(ĐSPL) -Người thì bảo hạt “cứt chuột” có tác dụng chữa tiêu chảy, kiết lỵ, người thì bảo chữa viêm loét dạ dày, có người còn nói mua về phơi khô chữa bệnh... ung thư.
Những ngày vừa qua, đường dây nóng báo Đời sống và Pháp luật liên tục nhận được những cuộc điện thoại của bạn đọc hỏi về công dụng thực sự của hạt cây khổ sâm, loại “thần dược” đang được thương lái lùng sục tìm mua với số lượng không hạn chế để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Để rõ thêm thông tin, PV đã có mặt tại huyện miền núi Tây Trà để tìm hiểu thực hư về vấn đề này.
Lội suối, xuyên rừng săn... “cứt chuột”
Từ Đà Nẵng chúng tôi vượt hơn 200 cây số đường đèo dốc mới đến được xã Trà Phong, trung tâm của huyện lỵ Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi. Khác xa với mong đợi, dù đã cất công dò hỏi khắp nơi chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng của những thợ “săn” thần dược khổ sâm có thể chữa khỏi bệnh ung thư ở đâu.
Lân la một hồi, cuối cùng chúng tôi cũng hiểu được lý do vì sao khi hỏi về khổ sâm hoặc nha đam tử, ai nấy đều lắc đầu không biết. Hóa ra, người dân ở đây không gọi loại dược liệu thuộc họ Thanh Thất này là khổ sâm mà vẫn hay dùng cái tên “cứt chuột” để phân biệt.
Cận cảnh cây khổ sâm. |
Bà Đinh Thị Mơ (58 tuổi), chủ một quán nước nằm ven quốc lộ 24B tỏ ra thông cảm: “Khổ sâm là tên gọi trong Đông y thôi chứ đồng bào mình ở đây quen gọi nó là cây “cứt chuột”. Ngoài cây chuối thì đây chính là loại cây đem lại nhiều tiền nhất cho bà con ở các xã vùng núi của huyện Tây Trà. Cũng vì lợi ích rất lớn mà chúng đem lại nên các cán bộ ở đây còn gọi là cây “xóa đói, giảm nghèo””.
“Mà ở Trà Phong cây này ít lắm, do vậy, số người theo nghề săn “cứt chuột” cũng chả nhiều nhặn gì. Chú muốn tìm hiểu rõ thì phải qua bên xã Trà Thọ, Trà Xinh... Thương lái dưới xuôi lên thu mua đều đổ dồn về mấy xã đó chứ ít ghé lại đây lắm”, bà Mơ tận tình cho biết thêm.
Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, từ trung tâm huyện lỵ Tây Trà (xã Trà Phong) chúng tôi men theo những con đường đất, nhỏ, dốc gần chục cây số mới đến được thôn Tre (xã Trà Thọ, huyện Tây Trà), nơi được mệnh danh là thủ phủ của cây “cứt chuột”.
Người dân đem khổ sâm về bán cho thương lái. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Minh Trí (Bí thư chi bộ thôn Tre) hồ hởi cho biết: “Nhờ có loại cây này mà bà con mình thay đổi nhiều lắm! So với đi làm gỗ thì thu nhập từ việc đi hái hạt “cứt chuột” không cao bằng nhưng được cái là việc nhẹ, không nguy hiểm, thích nhất là được lấy tiền liền”.
Vừa nói vừa thoăn thoắt bước đi, chỉ chưa đầy 20 phút sau già Trí đã dẫn chúng tôi vượt qua con dốc dựng đứng ở cuối làng để tiến về phía cửa rừng. Chỉ vào rừng cây san sát, um tùm trước mặt, già Trí tiết lộ: “Nhìn rứa thôi, cái loại cây ni cũng khó “ở” lắm. Quảng Ngãi chỉ có vùng núi cao ở Tây Trà và Trà Bồng là có thôi. Loại ni chỉ ưa mọc ở vùng đất xám, có độ dốc lớn và khí hậu ẩm ướt, mưa nhiều. Chúng cho hạt vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Đây cũng chính là mùa thu hoạch chính của người đồng bào thiểu số trong vùng”.
Bà Đinh Thị Rí (51 tuổi, trú xã Trà Thọ) cho biết: “Mấy tháng trước đầu mùa nên hạt “cứt chuột” nhiều lắm, 7h, 8h dậy đi hái cũng được. Chỉ cần qua con dốc cuối làng Tre là tới rồi, nhiều lắm, tha hồ mà hái. Nhưng bây giờ cuối mùa rồi, với lại bà con mấy xã khác cũng đổ xô về đây tìm kiếm nên cây thì vẫn còn đấy nhưng hạt đã khan hiếm dần. Giờ muốn hái được nhiều phải dậy từ 4h, 5h sáng và phải đi sâu hơn vào trong rừng. Đàn ông khỏe mạnh thì vượt sông Đắk Xa Riếc, sông Đắk Ka Tốc, sông Đắk La Buốc qua tận bên kia sông hái. Còn đàn bà thì cứ quanh quẩn dưới chân núi Măng Xinh, Giơ Lốc mà hái thôi. Bỏ công đi xa hơn nhưng bù lại lúc về khi nào “cứt chuột” cũng đầy gùi đầy bao. Nếu gặp may có người cũng săn được cả nửa tạ mỗi ngày”.
Thương lái nước ngoài và sự nhiệt tình đáng ngờ
Vào mùa, những khoảnh ruộng xăm xắp nước nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy bất cứ một ngọn lúa nào, người dân thì lũ lượt kéo nhau vào rừng săn hạt “cứt chuột”. Như đoán được thắc mắc của chúng tôi, già Hồ Văn Be (62 tuổi, xã Trà Thọ) giải thích: “Trồng lúa thì vẫn phải trồng chứ, không trồng lấy cái gì mà bỏ bụng. Nhưng chỉ trồng ở những đám ruộng tốt thôi chứ ở đây khi hậu khắc nghiệt lắm, hạn hán, lũ quét thường xuyên, trồng chỉ được hai ba vụ. Mùa ni bà con, đồng bào chỉ trông cậy vào mấy cây chuối và mấy cái hạt “cứt chuột” này để có cái ăn thôi”.
Chị Hồ Thị Bé (34 tuổi) cho biết thêm: “Giá hạt “cứt chuột” cũng lên xuống thất thường. Thời gian đầu mùa, giá thấp lắm, chỉ cỡ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Cuối mùa do hạt bắt đầu khan hiếm thì giá mới nhích lên dần, bình quân khoảng 20.000 đồng/kg. Cá biệt năm nay, không biết có đầu mối nào đứng ra bao thầu mà thương lái đổ xô lên đây thu mua hạt “cứt chuột” đông lắm. Thế mới có chuyện 1kg hạt họ mua đến 27.000 đồng, cao nhất từ trước đến nay”.
“Gia đình mình năm người, thì bốn người vào rừng đi hái hạt “cứt chuột”. Trung bình mỗi người hái được từ 10 – 20 kg/ngày. Tùy theo thời điểm và giá cả mà mỗi người cũng thu nhập khoảng 300.000 – 400.000 đồng. Cả gia đình cộng lại cũng được hơn triệu bạc rồi”, anh Đinh Văn Tư, người thôn Tre, xã Trà Thọ phấn khởi cho biết.
Giá hạt “cứt chuột” tăng chóng mặt, nhưng sức mua của thương lái vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt mà trái lại còn trở nên nóng bỏng hơn. Bà Hồ Thị Mai (xã Trà Thọ) cho biết: “Chỉ thấy thương lái ùn ùn kéo lên thu mua chứ không biết họ mua cho ai và để làm gì? Chúng tôi có hỏi thì người thì bảo là hạt “cứt chuột” có tác dụng chữa tiêu chảy, kiết lỵ, người thì bảo chữa bệnh viêm loét dạ dày- tá tràng. Thậm chí, có người còn nói mua về phơi khô chữa bệnh... ung thư... Đủ các loại bệnh từ nặng đến nhẹ, người này đồn người kia nên giờ mà hỏi hạt “cứt chuột” chữa bệnh gì thì dân ở đây cũng chịu”.
Thương lái thu mua khổ sâm rồi vận chuyển bằng xe máy về xuôi. |
Nhìn những thương lái tay bao, tay bị đứng chầu chực ở khắp các con đường liên xã vào mỗi buổi chiều, già Trí tâm sự: “10 năm trở lại đây, vào mùa này năm nào cũng thế! Thương lái dưới xuôi đều tập trung lên đây thu mua hạt “cứt chuột”, có khi năm sau còn đông hơn cả năm trước. Nhiều thương lái quen mặt, tôi gặp họ và hỏi thì họ bảo mua về để nhập sang Trung Quốc. Bao nhiêu họ cũng mua bằng hết. Thậm chí, nhiều lúc khan hàng họ còn đặt cọc tiền, cho đồng bào mình ứng tiền trước và hẹn ngày lên chở hàng về xuôi. Hiện nay, giá thu mua mặt hàng này khá cao, cuộc sống bà con mình nhờ đó cũng bớt khổ đi phần nào. Vẫn biết là cây dược liệu quý mà bà con cứ thu hoạch theo kiểu tận diệt thế này liệu mai mốt có còn cho mình hái nữa không? Rồi bên Trung Quốc họ mua nhiều thế về làm gì? Mong rằng cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giúp bà con mình yên tâm sản xuất...”.
Thương lái nước ngoài nhập “tinh” bán “xác” Ông Nguyễn Ngọc Lư (Phó Chủ tịch Thường trực hội Đông y TP. Quảng Ngãi) cho biết: “Hạt “cứt chuột” hay “xóa đói” mà người dân vẫn gọi thực chất là hạt khổ sâm. Được biết, sau khi thu mua về, các thương lái Trung Quốc sẽ chuyển vào các nhà máy để tinh chế làm thuốc hộp, còn lại xác hạt khô sẽ tẩm hóa chất cho lên màu đẹp, bắt mắt, sau đó xuất bán lại thị trường Việt Nam. Lúc này chúng chỉ là xác khô, ít tác dụng chữa bệnh. Không phải ngành Đông y bây giờ mới biết mà tình trạng này đã xảy ra từ khoảng chục năm trở lại đây”. |