối cơ hội ký HĐ với Peter Schmeichel và Eric Cantona trong thời gian dẫn dắt đội bóng vùng Merseyside. Tóm lại, Souness không phải HLV giỏi (không trụ lại quá CLB nào 2 năm lúc rời Liverpool) nhưng sau khi giải nghệ, ông trở thành chuyên gia hàng đầu của Sky Sports mảng Champions League, là BLV hưởng lương cao nhất ở đài Al Jazeera Sports.
[mecloud]ezG9pHpIOz[/mecloud]
Theo Sanco365