Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng và hiện có ở hơn 100 quốc gia, hàng năm ước tính có khoảng 100 - 400 triệu người mắc bệnh.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, mỗi năm trung bình có khoảng 100.000 đến 300.000 người mắc bệnh, khoảng trên 100 trường hợp tử vong. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 46.000 ca mắc, 11 trường hợp tử vong tại hầu hết các tỉnh, thành phố phía Nam.
Tại Hà Nội, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hàng năm, thời gian gần đây trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 14.000 trường hợp mắc. Năm 2017, ghi nhận số mắc cao với 35.665 trường hợp, năm 2022 ghi nhận 19.668 trường hợp. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 1.500 trường hợp mắc, 0 ca tử vong, số mắc tăng 41% so với cùng kỳ 2022.
Ghi nhận tại Bệnh viện E, Hà Nội, dạo gần đây số ca mắc sốt xuất huyết đến khám tại đây tăng đột biến, nhiều trường hợp có diễn biến nặng như ho ra máu, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tụt huyết áp…, theo báo Giao Thông.
Có thể thấy quy luật chu kỳ 4-5 năm lên đỉnh dịch sốt xuất huyết một lần có dấu hiệu bị phá vỡ. Bệnh dịch diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào.
Đến thời điểm này, miền Bắc tăng mạnh số ca mắc sốt xuất huyết và Hà Nội hiện đang là điểm nóng với 1.556 ca mắc (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa ghi nhận ca tử vong.
Chia sẻ về những bất thường trong chu kỳ dịch sốt xuất huyết, TS Nguyễn Văn Dũng cho rằng, sự thay đổi cực đoan của thời tiết là yếu tố tác động lớn nhất. Năm nay miền Bắc nắng nóng, mưa nhiều là điều kiệu thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển.
Đặc biệt, nắng nóng cũng khiến chu kỳ phát triển vòng đời của muỗi rút ngắn lại, bình thường thời gian từ trứng đến muỗi trưởng thành khoảng 2 tuần nhưng hiện nay chỉ khoảng từ 7 - 9 ngày. Chính điều này khiến muỗi sinh sản nhiều hơn, khả năng tiếp xúc giữa muỗi và người lớn hơn nên nguy cơ bùng dịch cũng cao hơn.
Ông Dũng cũng chia sẻ thêm 1 yếu tố khách quan khiến nguy cơ bùng dịch là công tác phòng chống dịch tại các địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, trước đây phòng dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia song nay chuyển về địa phương (hoạt động theo ngân sách địa phương bố trí).
Trong khi đó, một số địa phương chưa chủ động được nguồn kinh phí vì thế chưa triển khai hoặc triển khai không hiệu quả các biện pháp phòng chống.
Theo nhận định của PSG. TS Đỗ Duy Cường, năm nay sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm và tăng ca biến chứng, trở nặng vì người dân chủ quan với phòng, theo dõi điều trị bệnh.
Ông Cường khuyến cáo, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản để phát hiện sốt xuất huyết sớm. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời.
Trong trường hợp theo dõi ở nhà, nếu tiểu cầu giảm nhanh với các biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh, rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng, màng phổi… khi đó cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, nguyên nhân số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã làm giảm miễn dịch của nhiều người. Khi chống dịch, người dân đôi khi "quên" những hành động trong việc xử lý những nơi dễ làm tổ đẻ của muỗi.
Thời tiết nắng nóng kết hợp cùng mưa giông tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển của muỗi. Đặc biệt, hình thái thời tiết này khiến chu kỳ phát triển của muỗi rất nhanh, muỗi từ trứng đến trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng. Muỗi phát triển nhanh cộng với việc gia tăng mật độ khi tiếp xúc với con người, là nguyên nhân chính có thể dẫn đến bùng dịch, thông tin VOV.
Công tác phòng bệnh sốt xuất huyết thời điểm hiện tại hiệu quả nhất vẫn là việc dọn dẹp, loại bỏ những vật dụng có thể chứa nước mưa, ngăn chặn được môi trường sinh sản của muỗi.
Hiện tại, vaccine phòng bệnh chưa có ở Việt Nam và bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng, chống có khó khăn hơn so với các dịch bệnh khác.
Bên cạnh đó, các yếu tố tự nhiên tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển như: Quá trình đô thị hóa diễn ra, nhiều phế liệu, phế thải do con người tạo ra không được thu gom xử lý kịp thời tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển.
Mặt khác, do lượng dân cư di biến động lớn, nhiều học sinh sinh viên, người lao động nhập cư, điều kiện sống tập trung đông đúc tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Thùy Dung (T/h)