(ĐSPL) - Theo các chuyên gia, phụ nữ độ tuổi sinh sản thường xuyên ăn phải thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến thế hệ sau. Vậy làm sao để "né" hoa quả ngậm hóa chất?
Suy tuỷ, thiếu máu, ảnh hưởng đến thế hệ sau vì hoa quả tẩm hóa chất
Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, PV chứng kiến trường hợp cháu An (Đống Đa, Hà Nội) được gia đình đưa đến khám trong tình trạng đau bụng âm ỉ.
Mẹ An cho biết, cháu bị đau bụng 3 ngày nay, gia đình cho cháu uống berberin mà không đỡ.
Sau khi thăm khám tại phòng khám tư, tình trạng của cháu có đỡ nhưng không dứt hẳn, bụng vẫn đau, nhất là lúc ăn hoặc uống sữa. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi An đau đến mức sợ... ăn.
Trong lúc chờ tới lượt khám, An tỏ ra mệt mỏi và cáu gắt. Mẹ An cho biết, mấy hôm trước chị có mua vài quả táo, dưa, thanh long về thắp hương.
Sau khi ăn số hoa quả trên, cả nhà chị đều bị đau bụng. Người lớn uống thuốc đều khỏi, riêng An, do sức đề kháng kém nên chưa khỏi.
'Tôi đã nghe nhiều về việc hoa quả bị phun hóa chất để giữ tươi lâu nhưng vì nghĩ lâu nay cả nhà vẫn ăn mà không sao nên chủ quan.
Ai ngờ lần này cả nhà bị 'tào tháo' hỏi thăm. Từ giờ chắc tôi chỉ dám ăn đồ mua ở siêu thị', mẹ An nói.
Các chuyên gia khẳng định, việc sử dụng thực phẩm độc hại trong thời gian dài không chỉ gây các bệnh về đường tiêu hóa mà còn khiến người tiêu dùng mắc những bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí là ung thư.
Cháu An nghi ngộ độc thực phẩm bẩn đang được điều trị. |
Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 20 năm nữa, các ca ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng 57\% (từ 14 triệu năm 2012 lên 22 triệu vào năm 2032).
Trong đó, Việt Nam được dự đoán là đất nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân chính là các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp tồn dư trong thực phẩm.
Trao đổi về thực trạng này, bác Nguyễn Anh Đào (viện Dinh dưỡng) cho biết, sử dụng thực phẩm bị nhiễm bẩn có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính với các chứng dễ nhận thấy.
Tuy nhiên, vấn đề nguy hiểm hơn là sự tích luỹ chất độc sau thời gian mới phát bệnh hoặc có thể dị tật, dị dạng cho các thế hệ sau.
Một hóa chất độc hại, độc tố vi nấm, vi khuẩn và độc tố vi khuẩn nhiễm vào thức ăn, nước uống tuy ở liều lượng thấp nhưng nếu sử dụng trong thời gian dài, có thể gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư hoặc rối loạn chức năng thần kinh, tiêu hóa, tuần hoàn của cơ thể.
Chia sẻ quan điểm trên, TS bác sĩ dinh dưỡng Cao Thị Hậu nhận định: Để đạt năng suất cao hoặc để diệt các loại sâu rầy, đặc biệt là đối với một số loại rau quả dễ bị sâu bọ phá hại, một số nông dân đã sử dụng quá nhiều phân bón hoá học.
Chưa dừng lại họ còn phun thuốc trừ sâu đến sát ngày thu hoạch, không tuân thủ thời gian cấm phun thuốc trừ sâu trước khi thu hoạch như quy định.
Mặt khác, một số loại rau quả được trồng trong vùng đất bị ô nhiễm, tưới phân tươi hay nước thải bẩn cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khoẻ của người tiêu dùng.
Ngoài ra, để giữ vẻ hấp dẫn, trắng, giòn cho một số loại rau tươi sống thái sẵn như hoa chuối, ngó sen..., một số tiểu thương đã trộn hoá chất độc hại (thuốc tây, hàn the) vào nước ngâm.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn những loại rau lá hoặc rau trái không phải gọt vỏ như: Rau muống, cải xoong, xà lách, cải bẹ xanh, cải ngọt, rau má, đậu đũa, khổ qua, dưa leo, cà chua...
Cùng chia sẻ về vấn đề an toàn thực phẩm, bác sĩ dinh dưỡng Trần Thị Minh Nguyệt lại đặc biệt chú ý đến ảnh hưởng của thực phẩm bẩn tới trẻ em.
Bà cho rằng, phụ nữ độ tuổi sinh sản thường xuyên ăn phải thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Trẻ em cũng là đối tượng đặc biệt, cơ thể đang tăng trưởng, nhu cầu các chất dinh dưỡng rất cao để đáp ứng sự phát triển về thể chất, trí não.
Việc thường xuyên ăn thực phẩm bẩn sẽ khiến trẻ hạn chế tăng trưởng do nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng.
Nếu trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa các hóa chất độc hại, cơ thể khó đào thải và tích lũy dần trong người, gây suy gan, suy thận, tổn thương hệ thần kinh, thậm chí gây suy tủy, thiếu máu, giảm bạch cầu, ung thư...
Nhận biết nhanh hoa quả tẩm hóa chất
Khi thấy bất kỳ loại hoa quả nào bạn mua có mùi hắc hoặc có nấm mốc, khi ăn vị khác hoặc để trong thời gian dài không thấy héo, tất nhiên bạn cần cân nhắc loại bỏ chúng nhanh chóng. Tuy nhiên, đây là cách dễ dàng nhất. Ngoài ra, quan sát kỹ, bạn có thể phân biệt được loại nào có hay không hóa chất.
Chuối:
Chuối là thực phẩm quen thuộc được nhiều chị em phụ nữ yêu thích lựa chọn do những tác dụng của nó đối với sức khỏe. Mẹo hay để bạn nhận biết chuối tẩm thuốc dựa vào những đặc điểm như: Vỏ có màu vàng bóng, rất bắt mắt, cầm trên tay cảm giác có lớp bột bám bên ngoài, phần cuống lại xanh, lõi ruột có màu đen, ăn phần đầu sượng, nhiều trái còn xuất hiện những vệt đốm trắng hoặc xanh nâu do bị tiếp xúc với đất đèn.
Sầu riêng:
Sầu riêng chín cây có thể dùng tay tách múi được, có mùi thơm rất đặc trưng và gai rất mở. Còn sầu riêng nếu ép chín thì phải dùng dao để tách cơm, ăn rất nhạt mà không ngửi thấy mùi thơm đặc trưng của nó, gai sầu riêng còn nhỏ, chưa mở hết. Hãy bổ sung ngay mẹo nhận biết trái cây tẩm thuốc này vào cẩm nang của bạn khi mua hoa quả nhé.
Mít:
Mít tẩm thuốc thường có vỏ xanh nhưng múi vàng ươm, ăn hơi sượng và không thơm
Mít chín tự nhiên vỏ sần sùi, có màu đen sẫm, mắt nở to khoảng cách giữa các gai thưa, màu đồng đều, có màu vàng sậm còn xơ thì vàng nhạt, ăn mềm, vị ngọt đậm đà, có mùi thơm hấp dẫn, riêng mít Tố Nữ còn rất dễ tách múi nữa đấy.
Còn mít chín ép có vỏ bên ngoài xanh, cứng, gai nhọn, cứng, chưa nở hết; bên trong lại chín vàng, óng từ múi đến xơ, múi ăn hơi sượng và không có mùi thơm đặc trưng.
Cam vàng:
Cam Vinh trái tròn đều, nhỏ, thường bị nám, vỏ cam có màu xanh vàng, mùi thơm đặc trưng hấp dẫn. Còn cam Trung Quốc có vỏ mỏng, bóng láng, trái to, không có hạt, múi cam có mùi úng và không thơm.
Xoài:
Khi mua xoài, bạn không nên mua những quả xoài vỏ bên ngoài màu xanh hoặc xanh vàng nhạt, nhưng bên trong ruột lại chín vàng, nhiều trái có vệt đốm trắng hoặc xanh nâu bên ngoài vỏ vì đây là xoài chín ép bằng hóa chất. Không chỉ có thể, bạn sẽ không ngửi thấy mùi thơm đặc trưng, khi ăn không có vị xoài và rất nhạt nhẽo. Đây là cách nhận biết xoài tẩm thuốc cực đơn giản và rõ ràng đấy bạn nhé.
Nhãn:
Đối với những quả nhãn được phun lưu huỳnh để bảo quản lâu thường có lớp vỏ đều màu, bóng đẹp, căng tròn, không có lớp sần tự nhiên, khi ăn cùi nhãn giòn, cứng, không có vị ngọt thanh đặc trưng và mùi hắc nồng.
Chôm chôm:
Khi mua chôm chôm, bạn nên kiểm tra những trái nhỏ nếu bị mõm giống như để lâu bị héo, khi tách đôi trái sẽ xuất hiện tình trạng nước chảy ra nhiều, lớp cơm có dấu hiệu vữa thì không nên mua dù những trái còn lại rất tươi ngon.
AN NHIÊN(Tổng hợp)