(ĐSPL) - Tờ The Star (Malaysia) vừa đăng tải bài báo gây sốc, mạng xã hội đang phát tán thông tin gạo giả làm bằng nhựa độc hại của Trung Quốc, được cho là đã thâm nhập vào các nước châu Á, trong đó có khả năng thâm nhập vào Việt Nam.
Thông tin cho biết, loại gạo này được làm từ khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp; các nguyên liệu này được đúc thành hình như hạt gạo thật. Thậm chí, các chuyên gia y tế và dinh dưỡng còn đưa ra cảnh báo: Nếu ăn phải loại gạo giả này có thể gây chết người hoặc khiến hệ tiêu hóa bị hủy hoại trầm trọng. Được biết, cơ quan hữu trách các nước đang khẩn trương tiến hành xác minh. PV báo ĐS&PL cũng đã tìm hiểu thực tế, liên lạc với các cơ quan chức năng trong nước để mang đến thông tin khách quan nhất về sự việc này.
[mecloud]a9bWOfk0Vo[/mecloud]
Ghi nhận thị trường trong cơn hoang mang
Trước những thông tin về gạo giả làm bằng nhựa của Trung Quốc có mặt và đe dọa người dân châu Á (trong đó có Việt Nam), PV báo ĐS&PL đã tiến hành ghi nhận thực tế tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mặc dù chưa biết thực hư nhưng nhiều người tỏ ra rất lo sợ vì gạo là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của gia đình người Việt.
Sức mua gạo ở Quảng Ngãi giảm sau khi xuất hiện thông tin gạo giả làm bằng nhựa. |
Trò chuyện với PV, chị Nguyễn Thị Châu (38 tuổi, trú phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) tỏ ra lo lắng: “Ngày nào cũng ăn cơm mà bây giờ lại có thông tin xuất hiện gạo giả thì quá nguy hiểm. Keo nhựa làm sao ăn được, ăn gạo làm từ hạt nhựa thì không khác gì là nhét một túi nilon vào dạ dày cả. Nhưng không ăn gạo thì biết ăn gì đây”.
Không chỉ người tiêu dùng mà nhiều cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng không khỏi lo lắng trước thông tin trên. Bà Nguyễn Thái Nhi (55 tuổi) – chủ cơ sở kinh doanh gạo Thái Nhi (197 Nguyễn Bá Loan, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) cho biết, mấy ngày nay có nhiều người mua gạo đến cửa hàng của bà thắc mắc về thông tin gạo làm bằng hạt nhựa. Sức mua tại cơ sở của bà Nhi mấy ngày nay giảm rõ rệt.
“Nhiều người đến hỏi, tôi khẳng định gạo của tôi nhập từ một công ty có uy tín ở Long An nhưng họ vẫn lo ngại khi mua. Nhiều người tiêu dùng đã không mua gạo tại các cơ sở kinh doanh gạo mà tìm về tận các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành để mua gạo quê cho an toàn”, bà Nhi cho biết.
Tại Hà Nội, PV cũng dạo quanh một số điểm bán gạo lớn và ghi nhận phản ứng của người dân trước thông tin trên. Tại chợ Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội), chủ một cơ sở bán lẻ gạo không mấy bất ngờ trước thông tin này. Bà cho biết, thông tin gạo giả, thậm chí gạo nhiễm độc đã có từ nhiều năm trước.
Lần đó, các cơ quan chức năng đã lên tiếng khẳng định là không có hiện tượng này. Thế nhưng, cũng có khách hàng tỏ ra hoang mang. “Khi mua gạo, có người hỏi chúng tôi về thông tin này, tôi chỉ khẳng định: Nếu sản xuất gạo giả mà rẻ như vậy thì người ta chuyển sang bán gạo hết để kiếm lời. Họ có thể làm giả cái khác chứ gạo thì không đơn giản”, người này nói.
Chỉ là tin đồn?
Trước thông tin gạo giả thẩm lậu vào nước ta, tại TP.HCM, Tây Nguyên, miền Tây, Đông Nam Bộ, hầu hết các cơ sở kinh doanh gạo lớn đều khẳng định, chưa nghe gì về thông tin gạo giả làm bằng nhựa xuất hiện.
Gạo giả được cho là sản xuất từ khoai lang, khoai tây và nhựa tổng hợp (ảnh The Star Online). |
Ông Nguyễn Văn Bình (chủ đại lý gạo tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Việc cho rằng gạo giả làm từ nhựa xuất hiện và đe dọa người dân là không có căn cứ. Đây chỉ là những tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận mà thôi”.
Là một trong những vựa gạo lớn tại tỉnh Long An, đại diện doanh nghiệp tư nhân Khánh Tâm cho biết: “Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi nghe thông tin về việc gạo giả có xuất xứ từ Trung Quốc xuất hiện. Cách đây 1-2 năm, cũng đã từng xuất hiện thông tin về gạo giả.
Tuy nhiên, đó chỉ là những lời đồn đại gây hoang mang, xôn xao dư luận mà thôi. Vì vậy, dù có xuất hiện những thông tin thất thiệt về gạo giả bao nhiêu lần đi nữa, cũng không ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ gạo của các doanh nghiệp như chúng tôi. Bởi tất cả các loại gạo do chúng tôi sản xuất ra đều có xuất xứ rõ ràng”.
Tương tự, một nhân viên công ty TNHH TM gạo Hoa Lúa (quận 1, TP.HCM) cho rằng: “Thiết nghĩ việc gạo giả làm bằng nhựa xuất hiện và thâm nhập vào thị trường là rất khó. Bởi với những kỹ thuật sản xuất ra loại gạo này như báo chí đưa tin thì giá thành bán ra sẽ cao hơn rất nhiều so với các loại gạo hiện nay. Vì vậy, không có lý do gì người dân lại đi mua một loại gạo vừa đắt tiền, mà lại không ăn được về sử dụng”.
Để nhận biết giữa gạo giả và gạo thật, đại diện của doanh nghiệp tư nhân Khánh Tâm cho hay: “Để tránh mua phải gạo giả, người dân cần tìm mua các loại gạo có xuất xứ rõ ràng và ở các địa chỉ tin cậy. Ngoài ra, cách kiểm chứng tốt nhất mà ngay cả các doanh nghiệp như chúng tôi cũng không thể bỏ qua là nấu chín gạo để thử mùi vị, chất lượng của loại gạo mà mình đang có. Vì vậy, cách duy nhất mà người dân có thể áp dụng là đem nấu chín gạo vừa mua về”.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trước băn khoăn của người dân, PV báo ĐS&PL cũng đã khẩn trương liên lạc với các cơ quan chức năng trên địa bàn cả nước để xác minh. Sáng 20/5, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Oai – Chi cục trưởng chi cục ATTP Quảng Ngãi cho biết, hiện Chi cục vẫn chưa nhận được phản ánh nào của người tiêu dùng Quảng Ngãi về thông tin phát hiện gạo giả.
Theo ông Oai, gạo nhựa được làm từ khoai tây, khoai lang nghiền nát và nhựa tổng hợp có chứa độc tố thì quá nguy hiểm. Do các hạt gạo giả hoàn toàn khác gạo thật nên chúng rất cứng sau khi nấu. Ngoài ra nhựa tổng hợp resin rất độc hại đối với cơ thể người. Khi ăn gạo giả làm bằng hạt nhựa không khác gì ăn một túi nilon vào dạ dày. Sẽ không tử vong ngay nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nhất là hệ tiêu hóa.
"Thông tin gạo giả làm bằng nhựa độc hại của Trung Quốc chỉ lan truyền trên mạng xã hội vẫn chưa rõ thực hư nên người tiêu dùng không nên quá hoang mang...", ông Oai nói thêm.
Ông Lê Huy Toàn (Chi cục trưởng chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai) cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nghe gì về thông tin gạo giả làm từ nhựa của Trung Quốc xuất hiện trên địa bàn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Cam – Chi cục trưởng chi cục ATTP tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện Chi cục cũng không nhận được phản ánh nào của người tiêu dùng Quảng Nam về thông tin phát hiện gạo giả.
Tại TP.HCM, ông Ngô Văn Tiến – Chánh văn phòng sở NN&PTNT TP.HCM cho hay: “Cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa nghe thông tin gạo giả làm từ nhựa của Trung Quốc xuất hiện tại TP.HCM. Thiết nghĩ, gạo giả khó mà thâm nhập được vào các tỉnh thành phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Nếu có thì chỉ xuất hiện ở các nước thiếu gạo, giá gạo đắt đỏ thì người dân mới buộc phải tìm mua gạo rẻ tiền để ăn. Còn tại các tỉnh phía Nam, trong đó có TP.HCM do được mùa nên vừa qua giá gạo giảm rất mạnh. Hầu hết người dân đều tìm mua gạo ngon để sử dụng. Vậy nên, không có lý do nào người tiêu dùng lại mua loại gạo kém chất lượng, khó ăn”.
TP.HCM: Sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát lại những điểm bán gạo Cũng liên quan đến thông tin gạo giả, ông Hồ Thời, Trưởng phòng Hành chính – chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Sau khi có thông tin về gạo nhựa có thể xuất hiện tại TP.HCM như nhiều người nghi ngờ, chúng tôi đã cử nhiều lực lượng đi xác minh. Theo thông tin mà chúng tôi có được, hiện các đại lý phân phối, bán lẻ gạo đều nhập hàng từ nhiều tỉnh miền Tây, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hiện chưa ghi nhận có gạo nhựa độc hại xuất hiện trên địa bàn thành phố. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát lại những điểm bán gạo, yêu cầu các chủ tiệm gạo bán hàng có nguồn gốc, trước hết để đảm bảo sức khỏe cho người dân, sau là để người dân yên tâm sử dụng gạo hiện đang bày bán trên địa bàn”. Trước đó, năm 2012, nghi vấn gạo “nhựa” xuất hiện tại Hà Nội gây hoang mang cho người tiêu dùng. Thời điểm đó một người dân khu vực Hoàng Mai - Hà Nội cho biết đã mua phải gạo nhựa nên khi nấu cơm đã không thể ăn được. Sau đó viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có kết quả phân tích 5 mẫu gạo cho thấy, có các chỉ tiêu (protein, tinh bột, vitamin B1) phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phải là gạo giả. Viện cũng không phát hiện chất tẩy trắng, chất đánh bóng trong các mẫu phân tích. Vì vậy khi đó cục ATTP (bộ Y tế) đã khẳng định, gạo giả tại Hà Nội là chưa chính xác. |
A.ĐỨC - T.TRỊNH - C.THƯ - D.KHA