(ĐSPL) - Liên quan đến vụ máy bay Su-30MK2 mất tích trên biển, chiều 15/6, tàu cứu nạn của Biên phòng Việt Nam đã đưa phi công Nguyễn Hữu Cường cập cảng Cửa Hội (Nghệ An). Các lực lượng tìm kiếm vẫn tiếp tục khoanh vùng vết dầu loang, tìm kiếm tung tích chiếc máy bay, cũng như tung tích phi công còn lại. PV báo ĐS&PL đã tìm về quê hương Bắc Giang và có cuộc gặp gỡ với gia đình phi công Cường để lắng nghe những trải lòng, sẻ chia những cảm xúc nghẹn ngào hạnh phúc, kỳ diệu khi người thân thoát chết trở về.
Nỗ lực tối đa tìm kiếm phi công còn lại
Nhận được tin phi công Nguyễn Hữu Cường được cứu sống, nhiều người dân vỡ òa trong hạnh phúc. Mặc cho trời nắng nóng, hàng trăm người vẫn tập trung về khu vực neo đậu bến tàu của Hải đội 2, thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An để chào đón phi công Nguyễn Hữu Cường, đồng thời ngóng trông thông tin về phi công còn lại. Hiện, lực lượng tìm kiếm đang mở rộng địa bàn từ vùng biển Thanh Hóa đến Quảng Bình, phát thông báo đến tất cả tàu thuyền của ngư dân trên biển cùng vào cuộc để tìm kiếm phi công Trần Quang Khải.
Trên máy bay có hai phi công gồm Thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi), Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923 và Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi), Phó Phi đội trưởng Phi đội bay Su-30. Cả hai phi công cùng quê Bắc Giang và là phi công dày dạn kinh nghiệm.
Sau 1 ngày, 1 đêm mất tích, tin vui đã đến với người dân cả nước, một phi công đã được tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh cứu sống. Ông Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết, khoảng 4h30 sáng 15/6, lực lượng tìm kiếm máy bay tiêm kích Su30MK2 mất tích đã nhận được tin báo, tàu cá HT 20219 TS do ngư dân Phan Văn Lệ trú ở Hà Tĩnh đã cứu được một người trên vùng biển Nghệ An. Khu vực tìm thấy nạn nhân thuộc tọa độ 19,14 độ vĩ Bắc; 106 độ kinh Đông, cách vị trí nghi máy bay rơi xuống biển khoảng 28 hải lý về phía Đông Bắc đảo Mắt.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng kiểm chứng thông tin và xác nhận người được cứu chính là Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường. Trao đổi qua điện thoại từ tàu cá HT-20219 TS của ông Phạm Văn Lệ, phi công Cường nói: “Sức khỏe của tôi vẫn ổn, chỉ bị xây xát nhẹ ở vùng tay, cổ do lúc nhảy dù xuống biển dây dù vướng trúng, tôi chỉ hơi đau ở vùng lưng”.
Phi công Nguyễn Hữu Cường cập bến an toàn. |
Cũng theo Thiếu tá Cường, sáng 14/6, khi anh cùng phi công Khải thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện từ sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đến khu vực đảo Mắt (Nghệ An) thì gặp sự cố. “Chúng tôi bung dù để thoát khỏi máy bay, lúc đó tôi nhìn thấy anh Khải nhảy ra trước tôi cách chừng vài phút. Sau khi được cứu sống, việc đầu tiên tôi thông báo cho gia đình biết mình còn sống. Tôi cũng bảo vợ gọi điện báo ngay đơn vị. Tôi nghĩ mình sẽ không thể sống sót. Đến giờ mới thấy mình được sống rồi. Bây giờ chỉ lo cho anh Khải”, anh Cường thổ lộ.
Ngay sau khi nhận được tin, lực lượng cứu hộ đã cho tàu biên phòng BP 349801 mang theo thuốc men, cán bộ quân y ra tiếp cận tàu cá của ngư dân Lệ để đón phi công Cường vào bờ. 12h trưa cùng ngày, hai xe quân sự và một xe cứu thương túc trực ở cầu Hải đội 2 để đón Thiếu tá Cường. Đúng 13h30, tàu cứu nạn của biên phòng Việt Nam đã đưa phi công Nguyễn Hữu Cường cập cảng Cửa Hội (Nghệ An).
Một chiến sỹ trên tàu cứu hộ BP 349801 của Biên phòng Nghệ An nói: “Khoảng 11h ngày 15/6, tàu cứu hộ tiếp cận phi công Cường bị nạn nằm ngoài đảo Mắt chừng 10 cây số. Đón phi công Cường trên tàu ngư dân Phạm Văn Lệ trong tình trạng sức khỏe tốt, tinh thần vui mừng. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, tàu cứu hộ đã đưa phi công Cường cập bờ an toàn, bàn giao cho các đơn vị chức năng liên quan”.
Niềm vui chưa trọn
Ngay sau khi nhận được thông tin tàu cứu hộ đã tiếp cận được Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường bị nạn nằm ngoài đảo Mắt chừng 10 cây số, phóng viên báo ĐS&PL đã có mặt tại gia đình Thiếu tá Cường tại xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn, Bắc Giang). Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Hữu Ngọ (bố Thiếu tá Cường – PV) không giấu được xúc động và không ít lần ông khóc khi nhắc câu: “Con tôi, thằng Cường nó sống rồi...!”.
Trước đó, theo chia sẻ của không ít thành viên trong gia đình, đã hơn một ngày, từ khi nghe tin con trai cùng đồng đội gặp nạn, hai vợ chồng ông Ngọ không ăn uống được, họ chỉ biết khóc và kể lại những câu chuyện về con từ lúc anh còn thơ bé cho tới khi trưởng thành, xây dựng gia đình, lập nghiệp. Lúc nào, trong họ cũng thường trực những câu hỏi: Con ở đâu, con lênh đênh chỗ nào? Trong những thời khắc chưa tìm thấy anh Cường, ông bà có lúc coi như mất người con trai hiếu thảo. Thậm chí bà Lương Thị Bích Đài (mẹ Thiếu tá Cường – PV) còn dặn chồng mình dọn dẹp một góc nhà để bà... lập bàn thờ cho con.
Ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong con ngõ ở xã Nghĩa Hồ, ở cái tuổi ngoài 70 nhưng đã hơn một ngày từ khi nghe tin con và đồng đội gặp nạn, bố mẹ Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường đã không ăn, không ngủ được.
Dù bây giờ, thông tin Thiếu tá Cường được đưa vào đất liền an toàn, sức khỏe ổn định đã được họ cập nhật qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng cuộc gọi trực tiếp từ con trai, họ vẫn chưa nhận được nên lúc nào ông Ngọ và bà Đài cũng trong tâm trạng đứng ngồi không yên.
Gia đình phi công Nguyễn Hữu Cường cập nhật thông tin về anh qua internet. |
"Tôi chỉ mong đơn vị chiếu cố cho Cường về thăm gia đình vài ba ngày. Còn Cường, con cố gắng giữ gìn sức khỏe, cùng các đồng chí, đồng đội của mình tìm kiếm thằng Khải", bố Thiếu tá Cường tâm sự.
Theo chia sẻ của người thân trong gia đình, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Anh trai Thiếu tá Cường hiện đang công tác tại Tỉnh đội tỉnh Bắc Giang. "Ngày bé nó nghịch và hay quên lắm", đó là chia sẻ của bà Đài - người mẹ đang ngày đêm mong chờ cuộc điện thoại của con từ phương xa gọi về để bà yên tâm.
“Tôi chưa kịp thực hiện lời vợ thì con dâu tôi (vợ Thiếu tá Cường – PV) điện về bảo, nhà con có ngư dân đánh cá cứu vớt rồi. Tôi bật khóc vì hạnh phúc quá. Mọi người ra đây cũng bật khóc vì không có niềm vui nào bằng niềm vui ấy”, ông Ngọ tâm sự.
Nói rồi, ông đi tìm chiếc điện thoại đã đồng hành cùng ông suốt hơn một ngày qua để trực thông tin về con trai và đồng đội của con – Thượng tá Trần Quang Khải. Ông mở tin về anh Cường rồi nhờ đứa cháu đọc to cho cả gia đình nghe. Ai cũng vỡ òa trong cảm xúc trước tất cả thông tin thông báo anh Cường còn sống và sức khỏe ổn định. “Đấy, ảnh thằng Cường đây này”... chốc chốc họ lại chuyền tay nhau bức ảnh về Thiếu tá Cường được chụp lại và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thế nhưng, chỉ sau ít phút vỡ òa cảm xúc ấy, đôi mắt mẹ Thiếu tá Cường bỗng chùng xuống khi nhắc về Thượng tá Trần Quang Khải. Bà bảo rằng: “Cậu Khải từng về gia đình tôi khi còn đeo quân hàm úy, giờ là Thượng tá rồi. Bố mẹ Khải cũng gần 90 tuổi, vợ thì yếu, những ngày này phải có người bên quân y trực 24/24 tại gia đình. Con chúng tôi đã tìm thấy, nhưng đồng chí, đồng đội của con tôi chưa tìm thấy nên niềm vui trong chúng tôi cũng chưa trọn vẹn. Khải cũng như con tôi, gia đình Khải cũng như gia đình tôi”.
Tướng Tuấn trực tiếp chỉ huy việc cứu hộ, cứu nạn Sáng 15/6, Thượng tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có mặt tại Nghệ An, trực tiếp chỉ huy việc cứu hộ, cứu nạn chiếc Su - 30MK2 mất tích. Ông Tuấn cũng yêu cầu duy trì một máy bay liên tục bay tìm kiếm phi công Khải. Hiện, nguyên nhân sự cố của máy bay Su- 30MK2 mang số hiệu 8585 đang được các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ. |
HÀ HẰNG - NGUYỄN HUỆ
[mecloud]nfB50u0UrA[/mecloud]