+Aa-
    Zalo

    Sốt xuất huyết lên đỉnh dịch: Nuôi “tử thần” trong nhà mà không hay?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - PGS.TS.Trần Đắc Phu cho hay, tính đến tuần 38 của năm 2015, cả nước đã có hơn 40.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 trường hợp tử vong.

    (ĐSPL) - Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS.Trần Đắc Phu (Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế) cho biết, tính đến tuần 38 của năm 2015, cả nước đã có hơn 40.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 25 trường hợp tử vong.

    So với thời điểm cách đây 3 tuần, số ca mắc SXH ở mỗi tỉnh, thành tăng mạnh thêm 1.000-1.200 ca/tuần. Điều đáng lo ngại, qua tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, bọ gậy (hay còn gọi là cung quăng, loăng quăng) khi lớn phát triển thành muỗi - vật trung gian lây truyền mầm bệnh SXH lại được bày bán ngang nhiên ở các hàng cá cảnh, dù rằng, đây là hành vi đã bị nghiêm cấm...

    La liệt bệnh nhân sốt xuất huyết

    Có mặt tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), nhóm PV báo ĐS&PL thấy tại hành lang, các bệnh nhân SXH được bệnh viên kê giường nằm la liệt, vì phòng không đủ giường cho bệnh nhân.

    Bà Nguyễn Thị Thoa (62 tuổi, Chí Linh, Hải Dương) vừa nhập viện vì được chẩn đoán mắc SXH. Bà Thoa kể, nhà bà gần cánh đồng, có nhiều ao tù nước đọng, muỗi rất nhiều.

    Cách đây mấy ngày, thấy sốt, bà tự đi mua thuốc hạ sốt nhưng uống vào vẫn không thấy đỡ. Ba ngày liền, bà vẫn sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau cơ; đến ngày thứ tư, bà thấy đau họng nhiều, buồn nôn và tiêu chảy. Sau đó, bà đến bệnh viện khám và được chẩn đoán SXH.

    So với thời điểm cách đây 3 tuần, số ca mắc SXH ở mỗi tỉnh, thành tăng mạnh thêm 1.000-1.200 ca/tuần. (Ảnh minh họa)

    Bên cạnh bà Thoa là ông Hoàng Tiến (56 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) cũng được chẩn đoán là SXH. Ông Tiến nhập viện được 5 ngày và đã đỡ nhiều. “Ở quê tôi, do môi trường ô nhiễm nên có nhiều ruồi muỗi.

    Mấy hôm trước thời tiết nóng quá, tôi không mắc màn, bị muỗi đốt nên mắc SXH”, ông Tiến tâm sự. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS.Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 700 ca SXH, tập trung vào các tháng 8, 9. Trong số đó, có khoảng 4\% ca nặng, còn lại đa phần bệnh nhẹ, sau 7 ngày sẽ khỏi.

    Trung bình tại bệnh viện, mỗi ngày có 4-5 ca nặng được chuyển từ các tuyến lên. Điều đáng lo là, số ca mắc SXH đang tăng lên từng ngày. “Số người nhập viện ngày 26/9 là 15 ca, đến ngày 27/9 đã tăng lên 26 ca. Tháng Bảy chỉ có 92 ca nhập viện thì đến tháng Tám đã tăng 188 ca. Từ đầu tháng Chín đến nay, có 290 ca nhập viện.

    Hiện, có thể nói đang là đỉnh dịch nên người dân cần chú ý đề phòng...”, PGS.TS.Kính khuyến cáo. Dẫn PV đi ghi nhận thực tế, BS.Trần Thị Tú, khoa Virus - Ký sinh trùng, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bày tỏ, khoa đã được tăng cường 14 giường tại hành lang nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép.

    Ghi nhận tại khoa Nhiễm, Sốt xuất huyết, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, số lượng bệnh nhân SXH tăng chóng mặt. Mặc dù chưa đến giờ thăm bệnh nhân, hai khu vực này vẫn chật kín các bậc phụ huynh đưa con em đi khám, chữa bệnh. Các giường bệnh trong hai khoa nói trên đều không còn chỗ trống.

    Thậm chí, dọc theo hai bên hành lang, phụ huynh cũng tìm cách trải chiếu, lót giấy cho con nằm chờ chữa trị. Chị Bùi Mỹ Hạnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nói: “Bé nhà tôi nhập viện từ ba hôm nay nhưng tới giờ vẫn chưa được xuất viện.

    Trước khi vào viện, bé sốt rất cao, mặt đỏ ửng lên, hay khóc và không chịu ăn. Đi khám mới phát hiện bé bị SXH”. BS.Phạm Minh Tuấn, Trưởng khoa Nhiễm, Sốt xuất huyết (bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cung cấp thông tin, từ đầu tháng Tám đến nay, trung bình mỗi ngày có từ 80 đến 90 trường hợp điều trị SXH.

    Số trẻ nhập viện tăng cao hơn nhiều so với mức trung bình ở các tháng trước là từ 30 đến 40 ca. Đặc biệt, khoa cũng đang điều trị cho 10 trường hợp bị sốc sốt xuất huyết Dengue với các triệu chứng như trụy tim mạch, huyết áp khó đo, mạch nhanh...

     Hầu hết những ca mắc SXH nặng hoặc tử vong đều xuất phát từ tâm lý chủ quan của bệnh nhân và người thân. Bà Trần Kim M. (55 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) chia sẻ: “Con trai tôi đã tử vong chỉ sau một ngày nhập viện.

    Con tôi đang là sinh viên, ở trọ xa nhà. Nghe con nói sốt nhiều ngày, tôi có hối cháu tự đi khám bệnh. Thế nhưng, cháu không đi mà tự mua thuốc uống. Mấy bạn ở chung phòng phát hiện con tôi bị chảy máu răng rất nhiều nên chở vào bệnh viện.

    Nhận được tin báo, tôi chạy vào viện thì bác sỹ thông báo cháu không qua khỏi...”. Ngoài TP.HCM, các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương... cũng xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh SXH tăng đột biến.

    Những tỉnh thành này có hệ thống kênh rạch chằng chịt, ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân còn thấp. Vì thế, những nơi này có nhiều yếu tố để cho muỗi truyền nhiễm bệnh SXH sinh trưởng.

    Mua bán “nguồn bệnh” mà không biết?

    Điều đáng lo ngại, điều tra dịch tễ phát hiện ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh SXH trong những vật chứa nước thông thường như lu, phuy chứa nước sinh hoạt, bình bông, chén nước cúng, vật phế thải, máng nước uống của vật nuôi...

     Bên cạnh đó, phát hiện nhiều điểm nguy cơ tập trung loăng quăng sinh sôi như cơ sở tái chế vỏ xe, vựa phế liệu, vựa cây cảnh, những bãi đất trống bị người dân xung quanh bỏ các vật phế thải...

    Đặc biệt hơn nữa, theo khảo sát của nhóm PV báo ĐS&PL, trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM vẫn còn vô số những cửa hàng bán loăng quăng nguy hiểm.

    Ngày 1-2/10, dạo qua hàng loạt các cửa hàng bán cá cảnh tại Hà Nội, PV thấy hầu hết các hàng cá cảnh này đều bán “món ăn khoái khẩu” của cá cảnh.

     Trao đổi với PV, anh Tú, chủ một cửa hàng cá cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), cho biết: “Ngoài các loại cám, thức ăn thông thường ra thì giun, bọ gậy... là thức ăn ưa thích của các loại cá cảnh. Từ cá cảnh con đến các loại cá cảnh có kích thước trưởng thành đều rất thích ăn loăng quăng.

     Vì trong môi trường nước của các bể cá, thùng nuôi cá cảnh vốn là nước tù, bởi vậy con loăng quăng rất nhiều. Tuy nhiên, con loăng quăng thời gian sống dưới nước rất ngắn, sau đó phát triển thành muỗi, chứa rất nhiều dinh dưỡng cho cá cảnh...”. Anh Tú cho biết thêm, nguồn cung cấp loăng quăng chủ yếu của cửa hàng anh là người dân.

    Ban đêm, nhiều người thường ra Hồ Tây và các ao hồ lân cận, dùng vợt có lưới đan ô nhỏ để vớt loăng quăng bán kiếm tiền. “Tuy nhiên, để tích thức ăn cho cá từ giun và loăng quăng là rất khó, mỗi lần mua về chỉ để 2 – 3 ngày là phải cho cá dùng hết, nếu không chúng sẽ chết...”, anh Tú chia sẻ. Tiếp tục tìm đến một số cửa hàng cá cảnh khác ở Hoàng Hoa Thám, Minh Khai, Kim Ngưu, Nguyễn Trãi... (Hà Nội), PV không khó để hỏi mua loăng quăng.

    Giá bán loăng quăng cũng khá rẻ, chỉ dăm mười ngàn đồng là được một túi. “Chúng tôi bán loăng quăng chỉ là bán kèm, chứ lời lãi chẳng được bao nhiêu”, anh Minh (chủ hàng cá cảnh ở đường Trường Chinh, Hà Nội) nói.

     Tại TP.HCM, nhiều chủ cửa hàng đã bị phạt vì bán loăng quăng, nhằm hạn chế sự sinh sôi của con vật này. Cụ thể, bà Lê Thị Bích Khanh (Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xác nhận, từ cuối tháng 8/2015 đến nay, Q.Bình Thạnh đã xử phạt nhiều trường hợp về hành vi phát tán nguồn bệnh.

    Chẳng hạn, ngày 28/8, trong quá trình kiểm tra hoạt động phòng, chống SXH, đoàn công tác của UBND phường 25 phát hiện hộ ông N.V.S. (đường Ung Văn Khiêm) thải vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch.

    UBND phường 25 đã ra quyết định phạt ông S. 750.000 đồng và ông S. đã thực hiện việc nộp phạt. Tương tự, ngày 21/9, đoàn công tác của UBND phường 25 ghi nhận ông N.M. không thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng tại khu vực đang xây dựng công trình ở địa chỉ 4E1 đường D1.

    Ngoài việc phạt 1,5 triệu đồng, UBND phường còn buộc ông M. thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng tại khu vực đang xây dựng. UBND phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM phạt chủ quán cà phê 750.000 đồng do để loăng quăng xuất hiện nhiều trong chậu cây kiểng. UBND phường 26 phạt chủ quán ăn 750.000 đồng do hồ non bộ có loăng quăng.

    Hơn 100 nước có dịch SXH

    Sốt xuất huyết Dengue hiện đang là vấn đề y tế công cộng rất lớn trên toàn cầu và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong những bệnh do véc-tơ truyền quan trọng nhất. Bệnh SXH được phát hiện vào những năm 50 của thế kỷ trước, đã liên tục lan rộng ra các quốc gia trên thế giới, hiện đang lưu hành ở trên 100 quốc gia thuộc chủ yếu tại các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới như vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Năm 2015, theo thông báo của WHO, ngày 22/9/2015, SXH gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Á Thái Bình Dương: Malaysia, Philippines, Campuchia, Thái Lan. Đặc biệt, Ấn Độ ghi nhận số mắc cao nhất trong vòng 5 năm qua.

    Đức kế

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]UbIyqgssBe[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sot-xuat-huyet-len-dinh-dich-nuoi-tu-than-trong-nha-ma-khong-hay-a113617.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.