Ông Lê Quang Thưởng cho rằng, nhiều cán bộ kê khai không trung thực, tài sản “ẩn” vào biệt thự, biệt phủ của vợ, con… và cần xử lý nghiêm.
Theo quy định mới (Quy định 102-QĐ/TW) về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm vừa được ban hành, nếu Đảng viên kê khai tài sản và giải trình về biến động tài sản, nguồn gốc tài sản không trung thực thì bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức nếu có chức vụ.
Đánh giá về quy định này, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực ban Tổ chức Trung ương Đảng cho rằng, quy định trên là cơ sở pháp lý quan trọng trên cơ sở kế thừa quy định cũ, được bổ sung, cụ thể hóa hơn nhiều để phù hợp với tình hình mới.
Ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương |
Theo nhận định của ông Lê Lê Quang Thưởng, vấn đề kỷ luật Đảng viên không trung thực trong kê khai tài sản phải đi vào hàng loạt vấn đề trọng tâm. Việc kê khai phải có sự chấn chỉnh, kê khai phải có sự kiểm tra, giám sát nhưng thực tế hiện nay khâu giám sát còn buông lỏng. Hai là, tài sản của cán bộ “ẩn” vào tài sản, biệt thự, biệt phủ của vợ, con, cháu chứ không bộc lộ ra hết.
“Theo quan điểm của tôi, cần sửa quy định về kê khai tài sản, không chỉ chồng mà yêu cầu cả vợ, con, cháu của cán bộ đó phải kê khai tài sản. Thực tế hiện nay, chúng ta hầu như xử lý rất ít những trường hợp kê khai không trung thực”, ông Thưởng nêu quan điểm.
Ông Lê Quang Thưởng cho rằng, quy định 102 được ban hành là phù hợp với thực tiễn. Nếu Đảng viên kê khai tài sản và giải trình về biến động, nguồn gốc tài sản không trung thực có thể bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ), chỉ như vậy mới đủ sức răn đe.
“Vừa rồi, hàng loạt những cán bộ có chức vụ kê khai tài sản không trung thực như: Nguyên Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa kê khai tài sản không đầy đủ đến mức phải xử lý; bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai kê khai tài sản không trung thực liên quan đến doanh nghiệp do chồng bà quản lý hay trường hợp của ông Phạm Sỹ Quý kê khai không trung thực, chuyển đổi mục đích đất không đúng quy định và nhiều bất động sản kê khai thiếu.
Ba trường hợp này đều bị xử lý và công khai rồi. Trước đây, chỉ có hành lang để xác định vi phạm, nay với quy định này đã nêu rõ mức xử lý như thế nào đối với từng vi phạm cụ thể”.
Chia sẻ với PV, ông Thưởng cũng cho rằng, thực tế trong quá trình kiểm tra, xử lý có xuất hiện một số trường hợp thấy rõ ràng cho thôi chức thì không phải hình thức kỷ luật. Cho nên, phải quy định rõ việc xử lý kỷ luật đúng với Điều lệ Đảng, Đảng viên vi phạm đến mức nào thì phải xử lý đến mức đấy, không được cho thôi chức thay vì cách chức; hoặc xóa tên Đảng viên cũng không phải hình thức kỷ luật mà phải là khai trừ Đảng.
Hương Lan