(ĐSPL) - Liên tục những ngày qua, dư luận người dân tại phường Mũi Né xôn xao, bàn tán về việc tại địa phương có một đám cưới vô cùng "kỳ lạ" là "không có chú rể".
Để "chữa cháy" trước quan khách được mời, cô dâu phải nhờ một người đàn ông Trung Quốc đứng ra làm "chú rể bất đắc dĩ". Trước sự hiếu kỳ của hàng trăm người dân, cô dâu, chú rể "bỗng" lặn mất tăm, gia đình tổ chức đám cưới đóng kín cổng không cho ai vào.
Người dân kể lại vụ việc với PV. |
Bi hài cảnh dàn dựng chú rể để làm lễ thành hôn
Chiều 19/2, đường dây nóng báo Đời sống và pháp luật nhận được hàng loạt cuộc gọi của bạn đọc tại phường Mũi Né (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) báo tin tại địa phương vừa xảy ra một đám cưới vô cùng "kỳ lạ" là chú rể thật không có, cô dâu phải "sử dụng" chú rể "mượn". Hiện vụ việc đang gây xôn xao, bàn tán của dư luận người dân tại phường Mũi Né và các phường lân cận thuộc địa phận TP. Phan Thiết. Trước vụ việc gây xôn xao dư luận này, PV liền nhanh chóng đến hiện trường để tìm hiểu thông tin.
Có mặt tại phường Mũi Né, mặc dù vụ việc xảy ra được hai ngày, nhưng dư luận người dân địa phương vẫn không ngừng bàn tán về vụ việc. Khi nghe PV hỏi thăm thông tin về vụ việc, nhiều người dân liền cho biết: "PV không thể tiếp cận được những người trong cuộc đâu. Từ khi diễn ra đám cưới "đáng xấu hổ", những người trong cuộc đều không tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả người quen tại địa phương. Tuy nhiên, toàn bộ thông tin về đám cưới "kỳ lạ" này đều được người dân địa phương biết khá rõ. Thậm chí, có người dân cũng rất tường tận về vụ việc".
Hé lộ với PV, anh N.T. (ngụ phường Mũi Né, làm nghề buôn bán) cho biết: "Đám cưới "kỳ lạ" trên được tổ chức vào khoảng 18h tối 18/2 tại tư gia của nhà gái ở khu phố 14 (phường Mũi Né). Trước đó vài ngày, người dân tại địa phương quen biết với gia đình cô dâu nhận được một thiệp mời đến dự đám cưới giữa chị T.T.H. (36 tuổi) và anh N.H.S. (một người đàn ông ngụ tại địa phương) được tổ chức vào khoảng 14h ngày 18/2. Tuy nhiên, sau đó, gia đình cô dâu thông báo lại thời gian đón khách là 17h và nhập tiệc là 18h cùng thời điểm".
Anh T. cũng cho biết thêm: "Khi đến giờ tổ chức đám cưới, đông đảo khách mời đều có mặt để chúc phúc cho đôi vợ chồng chị H. và anh S.. Tuy nhiên, từ lúc 17h đến 17h40, khách đến tham gia dự tiệc không thấy chú rể đâu. Tôi và một số vị khách khác chỉ thấy có bố mẹ cô dâu, cô dâu, người thân tất bật lo cho lễ cưới. Khi đến sát giờ khai tiệc, khách tham dự bắt đầu thấy sự lo lắng hiện lên trên khuôn mặt của gia đình cô dâu. Mặc dù thắc mắc nhưng khách vẫn cố gắng chờ đợi lúc khai tiệc, chứng kiến giây phút hạnh phúc của cô dâu và chú rể".
Một người phụ nữ tên H. (ngụ phường Mũi Né) chia sẻ: "Tiệc cưới của gia đình cô dâu chỉ mời những người thân thiết, có mối quan hệ sâu nặng với gia đình. Vì vậy, khi thấy đám cưới có "sự cố", mọi người đều thông cảm. Sau đó, vào khoảng 18h, cô dâu cùng chú rể sánh vai vào hôn trường, bước lên bục làm lễ. Chứng kiến cảnh đó, khách tham dự đều vỗ tay tán dương. Tuy nhiên, tại các bàn tiệc, có vài người không vỗ tay, thể hiện thái độ bất ngờ. Những tiếng xì xèo băët đầu nổi lên, một số người bảo chú rể không phải là chú rể, một số người lại bảo chủ rể là một người bạn làm ăn của cô dâu...".
"Thậm chí, có khách mời còn đứng dậy nhìn cho rõ chú rể đang đi cùng cô dâu. Tuy nhiên, thấy thời điểm làm lễ đang diễn ra nên những vị khách đành phải tiếp tục theo dõi lễ cưới. Vào thời điểm này, trên khuôn mặt của cô dâu, chú rể và người thân thể hiện sự gượng gạo", người phụ nữ tên H. nói thêm.
"Chú rể thật" bận đưa tang... "sư phụ đột ngột qua đời"?
Theo một số người dân hàng xóm, khi đứng trên hôn trường làm lễ được một lúc thì MC (người dẫn chương trình - PV) liền cầm micro thông báo một "sự cố" liên quan đến đám cưới và mong khách tham dự bỏ qua. Người MC liền nói, chú rể đứng trên hôn trường cùng cô dâu không phải là chú rể thật. Người này là bạn làm ăn của cô dâu, có quốc tịch Trung Quốc. Còn chú rể thật thì đang đi "đưa tang... sư phụ đột ngột qua đời”. Trước đó, chú rể đã thông báo với nhà gái vì sự việc "bất khả kháng" trên.
Sau khi dứt lời thông báo của MC thì hôn lễ vẫn được tiếp tục. Nhưng ở dưới các bàn tiệc, khách tham dự vừa ăn, vừa bàn tán về "sự cố" của gia đình cô dâu. Sau khi kết thúc phần lễ, cô dâu cùng chú rể đi đến từng bạc tiệc chúc bia những người thân và khách mời. Vào thời điểm này, thông tin về "đám cưới... vắng chú rể" được loan ra ngoài. Một thời gian ngắn sau, có vài chục người kéo đến xem thực hư câu chuyện. Liên tiếp sau đó, hàng trăm người dân hiếu kỳ từ các nơi kéo đến "vây kín" nơi tổ chức đám cưới.
Chia sẻ với PV, một người họ hàng của gia đình cô dâu, có tham dự lễ cưới cho biết: "Khi thấy cảnh người dân nhốn nháo ở bên ngoài, gia đình cô dâu bắt đầu thể hiện thái độ lo lắng. Bên cạnh đó, khách tham dự cũng bắt đầu thấy ngột ngạt vì bị người dân "chú ý" kỹ quá. Khi tiệc cưới diễn ra đến khoảng 18h40 thì bỗng dưng bị cúp điện. Trước sự lo lắng của khách tham dự, MC liền thông báo là hệ thống điện gia đình cô dâu gặp sự cố và gia đình đang cho sửa. Chỉ ít phút sau, điện được bật sáng trở lại. Tuy nhiên, cô dâu, chú rể vừa ra ngoài chúc bia được vài bàn thì... lủi mất".
"Trước sự nhốn nháo ở bên ngoài, những sự việc diễn ra ở bên trong, nhiều khách tham dự đám cưới liền đi về. Thấy cảnh đó, gia đình cô dâu liền quyết định đóng cửa chính nơi tổ chức đám cưới lại. Những người dân tìm cách chen vào nhưng đều bị đuổi ra ngoài. Mặc dù cô dâu, chú rể đã "biến mất", gia đình cô dâu đóng cửa lại, nhưng đông đảo người dân hiếu kỳ vẫn đứng xung quanh nơi tổ chức đám cưới để bàn tán, trao đổi về vụ việc "có một không hai này", người họ hàng của cô dâu chia sẻ thêm.
Uẩn khúc của “cô dâu” đã một lần đò
Trước thông tin về người chú rể tên S. bỗng dưng "vắng mặt" bất ngờ trong ngày trọng đại của mình, PV liền dò hỏi thông tin về con người này. Qua thông tin từ nhiều người dân, được biết, chú rể S. từng là một người tu hành tại huyện Hàm Thuận Nam. Việc S. đi tu đều được người dân biết rõ. Sau một thời gian xuống tóc, người dân địa phương phát hiện S. hoàn tục và đi làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh. Bên cạnh đó, cũng có luồng thông tin cho rằng, S. thật sự chưa hoàn tục mà vẫn tu tại gia. Lâu lâu, người dân vẫn thấy S. mặc áo nhà Phật.
Về lý do chú rể S. "vắng mặt" tại đám cưới với chị H., một số người dân cho rằng, lý do của MC đưa ra là hoàn toàn không hợp lý. Chắc có uẩn khúc gì đang xảy ra. Việc người dân bàn tán cho rằng chú rể bận... "đi tu" cũng là lý do hợp lý. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chỉ là lời đồn đoán của người dân. Để mọi chuyện rõ rằng thì những người trong cuộc phải lên tiếng.
Về phía cô dâu, theo tìm hiểu của PV, chị H. là chủ một vựa hải sản lớn tại phường Mũi Né. Vựa hải sản của chị H. chuyên xuất hàng bán sang Trung Quốc. Vì vậy, bạn bè người Trung Quốc của chị rất nhiều. Chị H. đã có một đời chồng và đang nuôi 2 đứa con nhỏ. Trước đây, gia đình chị H. khá hạnh phúc. Một thời gian sau thì cả hai đưa nhau ra tòa ly dị. Thời gian gần đây thì chị H. thông báo mình sắp tổ chức lễ cưới với anh S.
Không thể tiếp xúc
Vào tối 19/2, mặc dù biết người dân thông tin là không thể gặp được "chủ nhân" của đám cưới nhưng PV tìm cách tiếp cận với những người trong cuộc, đặc biệt là chú rể "mất tích". Tuy nhiên, mọi sự liên lạc đều bất thành, đúng như thông tin người dân đã dự báo từ trước. Cùng thời điểm, một cán bộ phường Mũi Né, xác nhận, tại địa phương, người dân đang xôn xao, bàn tán về đám cưới "không có chú rể" của gia đình chị H.. Hiện chính quyền địa phương đang tìm hiểu thông tin về vụ việc.
Tiến Công