+Aa-
    Zalo

    “Sóng ngầm” ở miền biên viễn: (Bài 1) Đoản mệnh vì nợ tín dụng đen

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hà Giang là miền biên viễn nằm phía Đông Bắc tổ quốc, có tới 274km đường biên giáp Trung Quốc và là nơi sinh sống của hơn 20 dân tộc, trong đó có những dân tộc hiếm hoi như người Lô Lô, Pu Péo, La Chí... Kinh tế khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, trước nhu cầu phát triển, đặc biệt là việc vay vốn nhằm mục đích tiêu dùng cá nhân đã biến nơi đây trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho “tín dụng đen” hoành hành, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn đốn.

    Được coi là đơn vị hành chính đứng thứ 48 về dân số, nhưng xếp thứ 63 về GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) nên thu nhập bình quân đầu người của Hà Giang được xếp vào diện thấp. Cái nghèo đeo bám kéo theo bi kịch nợ nần. 

    Tự tử vì “tín dụng đen”

    Những năm gần đây, khi “tín dụng đen” lên lỏi đến các thôn bản vùng sâu vùng xa của Hà Giang, đã có không ít bi kịch xảy ra, trong đó tự tử, quyên sinh… vì nợ nần đang là chuyện gây nhức nhối nhất.

    E:\AIDSHaGiang\AIDSHaGiang1.jpg

    Nằm ở miền biên viễn của tổ quốc, nhưng Hà Giang đang tồn tại những “cơn sóng ngầm” do hoạt động của các nhóm “tín dụng đen”.

    Đã xảy ra cách đây 2 năm nhưng chuyện tự tử vì nợ nần của H. (SN 1994, giáo viên ở trị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên) vẫn là câu chuyện đầy đau đớn và là bài học cho những ai đã trót dây dưa với “tín dụng đen” ở miền đất này. Giờ đây khi nhắc về H., người dân tThị trấn Việt Lâm vẫn bảo giá như cô cứ làm giáo viên ở xã, không ra thị trấn thì đã không sa chân vào “tín dụng đen”.

    Sinh ra trong gia đình thuần nông, để cho con đỡ phận cuốc cầy nên cha mẹ H. thắt lưng buộc bụng, gom góp cho con đi học, với ước muốn con được đổi đời.

    Không phụ công cha mẹ, H., học hành chăm chỉ và thi đỗ một trường đại học ở khu vực phía Bắc. Tốt nghiệp đại học, H. trở về xã làm cô giáo. Chuyên môn khá, cô dần được cất nhắc dần và trở thành giáo viên ở thị trấn.

    Ra thị tứ, H. nên duyên với một cán bộ tên N. Anh này hiền lành, yêu và tin vợ. Hai vợ chồng được bố mẹ chồng cho tiền mua nhà phố thị. Cứ nghĩ cuộc sống yên ổn nào ngờ kể từ khi lên phố, H. bắt đầu tiêu pha không tiếc tay. Cô sắm sửa váy áo, rồi xe máy tay ga, điện thoại di động, túi xách hàng hiệu… cùng những bữa ăn sang chảnh.

    Lương giáo viên có hạn, để có tiền thỏa mãn cuộc sống giàu sang nơi phố thị, ban đầu H. vay bạn bè, sau đó đã tìm đến các địa chỉ “tín dụng đen” để vay. Lãi mẹ đẻ lãi con, không trả được, các chủ “tín dụng đen” đã bắn tin đe dọa H. và người thân trong gia đình. Không dừng ở đấy, họ còn tìm đến nhà cô để “khủng bố”.

    Trước nguy cơ vỡ nợ, vợ chồng H. cãi vã nhau cả ngày, anh em họ hàng thì mặt nặng mày nhẹ vì những khoản nợ cô vay. Vợ chồng H. đã phải bán nhà, tài sản… nhưng vẫn không đủ trả nợ.

    Bi đát, u uất, cuối cùng H. đã treo cổ tự tử. Giờ đây, món nợ của H. đã khép lại, nhưng câu chuyện đau lòng của cô tại thị trấn miền núi Việt Lâm khiến người dân nơi đây không khỏi xót xa.

    Ra phố bằng xe con, “về nhà” bằng quan tài

    Mới đây, theo thống kê, tình trạng tự tử, trong đó những vụ tự tử có liên quan đến nợ nần ở Hà Giang đã tăng lên.

    Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh xảy ra 389 vụ tự tử: 361 người chết, 28 người bị thương; trong đó tỷ lệ cao nhất dân tộc Mông (195 vụ, 180 người chết, 15 người bị thương, chiếm 50,1%); dân tộc Dao (68 vụ, 64 người chết, 4 người bị thương, chiếm 17,5%); dân tộc Tày (64 vụ, 59 người chết, 5 người bị thương, chiếm 16,5%).

    Và chỉ tính riêng 10 tháng năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 98 vụ tự tử, trong đó 99 người chết (tăng 29 vụ và tăng 32 người chết so với cùng kỳ năm 2020). Qua theo dõi, phân tích các vụ tự tử cho thấy, ngoài mâu thuẫn, bế tắc, rượu chè thì nhiều vụ còn liên quan đến nợ nần. Địa bàn xảy ra các vụ tự tử chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp…

    Các nạn nhân thường tìm đến cái chết bằng cách treo cổ, ăn lá ngón, uống thuốc trừ sâu, thậm chí dùng vũ khí tự tạo, các vật dụng dùng trong gia đình hàng ngày...

    Câu chuyện đau lòng của P. ở huyện Vị Xuyên là một ví dụ. P. là con thứ trong gia đình bố mẹ hiền lành, thuần nông. Học xong đại học, với khả năng nhanh nhẹn và hoạt bát của mình, P. đã xin được việc làm tại một sở trên tỉnh, vị trí mà nhiều người mơ ước.

    Để đầu tư và tạo điều kiện cho con “xứng” với vị trí công việc của mình, bố mẹ P. gom góp, bán cả đất rừng, đất hương hỏa để mua xe ô tô cho P. đi làm. Thế nhưng từ khi có xe, P. giao du ăn chơi, lương không đủ chi dùng nên cuối cùng đã tìm đến tín dụng đen để vay nợ. Và cũng như nhiều nạn nhân của “tín dụng đen”, khi không có tiền trả các khoản nợ lãi mẹ đẻ lãi con, P. bắt đầu bị khủng bố, hành nợ.

    Xấu hổ, hết đường, và đến ngưỡng bi đát nhất, cũng như H., P. đã tìm đến giải pháp “trả nợ” bằng việc tự tử. Sau 3 ngày vắng mặt, điện thoại không liên lạc được, gia đình cơ quan tá hỏa đi tìm và phát hiện P. đã treo cổ tự tử, bên cạnh là lá thư tuyệt mệnh kể về nợ nần và yêu cầu gia đình không cho mổ tử thi vì nguyên nhân P. tự vẫn chỉ là do nợ.

    Đắng cay nhất với gia đình P. là con trai ra phố bằng xe con nhưng khi trở về gia đình ngậm ngùi đón nhận là chiếc quan tài, kết thúc bi kịch nợ nần vì “tín dụng đen”.

    Song Nguyên - Trần Hùng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/song-ngam-o-mien-bien-vien-bai-1-doan-menh-vi-no-tin-dung-den-a521723.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.