Greta Thunberg từng phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc và là một trong 25 thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất theo bình chọn của Time.
Cô bé Greta Thunber (16 tuổi). Ảnh: ndtv.com |
Nhà vận động vì môi trường Greta Thunber (16 tuổi), nhà lãnh đạo và hoạt động môi trường bản địa Brazil - bà Raoni Metuktire, cùng Thủ tướng New Zealand - bà Jacinda Ardern là những ứng viên tiềm năng cho giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay.
Greta là gương mặt được các nhà đặt cược đánh giá có khả năng thắng giải khi Công ty Coral ở Anh cho biết tỉ lệ cược là ½.
Cách đây một năm, thay vì đến trường, Greta đã đứng trước tòa nhà quốc hội Thụy Điển để thực hiện chiến dịch "bỏ học vì môi trường" nhằm nâng cao nhận thức của mọi người.
Cô bé lúc đó tự vẽ một biểu ngữ, ngồi trước tòa nhà quốc hội ở Stockholm suốt nhiều tháng trời để thu hút sự chú ý của giới chức. Người đi đường vừa thương hại vừa thích thú khi thấy hình ảnh cô bé đơn độc cầm biểu ngữ chiến đấu vì môi trường.
Greta đã thực hiện chiến dịch của mình trong vòng 8 tháng, bất chấp sự can ngăn của cha mẹ và lời từ chối tham gia của bạn bè xung quanh.
Sự kiên trì của Greta đã biến thiếu nữ 16 tuổi này trở thành hình mẫu trên toàn thế giới cho sự quyết tâm, truyền cảm hứng và hành động tích cực.
Biểu ngữ "bỏ học vì môi trường" của cô bé được dịch sang hàng chục ngôn ngữ và cô không còn đơn độc trong cuộc chiến.
Tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở New York, Greta đã có bài phát biểu gây xôn xao truyền thông quốc tế khi chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới thiếu trách nhiệm với môi trường. Dù hầu hết các nước trên thế giới đã ký vào thoả thuận khí hậu Paris 2015, có rất ít quốc gia cắt giảm lượng khí thải theo mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C.
Phong trào "nghỉ học vì môi trường" của Greta gây nhiều tranh cãi và thu hút sự quan tâm từ nhiều lãnh đạo thế giới. Tổng thống Nga Putin mô tả cô bé là "tốt bụng và chân thành" nhưng còn quá ngây thơ.
Nếu nhận giải, Greta sẽ trở thành người chiến thắng trẻ nhất trong lịch sử Nobel, vượt qua nhà hoạt động giáo dục Pakistan Malala Yousafzai, người đã giành giải Hòa bình năm 2014 khi 17 tuổi.
Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2018 được trao cho Nadia Murad, nhà hoạt động nhân quyền người dân tộc thiểu số Yazidi ở Iraq, bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt làm nô lệ tình dục trong 3 tháng và bác sĩ người Congo, ông Denis Mukwege vì những nỗ lực của họ nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang.
Mộc Miên (Theo ndtv.com)