+Aa-
    Zalo

    Sự khác biệt giữa Tết xưa và Tết thời 4.0

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cuộc sống hiện đại, xô bồ khiến những nét đẹp trong văn hóa ngày Tết cổ truyền dần bị mai một.

    Trong tâm thức của mỗi người Việt, Tết luôn gắn với những hình ảnh gia đình sum họp quây quần bên bánh chưng xanh, câu đối đỏ. Tuy nhiên cuộc sống hiện đại, xô bồ mà quên mất những nét đẹp văn hóa truyền thống.

    "Ăn Tết" và "Đón Tết"

    Chợ Tết lưu giữ những nét văn hóa đẹp của người Việt

    Tết xưa, các cụ nhà ta gọi là “ăn Tết” vì thời gian kéo dài từ rằm tháng Chạp cho đến khi “ra mùng”, tức là ngày mùng 10 tháng giêng. Có những nơi bà con ăn Tết đến tận ngày Tết Thượng nguyên tức là ngày rằm tháng giêng, ai nấy đề tạm gác lại mọi công việc, ăn và vui chơi ngày Tết đúng nghĩa.

    Ngày nay, người ta đơn giản việc “ăn Tết” bằng khái niệm “đón Tết”! Cuộc sống hiện đại, mức sống được nâng cao, con người không chỉ mong một cái Tết no đủ như trước mà Tết là để “ăn ngon, mặc đẹp”. Dân mình có xu hướng tận dụng những ngày nghỉ Tết để nghỉ ngơi và đi du lịch - “đón Tết” ở một nơi xa… Thời gian vui tết ngắn hơn xưa nhiều!

    Chợ Tết

    Trong những mảng màu của Tết, bên cạnh “bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” thì ký ức về Chợ tết dường như là kỷ niệm khó quên nhất. Xưa, để chuẩn bị cho Tết, ông bà ta phải tích góp, dành dụm cả năm trời. Phiên chợ Tết thường diễn ra từ 25 đến 30 tháng Chạp, nhưng bắt đầu 23 cúng ông Công ông Táo, các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp ban thờ và mua sắm vật dụng, thực phẩm. Còn với đám trẻ con, niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân bố đi chợ hoa, mang cành đào, cây quất về trưng Tết.

    Chợ Tết ngày nay đã có nhiều thay đổi vì xã hội hiện đại, chợ Tết không chỉ gói gọn trong các khu chợ, những địa điểm nhất định mà đã tỏa ra mọi ngóc ngách, đa dạng các loại hình dịch vụ. Tại các siêu thị, các gian hàng được trang hoàng rực rỡ sắc màu với muôn vàn các sản phẩm, nguyên liệu. Việc chuẩn bị Tết vì thế cũng trở nên dễ dàng và không còn vất vả như xưa nữa!

    Tục gói bánh chưng

    Cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng mãi là kí ức đẹp nhất của tuổi thơ

    Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...

    Tết nay, việc gói bánh vẫn còn đó, nhưng dường như không còn nguyên vẹn. Nhịp sống vội vã khiến chiếc bánh chưng hay cây giò cũng vì thế mà linh động hơn bằng việc được đặt hoặc mua bánh có sẵn. Cùng với sự sáng tạo và chút khéo léo, từ nhân bánh truyền thống, bánh chưng được biến tấu với muôn kiểu đa dạng như bánh ngũ sắc, bánh chưng cốm hay bánh nhân cá hồi... nhưng vẫn giữ hương vị đặc trưng của chiếc bánh ngày Tết.

    Thức quà ngày Tết 

    Bàn trà ngày Tết luôn phải đủ các vị trà, kẹo lạc, ô mai

    Giữa vô vàn những hoa quả, kẹo bánh ngoại, cái Tết của người Hà Nội vẫn không thể thiếu khay mứt, trái ô mai. Trên bàn thờ gia tiên ngày Tết, hộp mứt, ô mai được đặt ngay ngắn, trang trọng thể hiện cho tấm lòng con cháu luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về những giá trị truyền thống. Còn bên tách trà nóng, được nhẩn nha thưởng thức những quả ô mai chua chua cay cay vị gừng, cùng trải lòng trong những câu chuyện hân hoan, háo hức một năm mới tràn đầy hi vọng có lẽ chẳng bao giờ hết.

    Người ta vẫn thường nói: Ô mai không phải là đặc sản của Hà Nội, nhưng thứ ô mai ngon ngọt bậc nhất chỉ có thể tạo ra bởi bàn tay khéo léo và những tinh hoa công thức trong căn bếp Hà Thành. Những loại quả được tuyển chọn cẩn thận, kỹ lưỡng phải trải qua quy trình ngâm, ủ, sấy công phu, gia giảm cầu kì mới tạo ra được những viên ô mai hảo hạng.

    Giáp Tết, các cửa hàng trên con phố Hàng Đường càng trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ai ai cũng muốn chọn mua những hộp bánh mứt, ô mai thơm ngon để đón khách tới thăm nhà trong dịp năm mới. Mứt cổ truyền phần lớn được làm từ các loại quả chua như mơ, mận, sấu…ngâm cùng muối, gừng…tạo nên hương vị đậm đà, độc đáo. Ngày nay, xã hội phát triển, con người ngày càng sáng tạo hơn nên các vị mứt mới, các loại ô mai độc đáo được ra đời như kiwi, anh đào... đủ loại khô, ướt, dẻo để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

    Ô mai xưa nay được gói ghém trong những bao bì đẹp mắt, tiện dụng

    Có những điều đã rơi vào quên lãng, có những thứ đang phai mờ theo năm tháng nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi đó là ô mai. Có chăng chỉ là sự thay đổi về bao bì, hình ảnh, còn hương vị của những trái ô mai vẫn thế, vẫn mặn mà, vẫn thủy chung như tấm lòng người con gái Hà Thành xưa.

    Cuộc sống ngày càng thay đổi và những cái Tết cũng không giống nhau qua mỗi thời. Bên cạnh những “cái Tết online”, giữa dòng chảy hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình vẫn lưu giữ hương vị Tết cổ truyền qua việc đi chợ Tết, gói giò, nấu bánh chưng, bày khay mứt, ô mai… để con cháu được trải nghiệm Tết một cách trọn vẹn.

    Có thể đâu đó vẫn còn có những thay đổi giữa Tết truyền thống và Tết hiện đại bởi khoảng cách thế hệ nhưng sự đan cài đó cũng là một cách thức để mỗi người có một cái nhìn về Tết trọn vẹn theo cách của riêng mình. Và dù có thế nào thì luôn có những điều không thể thay đổi: Tết vẫn là dịp gia đình sum vầy, người người nhà nhà đều mong muốn trở về với gia đình, dành cho bố mẹ, ông bà những tình cảm, lời chúc chân thành từ tận trái tim.

    Theo Báo Tiền phong

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-khac-biet-giua-tet-xua-va-tet-thoi-40-a259321.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan