(ĐSPL) - Đầu tháng 11, bộ truyện tranh "Long Thần tướng" ra mắt độc giả ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Một trong bốn tác giả của truyện này là họa sỹ Thành Phong - người từng gây sốt với bộ truyện "Sát thủ đầu mưng mủ" thời gian qua.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, bộ truyện tranh này được gắn mác 15+ đồng nghĩa với độc giả dưới 15 tuổi không được đọc bộ truyện này. Tuy nhiên, nhiều độc giả cho biết, họ cảm thấy "khó hiểu" với tiêu chí này, họ hoài nghi đây là một chiêu PR cho bộ sách hay là cách để Thành Phong đánh bóng tên tuổi khi chuẩn bị cho ra cuốn truyện kia?
Hư cấu toàn bộ nhân vật
"Long Thần tướng" là tác phẩm của nhóm tác giả Thành Phong, Mỹ Anh (họa sỹ), Khánh Dương (biên kịch), Trần Quang Đức (cố vấn) cùng làm, theo nhóm tác giả này, ngày phát hành bộ truyện tại Hà Nội là vào 1/11/2014 và ở TP. Hồ Chí Minh là ngày 2/11. Theo Khánh Dương, tập một của "Long Thần tướng" sẽ được in lần đầu 5.000 bản. Bộ truyện tranh được thực hiện theo hình thức kêu gọi vốn cộng đồng. Sau khi công bố, có 553 người hỗ trợ dự án. Nhóm quyên góp được 330 triệu đồng để thực hiện tập 1 cuốn sách.
Thành Phong (phải) và Khánh Dương (trái) là tác giả bộ truyện "Long Thần tướng". |
Hoạ sỹ Thành Phong cho biết, "Long Thần tướng" là câu chuyện dã sử lấy bối cảnh từ năm 1282 tới 1285 - một giai đoạn đấu trí căng thẳng giữa nhà Trần với nhà Nguyên. Tuy nhiên "Long Thần tướng" kể về một câu chuyện chưa từng xuất hiện trong chính sử. Toàn bộ nhân vật trong truyện tranh này đều là những nhân vật hư cấu, truyện tranh cũng có những nút thắt mở, kịch tính với những trận đánh để đem lại yên bình cho nhân dân.
Họa sỹ Thành Phong tiết lộ: "Truyện tranh đề cao tinh thần yêu nước này từng đăng dở trên tạp chí Truyện tranh Trẻ mười năm trước. Trong lần tái xuất này, nhóm thực hiện chỉ giữ lại tuyến nhân vật chính và thay đổi hoàn toàn nội dung cốt truyện. Sách gồm 160 trang, được sáng tác mới hoàn toàn. Chúng tôi thêm vào đó tuyến nhân vật của thời hiện đại". Nói về lý do thực hiện lại bộ truyện, Thành Phong chia sẻ: "Long Thần tướng" là tác phẩm tâm huyết của tôi và Khánh Dương. Được biết, phiên bản mới sẽ chỉ giữ lại các nhân vật chính trong "Long Thần tướng" năm 2004, còn toàn bộ tranh và nội dung đều được vẽ lại và làm mới.
Họa sỹ Thành Phong sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng mỹ thuật và vẽ tuyến truyện chính cho tác phẩm. Trong khi đó, các tác giả khác cũng là những người được giới trẻ yêu mến như Nguyễn Mỹ Anh (nickname Butaemon) - được cộng đồng truyện tranh yêu thích, từng được giải thưởng của tạp chí truyện tranh Nhật Bản Shonen Jump - sẽ vẽ riêng một tuyến cốt truyện song song với cốt truyện chính. Nguyễn Khánh Dương, từng tham gia xây dựng kịch bản của series truyền hình Nhật ký Vàng Anh, sẽ đảm nhận vai trò tác giả kịch bản. Nhà nghiên cứu lịch sử Trần Quang Đức - tác giả cuốn sách Ngàn năm áo mũ - là cố vấn lịch sử cho bộ truyện.
Bìa cuốn truyện "Long Thần tướng". |
Bộ sách được làm bởi những tác giả "có tiếng" trong giới trẻ nhưng đang gây sốt với nội dung còn nằm trong bí mật và được gắn mác 15+. Hẳn mọi người vẫn còn nhớ vào hồi năm 2011, họa sỹ Thành Phong cũng từng gây sốc với bộ truyện tranh "Sát thủ đầu mưng mủ" là một cuốn sách tập hợp những thành ngữ dân gian đương đại và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Vì thế bộ truyện "Long Thần tướng" ra đời, nhiều khán giả ý kiến rằng, tác giả cũng đang "choáng" với việc gắn mác 15+ để bán sách? Vũ Việt Dũng (sinh viên K47, khoa Quản trị Kinh doanh, đại học Thương mại cho biết: "Vì đã từng gây sốt với cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" năm 2011 và "Phê như con tê tê" năm 2013 nên việc tác giả Thành Phong gắn mác 15+ để gây sốc thì cũng không có gì là lạ. Theo nhà văn trẻ Thu Giang, nhiều tác giả trẻ hiện nay cũng có nhiều cách để PR tên tuổi cho tác phẩm của mình, có người úp mở nội dung tác phẩm gắn yếu tố sex, có người gắn mác nọ kia. Tuy nhiên, người đọc sẽ là những nhà phê bình chính xác nhất, họ đủ tỉnh táo để biết đâu là tác phẩm có chiều sâu, đâu là những tác phẩm có vấn đề về nội dung. Vì vậy, nếu truyện có nội dung không ra gì thì cũng khó mà được khán giả đón nhận...".
Một trang trong truyện “Long Thần tướng”. |
Bày đặt chiêu trò "cấm đoán" chỉ là thủ pháp gây tò mò?
Được biết, nhóm tác giả chọn cách gây quỹ kêu gọi cộng đồng ủng hộ để cho ra mắt bộ truyện. Thành Phong đưa ra hai lý do khiến anh lựa chọn hình thức xuất bản mới mẻ này ở Việt Nam: "Chúng tôi không muốn chịu ràng buộc với một đơn vị nào để có thể toàn quyền phát triển bộ truyện, quyết định hướng đi của tác phẩm và chủ động chọn kênh phân phối cho độc giả. Bên cạnh đó chúng tôi cũng muốn làm “phép thử” với cộng đồng truyện tranh. Liệu các độc giả có sẵn sàng đầu tư cho một tác phẩm họ yêu thích không. Với hình thức xuất bản này, chúng tôi có thể tiếp cận trực tiếp với những độc giả của mình. Những người ủng hộ cũng sẽ là những độc giả đầu tiên của bộ truyện, họ sẽ được tặng tác phẩm tùy theo mức ủng hộ khác nhau. Thậm chí, với mức hỗ trợ cao nhất, họ sẽ trở thành một nhân vật quần chúng xuất hiện trong truyện".
Khi được hỏi, vì sao bộ truyện này lại cấm trẻ em đọc, họa sỹ Thành Phong cho biết: "Bộ truyện tranh này là câu chuyện không được kể theo tuyến tính thời gian, tức là cách kể chuyện về quá khứ xen lẫn hiện đại, có những cảnh hơi kích động, vì thế nhóm tác giả khuyến cáo là trẻ em dưới 15 tuổi không nên đọc, vì các em ở độ tuổi ấy có nhận thức nhất định”.
Khi được hỏi, bộ truyện tranh "Long Thần tướng" không phù hợp với trẻ em dưới 15 tuổi, vậy liệu nội dung truyện có gì nhạy cảm không, họa sỹ Thành Phong trả lời: “Cái cách kể chuyện trong bộ truyện "Long Thần tướng" khá đặc biệt, khán giả nhỏ tuổi khó mà nắm bắt hết được cái hay của truyện, vì nó có hai bối cảnh quá khứ và hiện tại”. Với câu hỏi về việc có phải gắn mác 15+ để PR cuốn sách này hay không, theo tác giả Thành Phong, anh đưa ra tiêu chí này cũng chính là việc xét trên nhận thức của trẻ nhỏ. Nhiều em học sinh từ 15 tuổi trở lên mới nhận thức đầy đủ được những kiến thức liên quan đến lịch sử, vì thế không phải gắn mác 15+ để PR cho cuốn sách. Hơn nữa anh và nhóm tác giả chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo, chứ không cấm, nếu các em nhỏ yêu mến lịch sử và có thể "thẩm thấu" được nội dung cuốn sách thì cũng có thể đọc để biết về nội dung cuốn truyện dã sử này.
Học sinh từ 15 tuổi trở lên mới hiểu được nội dung cuốn sách? Chị Nguyễn Hoàn, phòng Biên tập, NXB Đại học Sư phạm - nơi cuốn sách "Long Thần tướng" được xuất bản cho biết: "Cuốn sách này viết về những câu chuyện liên quan đến bối cảnh lịch sử những năm 1200 nên những đối tượng phù hợp đọc là những em học sinh từ 15 tuổi trở lên và sinh viên đại học. Khi lớn tuổi một chút, các em mới am hiểu về văn hóa, trang phục nên dễ hiểu được nội dung cuốn sách hơn chứ không phải nội dung cuốn sách có gì phản cảm hay gây sốc...". |