(ĐSPL) - Trong tấm card visit (danh thiếp) gửi đi các nơi, lang y Bần Phú Túc không ghi cụ thể đặc trị những bệnh gì mà khẳng định mình có thể chữa những bệnh mà bệnh viện trả về, nới khác không chữa được.
Lang y nhận chữa các bệnh mà bệnh viện trả về
Buổi chiều tháng 6 nắng gắt, chúng tôi có mặt tại nhà lang y Bần Phú Túc tại xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tại đây, trong phòng khám bệnh chỉ rộng chừng 18m2 nhưng có hàng chục người ngồi xếp hàng chờ đợi tới lượt khám. Giữa cái nắng nóng của mùa hè, ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại, vã ra như tắm nhưng mắt vẫn đăm đăm nhìn về phía thầy Bần Phú Túc, chỉ mong được khám trước nhanh ra về để tới lượt mình.
Quanh sân nhà lang y Bần Phú Túc, xe máy, ô tô dựng kín sân nhưng chủ yếu là xe máy, ô tô đeo biển số các tỉnh khác. Theo tìm hiểu của PV thì Bần Phú Túc chỉ là cái tên được in trên card visit quảng cáo còn tên thật của lang y là Nguyễn Văn Bần (SN 1970). Ngồi bên cạnh lang y Bần là bà Nguyễn Thị Hậu – vợ lang y, chuyên làm công việc tâm linh là tung đồng xu để xin với thần linh chữa bệnh cho mọi người. Có những người phải được bà Hậu tung đồng xu tới 2 -3 lần mới được chữa bệnh. Vừa tung đồng xu, bà Hậu vừa lý giải, nếu “bề trên” cho phép thì việc khám mới diễn ra suôn sẻ. Xung quanh lang y Bần là nhiều người thân khác làm trong gia đình làm công việc bắt mạch, bào chế thuốc, bốc thuốc, tư vấn, tính tiền. Cả dây chuyền hoạt động liên tục trong buổi chiều có khá nhiều người được khám, lấy thuốc mang về. Có những người chưa đến lượt mình khám thì ngồi hướng mặt về phía lang Bần, chắp tay cầu niệm.
Lang y Bần nhận mình có khả năng chữa cho các bệnh nhân bị bệnh viện trả về và nơi khác cũng "bó tay". |
Cũng theo tìm hiểu của PV từ người dân địa phương, lang y Bần thời còn trẻ cũng giống như nhiều thanh niên khác. Sau khi đi bộ đội về, lang y lấy vợ rồi hai vợ chồng cùng làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Sau này, thấy nhu cầu đi lại của mọi người lớn dần nên ông Bần chuyển sang nghề xe ôm.
Ông Bần có một mối khách là ông thầy lang cao tuổi, thường xuyên đi đến tận nhà người bệnh để chữa trị. Trong những lần đi chở vị khách này, ông Bần tỷ tê hỏi được vài vị thuốc vị thuốc cơ bản rồi trong một lần đi chữa bệnh, ông thầy lang này đột ngột tử vong, để lại cho ông Bần cuốn sách dạy bốc thuốc chữa bệnh. Từ đó, ông Bần tự xưng có khả năng cứu người.
Người dân nơi đây cũng cho biết, sau đó ông Bần còn nói rằng chính ngôi miếu người Tàu trong khuôn viên nhà ông đã phù trợ cho ông, giúp ông có được khả năng khám chữa bệnh hơn người như vậy. Hiện, ngôi miếu cũ đó vẫn còn nhưng ông Bần xây bện cạnh ngôi miếu mới để làm chỗ cúng lễ, xin với thần linh chữa bệnh cho người dân. Kể từ ngày ông Bần nhận mình có khả năng chữa bệnh, đến nay cũng ngót 10 năm nhưng tiếng tăm của ông Bần cũng mới nổi như cồn cách đây vài năm.
Quan sát tấm card visit, PV không thấy ông Bần đề tên những bệnh chuyên trị mà để chung chung là “Chuyên chữa các bệnh mà bệnh viện trả về, chữa nhiều nơi không khỏi”. Bên dưới dòng chữ này là một loạt hướng dẫn đường đi, phương pháp điều trị, số điện thoại. Tấm danh thiếp của lang y Bần to hơn những tấm danh thiếp khác và thương được người dân nơi đây gọi là tờ rơi. Những tờ rơi này xuất hiện ngay từ đầu làng, trong tay cánh xe ôm ở đường liên xã. Khi thấy có người lạ vào xã, cánh xe ôm đã niềm nở hỏi han và sẵn sàng chỉ dẫn vào nhà lang Bần mà không lấy tiền công. Thế mới biết, tiếng tăm lang Bần vang xa như thế nào ở địa phương!
Bụt chùa nhà không thiêng!
Đến gần nhà ông Nguyễn Văn Đạm – anh trai lang Bần, PV lân la hỏi tên các vị thuốc và công dụng của nó nhưng ông Đạm lắc đầu không rõ, chỉ biết là thuốc Nam có tác dụng chữa trị nhiều bệnh. Khi PV hỏi về những bệnh mà lang y Bần có thể chữa được thì lúc này ông Đạm như được phô hết sự hiểu biết của mình: “Lang y Bần chẳng có bệnh gì là không chữa được, thậm chí cả những người sắp đưa ma. Có hai bố con đến đây, bố khóc lóc xin cứu, cuối cùng thầy Bần cũng chữa được đấy thôi”. Khi PV đề cập đến bệnh ung thư thì ông Đạm cũng cho hay: “Với bệnh ung thư, thầy Bần cũng chữa được nhưng với điều kiện phải hợp thầy, hợp thuốc và đến sớm”. Ông Đạm còn kể tên nhiều người được chữa khỏi bệnh nhưng khi PV hỏi địa chỉ để đến hỏi thăm, chia sẻ thì ông này không nói được.
Tạm rời khỏi nhà lang y Bần, PV được biết những người dân địa phương, thậm chí hàng xóm láng giềng, người cùng thôn, cùng xã không ai đến nhờ ông Bần chữa bệnh mà những người đến chữa bệnh toàn là người xa lạ ở các tỉnh lân cận. Những người này cũng nghe người này người khác mách bảo chứ cũng chưa có cơ sở, niềm tin đối với lang Bần.
“Chúng tôi ở đây có ai nhờ ông ấy chữa bệnh đâu, cũng có thể là bụt chùa nhà không thiêng. Nhưng tôi không tin một người không học qua trường lớp nào như ông Bần lại có thể chữa được những bệnh mà bệnh viện trả về. Ở bện viện, các bác sĩ học qua trường lớp bài bản lại có thiết bị hiện đại mà nhiều bệnh còn bó tay nữa là chỉ có vài nắm lá kia, lại là bệnh ung thư ác tính. Nếu thế thì không ai chết vì ung thư mất.
Tôi khuyên anh chị đến đây rồi thì cứ vào nhà lang Bần cho biết chứ đừng dại gì đặt cả sức khỏe, tính mạng của mình vào đó vì tôi thấy người nhà lang Bần vẫn đi trạm xá, bệnh viện đấy thôi”, bà Nguyễn Thị H. – người dân xã Lương Tài cho biết.
Quay trở lại nhà lang y Bần, PV thấy những người đến chữa bệnh vẫn còn đông. Trò chuyện với PV, bà N.T.L (trú tại xã Lạc Vạn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đang ngồi đến lượt chờ chữa bệnh cho biết: “Tôi là khách quên đến đây chữa bệnh nhưng hầu hết đều phải ngồi chờ đền lượt vì không có người đến khám lắm. Tôi bị ung thư vú cách đây mấy năm, người ta nói ung thư sớm muộn cũng chết, chỉ kéo dài được năm nào hay năm ấy trong khi xạ trị ở bệnh viện rất tốn kém nên tôi mới đến đây nhờ thầy Bần.
Thời gian theo thầy cũng đã 3 năm, tôi thấy trong người chẳng thấy có tiến triển gì hơn nhưng giờ không theo thầy nữa thì lại thấy sợ. Tính ra 3 năm điều trị theo thầy, tôi cũng mất ngót 100 triệu rồi, chưa kể tiền đi lại, ăn uống từ Bắc Ninh xuống đây. Có lẽ sắp tới tôi cũng phải suy nghĩ lại”.
Ngồi bên cạnh bà L., ông L.V.N (trú tại Nam Định) cho biết: “Từ lúc tới đây tôi cũng trò chuyện với mấy người rồi, hầu hết họ lần đầu tới đây nhưng nhiều người sau khi thầy bắt mạch, chẩn bệnh thì ngao ngán trong lòng, đau chỗ này thầy lại phán đau chỗ kia. Như đôi vợ chồng 49 tuổi kia, thầy nói ông chồng bị gan nhiễm mỡ, không vấn đề gì, cắt cho vài thang thì khỏi nhưng ông chồng lại bảo đi khám trĩ. Bà vợ khám thì thầy nói đường máu có vấn đề nhưng bà vợ nói không, bà ấy chữa thoái hóa. Đấy, thế chứ, tôi chán chả muốn khám nữa, muốn về đi ngủ luôn”.
Trao đổi với PV về trường hợp lang Bần bốc thuốc chữa bệnh cho nhiều người, ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó thôn Khuyến Thiện thừa nhận có sự việc này diễn ra ở địa phương nhưng vì ông Bần không treo biển chữa bệnh tại nhà nên chính quyền cũng chưa biết xử lý thế nào. “Ông Bần ghi trong tờ rơi là chữa được các bệnh mà bệnh viện trả về nhưng điều này không đúng. Bằng chứng là trong họ nhà tôi cũng có mấy người đi viện vì bệnh hiểm nghèo, gia đình đưa về nhà rồi nhờ ông Bần chữa nhưng cũng không qua khỏi. Còn những người khác đến khám, ông ấy cho uống mấy thứ lá thì tôi nghĩ đấy là mấy lá lành, uống vào không chết chứ cũng chẳng hại gì nên vẫn cứ đến đó thôi. Gọi là lang Bần thế thôi nhưng từ khi nhiều người đến bốc thuốc, nhờ ông ấy chữa bệnh thì nhà ông ấy giàu lên trông thấy đấy”, ông Hoàng nói.
Theo tìm hiểu của PV, ông Bần cũng không có chứng chỉ hành nghề mà hành nghề một cách tự phát. Việc này, chính quyền xã Lương Tài cũng đã biết nhưng chưa có biện pháp kiểm tra hay xử lý vì “Chưa thấy người dân có ý kiến gì, chúng tôi sẽ lập tức kiểm tra”, ông Trịnh Quốc Tuân – Phó trưởng Công an xã Lương Tài nói.
VĂN LINH
Xem thêm video: