Khi nhiều người đang hối hả chuẩn bị cho cái Tết Nguyên đán cận kề, nhiều nhóm hoạt động tình nguyện vẫn đang âm thầm san sẻ những yêu thương đến những mảnh đời bất hạnh.
Sưởi ấm những mùa đông lạnh giá
Theo chân nhóm tình nguyện Sống hướng thiện, chúng tôi có mặt tại xã Đức Thông, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng vào lúc 14h chiều, sau khi vượt qua 220km đường từ Hà Nội đến trung tâm huyện Thạch An, cộng thêm 40km đường đèo khá nguy hiểm. Mặt dù mỏi nhừ sau hơn nửa ngày trời ngồi trên xe, nhưng bước chân xuống xe, mọi mỏi mệt gần như tan biến, sau khi thấy những ánh mắt lấp lánh của nhiều em nhỏ và nụ cười hồn hậu của người dân nơi đây.
Nhanh chóng bắt tay vào công việc chính, từng người trong đoàn chia từng chiếc áo ấm, đôi ủng, chiếc mũ len cho các em nhỏ, mong chút quà chan chứa tình thương yêu này của nhiều tấm lòng Sống hướng thiện có thể xua đi cái giá lạnh vùng cao, sưởi ấm cho các em vào những ngày mùa đông giá rét.
Với các hộ nghèo, Sống hướng thiện cũng mang đến những vật phẩm thiết yếu trong cuộc sống của bà con. Dù biết rằng, những thùng mỳ, những chiếc áo len hay tấm chăn bông chỉ giúp được phần nào đó cuộc sống vốn rất khó khăn của người dân nơi đây, nhưng chúng tôi vẫn muốn, chút quà này có thể sưởi ấm những trái tim để mùa đông bớt lạnh, để cuộc sống bớt những nhọc nhằn và để con người gần nhau hơn.
Nhóm Sống hướng thiện đang tập kết hàng để trao cho đồng bào xã Đức Thông, huyện Thạch An, Cao Bằng |
Hiện có rất nhiều nhóm hoạt động thiện nguyện, chủ yếu là thông qua mạng xã hội. Họ đều là những người có cùng quan điểm: từ thiện từ tâm, từ thiện mọi lúc, mọi nơi, sống hướng đến cộng đồng, hướng đến những điều tốt đẹp. Nhờ hoạt động của những nhóm thiện nguyện này, mà từ nhiều năm nay, những người nghèo đã nhận được nhiều sự san sẻ từ những tấm lòng, đặc biệt nhiều trẻ em vùng cao đã được sưởi ấm trong những mùa đông lạnh giá.
Thương người vì từng phải giành giật với số phận
Ngoài việc san sẻ cơm ăn, áo mặc cho trẻ em vùng cao và những người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều nhóm hoạt động thiện nguyện lại hướng đến các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến trung ương.
Từ hai năm nay, mỗi thứ năm hằng tuần, nhóm Duyên từ tâm đều đặn mang cơm vào Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Thành Trì, Hà Nội để chia cho các bệnh nhân nghèo. Mỗi tuần có 200 suất cơm dành cho bệnh nhân nghèo để những người bệnh bớt đi một phần những lo toan chi phí khám chữa bệnh và bớt đi nỗi đau thể xác khi mang trong mình căn bênh nan y. Chị Mai Thuý Hằng - một thành viên của nhóm, tâm sự: Các anh, chị, em trong nhóm làm nhiều công việc khác nhau, nhưng đều có tấm lòng từ thiện như nhau.
Để có mấy trăm suất cơm mỗi tuần, các thành viên trong nhóm đều đóng góp tiền, của, công sức và kêu gọi sự hảo tâm của bạn bè. Người góp tiền, người góp lương thực, thực phẩm, có mấy chị tuần nào cũng dành ra một ngày thứ 5 để chợ búa, nấu nướng, chia từng suất cơm và cùng nhau vận chuyển vào bệnh viện.
Nhóm Sống hướng thiện đang tập kết hàng để trao cho đồng bào xã Đức Thông, huyện Thạch An, Cao Bằng |
Ngoài việc phát hàng trăm suất cơm miễn phí cho bệnh nhân mỗi tuần, nhóm Duyên từ tâm còn quyên góp quần áo, giày dép, tất mũ, sách vở để mang lên cho các em học sinh và bà con vùng cao. Nói về việc quyên góp, chị Hằng cho biết, mọi món quà của các nhà hảo tâm đều rất đáng quý. Tuy nhiên, mỗi đợt quyên góp được một số quần áo, đủ cho một chuyến đi từ thiện, các chị lại tranh thủ buổi tối, cùng nhau soạn lại tất cả các món đồ này.
Có nhiều chiếc quần, áo sứt chỉ, đứt cúc nhưng còn khá mới, các chị lại chịu khó khâu lại. Cá biệt có lẫn những chiếc đã cũ, rách thì loại ra, vì mình mang quà tặng, cũng phải đàng hoàng để bà con không cảm thấy tủi thân. Số quần áo, nhu yếu phẩm quyên góp về, được tập hợp tại tầng 3 của nhà một thành viên trong nhóm. Đã hai năm nay, ngôi nhà này trở thành trụ sở để các thành viên trong nhóm buổi tối sắp đặt đồ và chủ nhân cũng dành hẳn một tầng để chứa đồ tập kết.
Chị Trang, một thành viên trong nhóm Duyên từ tâm cho biết, sở dĩ các chị tập hợp lại với nhau là do trong nhóm có một số thành viên đã từng phải giành giật mạng sống với ông trời. Những ngày họ điều trị trong viện K cũng là quãng thời gian họ chứng kiến rất nhiều mảnh đời khốn khổ. Nhiều bệnh nhân nhà đã nghèo, lại mang trong mình căn bệnh nan y nên vừa lo tiền thuốc men, vừa lo ăn ở tại bệnh viện khiến kinh tế gia đình suy kiệt. Gặp nhau trong hoàn cảnh éo le như vậy, thấu hiểu những mảnh đời nên một số người đã kêu gọi sự từ tâm của cộng đồng, để chia sẻ bớt khó khăn cho người bệnh. Và Duyên từ tâm ra đời, như tên của nó.
Những tấm lòng hướng thiện
Khác với những người làm từ thiện bằng vật chất, chị Dương Thị Lan Hương ở Tân Triều lại dành thời gian để dạy các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Làng Hòa Bình. Với tâm niệm của một cô giáo dạy cấp 3, chị muốn truyền cho các em những kiến thức căn bản để sau này các em có thể học được một cái nghề nào đó, tự xây dựng cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với chị Hương, mỗi lần cầm tay một em nhỏ để sửa những nét chữ còn vụng về hay dạy cho các em một phép tính, chị đều thấy lòng mình ấm áp.
Làm thiện nguyện, không phải với ai và lúc nào cũng là điều dễ dàng. Với nhiều người, để tham gia được các hoạt động thiện nguyện, là cả một sự cố gắng không hề nhỏ. Với chị Hằng, dù chỉ là một cô hàng bán xôi trong ngõ nhỏ, nhưng chị luôn chia sẻ một phần từ những đồng tiền kiếm được của mình cho những người khó khăn hơn. Mỗi tuần chị đi vào bệnh viện phát cơm cho bệnh nhân là chồng, con lại lo nấu nướng cơm nước, dọn dẹp việc nhà. Nhiều hôm, chồng chị còn trở thành “xe ôm”, chở quần áo do vợ quyên góp đến chỗ tập kết hoặc làm “osin” ở nhà nấu cơm cho vợ đi vào bệnh viện phục vụ người bệnh.
Mà cái sự phục vụ cũng không phải dễ dàng. Những ngày đầu mới đưa cơm vào bệnh viện phát miễn phí, nhiều bệnh nhân còn nghĩ là các chị kinh doanh. Có bệnh nhân còn nói thẳng: “Các cô đi làm thế này, chắc cũng thu được nhiều tiền người ta ủng hộ lắm, chứ ai hơi đâu bỏ tiền bạc, công sức ra mà làm thế này”. Chị và các thành viên trong đoàn chỉ biết giải thích là tất cả những suất cơm được đưa đến bệnh viện đều là sự đóng góp của nhiều người, các thành viên trong đoàn không bao giờ tơ hào một chút nào làm của riêng.
Không những thế, có hôm đóng 200 suất xong, còn thừa cơm và thức ăn, nhưng không còn canh nên các chị đóng thêm mấy chục suất không có canh, cũng nói rõ với bệnh nhân là do muộn, không kịp nấu thêm canh, các bác ăn tạm, nhưng có người vừa nhận cơm, vừa phàn nàn: “Cơm không có canh thì ai mà nuốt nổi”. Thực sự, chỉ có những tấm lòng hướng thiện mới không cảm thấy muộn phiền khi bị trách móc như vậy.
Đối với các chuyến đi từ thiện ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn còn nhiều hơn gấp bội. Khó khăn lớn nhất, thường xuyên là những điểm cần giúp đỡ đều nằm ở địa bàn rất xa, cực kỳ xa so với Hà Nội. Vì để giúp đỡ, có khi chỉ giúp đỡ vài chục cháu ở một nơi xa xôi nào đó, thì đi lại rất tốn kém, mà đã là đi làm việc thiện thì những người tham gia đoàn đều tự bỏ tiền tham gia những chuyến đi chứ không trích từ quỹ hoạt động của nhóm. Hơn nữa, việc giúp đỡ phải đúng đối tượng cần giúp nên có chuyến có đoàn phải đi hàng nghìn kilomet để xác minh, kiểm tra, khảo sát, giúp đỡ.
Khó khăn nữa là các tình nguyện viên thì rất nhiệt tình nhưng họ cũng có công việc và cuộc sống riêng. Bởi vậy, mỗi chuyến đi từ thiện, không chỉ là việc mang nhu yếu phẩm và tình cảm của tất cả các thành viên trong đoàn đến với đồng bào, mà còn là sự cố gắng không hề nhỏ của những người “cõng hàng lên núi”.
Theo Báo văn hóa