Sau nhiều khó khăn và thay đổi, các ông trùm mạng xã hội phương Tây có lẽ đã hiểu châu Á thực sự là một “miếng bánh” khó ăn nếu không có cái gật đầu từ chính phủ.
Nếu thông báo triệu tập của chính phủ Anh, các cáo buộc của chính phủ Nga và ngay cả một phiên điều trần kéo dài 2 ngày trước Quốc hội Mỹ cũng không thể khiến ông chủ Facebook Mark Zuckerberg phải lo lắng thì mỗi cử chỉ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể trở thành chủ đề cuộc họp cho cả ban chiến lược cũng như các giám đốc cấp cao của doanh nghiệp khổng lồ này.
Một thị trường giàu tiềm năng
Theo thống kê của trang Worldstats, đến tháng 12/2017, số lượng người dùng mạng xã hội Facebook tại châu Á đã lên tới xấp xỉ 819 triệu người, chiếm gần 1/2 số lượng người dùng mạng Internet tại châu lục này và thực sự áp đảo so với con số 271 triệu người dùng trên toàn châu Âu. Không ngạc nhiên khi đây trở thành một “thánh địa” nhưng cũng là chiến trường của các "ông trùm" mạng xã hội.
Lượng người dùng mạng xã hội tại một số quốc gia châu Á (triệu người) - Ảnh: Statista |
Với đặc điểm dân số trẻ và năng động, một thị trường thương mại điện tử đang trong giai đoạn bùng nổ, doanh thu từ quảng cáo trên các mạng xã hội là con số không nhỏ. Theo báo cáo của Statista, riêng trong quý 3 năm 2017, nguồn thu từ quảng cáo tại khu vực châu Á của mạng xã hội Twitter đạt hơn 200 triệu USD với 30% người dùng – một con số khả quan.
Hiện nay, châu Á vẫn đang tồn tại những quốc gia chưa mở cửa như Trung Quốc với hơn 900 triệu người dùng mạng xã hội hay Triều Tiên – đất nước dự kiến sẽ bùng nổ về công nghệ nếu thay đổi chính sách. Điều này trở nên hấp dẫn với các ông trùm mạng xã hội hơn bao giờ hết.
Những bê bối với chính phủ không dễ vượt qua
Phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 10/4 của Mark Zuckerberg về bê bối bảo mật thông tin khách hàng không khiến doanh nghiệp này gặp quá nhiều thiệt hại. CNN đã gọi đây là “một thất bại cay đắng” của các nghị sỹ Mỹ trước ông chủ mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Mark đã cam kết những điều chung chung và cho biết chính thông tin của anh cũng có thể bị đánh cắp.
CEO Facebook Mark Zuckerberg trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ tháng 4/2018 - Ảnh: CNN |
Ngược lại, tại châu Á, các mạng xã hội đã có khoảng thời gian không mấy dễ dàng khi các quốc gia liên tiếp ban hành những đạo luật chống tin giả, yêu cầu các mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về các nội dung được đăng tải.
Tháng 5 vừa qua, Indonesia là quốc gia tiên phong tại đây dọa sẽ đóng cửa Facebook và đề nghị mức án tù với bất cứ nhân viên nào của Facebook Indonesia tiết lộ thông tin người dùng, theo BBC.
Đầu tháng 3, trước khi tiến hành giải tán Quốc hội để chuẩn bị bầu cử, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Singapore đã phát biểu trong một buổi họp báo: “Chúng tôi sẽ đấu tranh với tội phạm tin giả quyết liệt như với tội phạm ma túy. Mọi hành vi tiếp tay, hỗ trợ sẽ bị xử lý triệt để”. Tuy không nhắc đến mạng xã hội, nhiều chuyên gia của tờ Straitstime cho rằng đây là thông điệp gửi tới Facebook – mạng xã hội phổ biến nhất tại đảo quốc sư tử.
Các chính phủ và nhà lập pháp tại châu Á dường như không cần chờ đợi sự có mặt hay bất cứ lời giải thích nào từ các ông chủ mạng xã hội khi họ muốn hành động.
Những nỗ lực thay đổi
Tại Myanmar, các trang báo địa phương đã đưa tin về việc đại diện Facebook đã phải lên tiếng xin lỗi và cam kết sẽ thắt chặt các nội dung đăng tải gây ảnh hưởng tới chính phủ về cuộc khủng hoảng Rohinya. Đây là động thái nhượng bộ đầu tiên của mạng xã hội này tại Đông Nam Á.
Facebook từng đăng tải bức ảnh Mark Zuckerberg chạy bộ trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 2016 - thời điểm Facebook muốn tái thỏa thuận để tiến vào thị trường Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Theo Bloomberg, chiến dịch trong thời gian tới của Mark Zuckerberg cũng như Twitter chắc chắn là Trung Quốc. Những nỗ lực lấy lòng chính phủ nước này cho thấy lệnh cấm kinh doanh tại Trung Quốc từ năm 2009 không khiến Facebook từ bỏ ước mơ thâm nhập thị trường hàng đầu thế giới.
Biểu đồ phân bố người dùng cho thấy châu Á là nơi Twitter phát triển mạnh nhất - Ảnh: Globe-go |
Cùng mục tiêu tương tự, Twitter đã bắt đầu bán quảng cáo với các chính sách ưu đãi cho những công ty Trung Quốc ở nước ngoài từ giữa năm 2017, theo CNN. Để dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả trong khu vực, mạng xã hội này đã khôn khéo bắt tay với đài KBS Hàn Quốc để phát sóng và sản xuất các chương trình ca nhạc cho giới trẻ cũng như trở thành một trong những bộ phận sản xuất tin tức cho Bloomberg TV phục vụ giới đầu tư tài chính.
Trong tương lai, những nỗ lực này có thành công hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ nhưng các chính phủ ở châu Á đang cho thấy họ sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa dịch vụ cơ bản của các ông trùm mạng xã hội: đăng tải thông tin.
Thu Phương