(ĐSPL) - Câu chuyện ông Nguyễn Bá Nho ở Sóc Sơn – Hà Nội quảng cáo thuốc Nam của mình có khả năng chữa trị bệnh ung thư không còn là câu chuyện mới.
Rất nhiều người theo lời quảng cáo đã tìm đến vị “thần y” này với tư tưởng có bệnh thì vái tứ phương. Thế nhưng không mấy ai trong số đó biết được rằng cho đến thời điểm này, ông Nho vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận hành nghề cũng như chưa được cấp phép kinh doanh chỉ vì ông này không chứng minh được tác dụng chữa trị bệnh thực sự của thuốc mà ông vẫn rêu rao.
Chưa có chứng chỉ hành nghề và giấy phép kinh doanh
Trong quá trình tìm hiểu hoạt động khám chữa bệnh bằng thuốc Nam của ông Nguyễn Bá Nho, chúng tôi nhận được một số thông tin từ bệnh nhân của ông Nho cho biết, ông này mới được cấp giấy phép hành nghề, thậm chí một bệnh nhân của ông Nho ở Hoàn Kiếm – Hà Nội còn khẳng định chắc chắn với chúng tôi rằng “ông Nho mới được cấp giấy phép hành nghề cách đây hơn một tuần”.
Những gói thuốc được "thần y" Nho phát cho bệnh nhân (Ảnh minh họa). |
|
Việc cấp giấy phép hành nghề cho các đối tượng thuộc diện khám chữa bệnh và bốc thuốc bằng phương pháp Đông y là một việc làm được lãnh đạo các ban ngành trực thuộc Bộ y tế hết sức quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, để được cấp phép khám chữa và bốc thuốc trong lĩnh vực này đòi hỏi những người tham gia khám chữa, bốc thuốc phải đáp ứng những yêu cầu nhất định. Để làm rõ hơn điều này, ngày 27/3, PV đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Sở Y tế TP. Hà Nội.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tuấn, Chánh văn phòng Sở Y tế TP. Hà Nội khẳng định: Cho đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Bá Nho chưa đủ điều kiện để được cấp phép hành nghề, do đó chưa đủ điều kiện để cấp phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Tại buổi làm việc, ông Tuấn cho biết, ông Nguyễn Bá Nho ở Sóc Sơn – Hà Nội có tham gia hội Đông y huyện Sóc Sơn nhiều năm qua.
Ông này từng 2 lần nộp hồ sơ xin cấp phép hành nghề, tuy nhiên đối chiếu theo các quy định của pháp luật trong lĩnh vực cấp phép thì ông này hoàn toàn chưa đủ điều kiện. Trong thời gian kể từ lần đầu nộp hồ sơ xin cấp phép của ông Nho cho đến nay cũng đã có một số ý kiến đề nghị ông Tuấn “lưu tâm” đến trường hợp này, tuy nhiên do ông Nho chưa đủ điều kiện nên Sở Y tế TP chưa thể cấp phép.
Cũng theo ông Tuấn, trước những đơn thư phản ánh về việc chữa bệnh, bốc thuốc không phép của ông Nho, Sở Y tế TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị chức năng thành lập đội liên ngành thanh kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh Đông y của ông Nho ở thôn Lai Cách – Xuân Giang – Sóc Sơn – Hà Nội.
Kết quả kiểm tra xác định ông này có vi phạm hoạt động khám chữa, bốc thuốc khi chưa có giấy phép hành nghề và giấy phép kinh doanh. Đội kiểm tra liên ngành cũng đã ra quyết định xử phạt, bắt ông này viết cam kết, đồng thời triệu tập ông Nguyễn Bá Nho lên Sở Y tế một lần để làm việc. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, quản lý địa bàn rộng nên sau đó Sở Y tế TP. Hà Nội đã có công văn chỉ đạo Phòng Y tế huyện Sóc Sơn và các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, theo dõi và dám sát hoạt động của cơ sở này.
Khó khăn trong xử lý phòng khám chui?
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Duy Hùng – Phó trưởng Phòng Y tế huyện Sóc Sơn – TP. Hà Nội. Ông Hùng cũng xác nhận ông Nguyễn Bá Nho chưa có giấy phép hành nghề và giấy phép kinh doanh.Tuy nhiên, với cơ sở khám chữa bệnh Đông y của ông Nguyễn Bá Nho ở thôn Lai Cách, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn mặc dù đã thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động của cơ sở này nhưng Phòng Y tế huyện gặp phải một số khó khăn cả về khách quan và chủ quan nên phòng cũng chủ yếu thông qua xã để quản lý, giám sát.
Xem thêm video: Lương y 21 năm chữa bệnh miễn phí.
Hai trong số những khó khăn chính mà ông Hùng nêu ra đó là: Kể từ năm 2014 đến nay, phòng y tế huyện đã một vài lần thành lập đội kiểm tra giám sát tiếp cận cơ sở khám chữa này, chỉ khi nào có mặt tại cơ sở mới báo chính quyền xã để đảm bảo bí mật.
Tuy nhiên, do lần trước bị bắt quả tang tại trận và bị lập biên bản xử lý nên cơ sở này thường xuyên bố trí người ở cổng, bởi vậy khi đoàn thanh tra vào thì thông tin đã không còn bí mật do đó không bắt quả tang trực tiếp được việc khám chữa, kinh doanh không phép. Mặc dù trong một số lần kiểm tra vẫn phát hiện có người bệnh đến lấy thuốc nhưng không bắt được quả tang ông Nho khám chữa hay buôn bán nên không có cơ sở xử phạt.
Một khó khăn khác mà ông Hùng nhắc tới là khung xử phạt. Đối với hai mức vi phạm là khám chữa bệnh không giấy phép và kinh doanh không giấy phép theo quy định tại Nghị định 176 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì một mức bị xử phạt tối đa đến 30 triệu đồng, một mức xử phạt từ 50 đến 70 triệu đồng. Như vậy xét về thẩm quyền xử phạt, UBND cấp huyện chỉ được phạt đến 50 triệu đồng còn từ 50 triệu đồng trở lên phải do Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tuấn – Chánh văn phòng Sở Y tế TP. Hà Nội cho biết: Đúng là với mức sử phạt vi phạm hành chính từ 50 triệu đồng trở lên do Chủ tịch UBND Thành phố ra quyết định. Tuy nhiên, khi UBND cấp huyện báo cáo lên, thành phố cũng chưa thể xử phạt ngay mà phải thành lập đội kiều tra giám sát lại việc xử phạt này, do đó phải có thời gian để thực hiện thanh kiểm tra. Cùng với nhiều nguyên nhân khác nên biện pháp tốt nhất ở thời điểm hiện tại chủ yếu là vận động ông Nguyễn Bá Nho thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác khám chữa bệnh, kinh doanh buôn bán mặt hàng thuốc Đông y.
Đây có thể coi là hai trong số những vướng mắc lớn nhất để giải thích lý do vì sao mà cơ sở khám chữa bệnh của ông Nguyễn Bá Nho vẫn tiếp tục hoạt động chui mà chưa có hướng xử lý. Những cơ sở khám chữa bệnh kiểu này không phải hiếm gặp, thiết nghĩ trong thời gian tới, các cấp bộ, ngành cần sớm đưa ra phương án để quản lý việc khám chữa bệnh đồng thời dẹp bỏ các cơ sở khám chữa bệnh chui kiểu này.
THÀNH NHUẾ - TÔ HIỂN
Xem thêm video:
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-sao-cac-co-quan-lai-bo-tay-truoc-than-y-nguyen-ba-nho-a90060.html