Cán bộ tại Trung tâm nghiên cứu Damascus – nơi bị Mỹ ném bom khẳng định chỉ điều chế thuốc trị ung thư và chất giải độc.
Theo Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Joseph Dunford, 3 địa điểm bị trúng hỏa lực của Mỹ tại Syria bao gồm một trung tâm nghiên cứu khoa học tại thủ đô Damascus, kho vũ khí hóa học tại phía Tây tỉnh Homs và cuối cùng là cơ sở chỉ huy, tích trữ thiết bị vũ khí gần sát địa điểm vừa nêu ở Homs.
Nhiều giờ sau cuộc công kích, tại trung tâm nghiên cứu của Damascus, những cột khói vẫn bốc lên từ tòa nhà và mùi khét vẫn lan tỏa trong không khí. Mái nhà bị kéo xuống và một vài bức tường còn sót lại đang trên bờ vực sụp nốt. Một chiếc xe buýt đỗ gần đó hầu như chỉ còn khung. Trên đống đất đá, có thể thấy rất nhiều sổ sách, giấy nến, áo trắng, áo xanh và mặt nạ phòng thí nghiệm, găng tay, hồ sơ, bảng biểu, các bìa carton có ghi tên thuốc và ghế ngồi.
Trung tâm hóa học Syria bị tên lửa Mỹ đánh trúng hôm 14/4. Ảnh: Reuters |
Said Said – kỹ sư kiêm trưởng bộ phận sơn và nhựa của trung tâm cho biết: "Tòa nhà có 3 tầng: một tầng hầm, một tầng trệt và một lầu. Nó có các phòng thí nghiệm và bộ phận nhưng không may đã bị phá hủy hoàn toàn, cùng với các trang thiết bị và vật dụng. Tạ ơn Chúa, không ai ở đây cả."
Liên quân Mỹ - Anh - Pháp tuyên bố tấn công vào các cơ sở có liên quan đến hoạt động vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, anh Said nói rằng trung tâm này chỉ tiến hành các hoạt động nghiên cứu không gây nguy hiểm đến mạng người.
"Bởi chúng tôi chỉ nghiên cứu hóa chất và thuốc men, chúng tôi không hề nghĩ rằng nó sẽ bị đánh phá," anh Said nói.
Một người lính Syria có mặt tại hiện trường. Ảnh: Reuters |
Các quan chức địa phương đã phủ nhận việc cơ sở này đang phát triển vũ khí hóa học. Anh Said Said cho biết thêm, khu nghiên cứu đang tập trung điều chế các hợp chất và thuốc khó nhập khẩu được, đặc biệt là thuốc điều trị ung thư và chất giải độc.
Theo anh Said, trung tâm này đang chế tạo thuốc kháng sinh để chữa nọc độc của rắn và bọ cạp, tiến hành các thí nghiệm đối với chất hóa học sử dụng trong sản xuất thực phẩm, thuốc men và đồ chơi trẻ em.
"Nếu có vũ khí hóa học, chúng tôi đã không còn đứng được ở đây nữa. Tôi đã đến đây từ 5h30 và hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi không ho chút nào".
Cũng theo anh Said, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã tới kiểm tra ở Barzeh trong những năm gần đây và khẳng định rằng không phát hiện được vũ khí hóa học.
"Chuyên gia từ OPCW thường ở lại trong các phòng ở khu tổ hợp, sử dụng phòng thí nghiệm, và chúng tôi hoàn toàn hợp tác với họ."
"OPCW đã hai lần báo cáo rằng trung tâm này hoàn toàn không lưu trữ, và không sản xuất vũ khí hóa học," anh Said kể lại.
Trong khi đó, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mỹ, khẳng định rằng đây là nơi nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thử nghiệm vũ khí sinh học và hóa học.
Trung tâm này phủ nhận chuyện họ đang phát triển vũ khí hóa học. Ảnh: Reuters. |
Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay lực lượng Mỹ cùng không quân Anh, Pháp đã nã hơn 100 tên lửa vào 3 mục tiêu tại Syria, bao gồm thủ đô Damascus. Tuy nhiên, Sputnik đưa tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không của Syria đã đánh chặn thành công 71 trong tổng số 103 tên lửa của liên quân Mỹ. Cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở vũ khí hóa học của Syria sau khi phương Tây cáo buộc chính quyền Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công làm 70 người chết hôm 8/4.
Lầu Năm Góc tuyên bố vụ không kích là "chính đáng, hợp pháp, tương xứng" và họ đã "tấn công thành công mọi mục tiêu". Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng chỉ trích vụ tấn công mà ông cho là "hành động khiêu khích" chống lại một quốc gia có chủ quyền.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)