Biết bao bữa cơm đã diễn ra như thế. Vẫn cơm trắng chan nước mà sao khó nuốt vậy? Có phải vì nó vừa mặn vừa chát, vừa đắng vì... nước mắt?
Sau khi sinh em bé, tôi ở quê còn chồng làm việc trên thành phố. Trước sinh tôi được 66kg, sau có 4 tháng còn 44kg, em gái về chơi còn không nhận ra. Nguồn cơn của nó là chuỗi ngày dài khủng hoảng với mẹ chồng. Thâm tâm muốn lên thành phố làm việc nhưng vì thương bố chồng nên quyết định chịu khổ tìm việc ở nhà. Trong thời gian chờ tìm việc, mẹ chồng bảo tôi làm ruộng cho khuây khỏa.
Vì từ nhỏ tôi chưa làm ruộng bao giờ, nên mỗi lần bước xuống cánh đồng đầy bùn, hai chân tôi run bần bật. Ngày đầu tiên, mẹ chồng ra 30 phút để chỉ cho tôi cách làm, những ngày sau đó một mình tôi tự thân vận động. Con nhỏ mới tròn 8 tháng tuổi khi không có hơi mẹ thì khóc ầm ĩ, cứ một lúc tôi lại phải chạy về với con, dỗ dành khi con ngủ lại tiếp tục ra đồng. Trưa mùa hè nắng như đổ lửa, nhưng tôi không dám nghỉ để về sớm.
Các bác hàng xóm giục giã, tôi chỉ biết nhỏ nhẹ: “Bác về trước đi, cháu cố thêm chút nữa...”, chứ không dám nói: “Mẹ chồng cháu không cho về sớm”. Từ một đứa mau mồm mau miệng, tính tình cũng hòa đồng vui vẻ, chỉ sau có 1 năm ở quê, tôi thành một con người khác hẳn, ra khỏi nhà đội nón trùm khăn kín mít, không muốn tiếp xúc, giao lưu với bất kỳ ai, ngay cả anh chị em họ...
Tôi vẫn không thể quên được những lời xúc phạm của mẹ chồng (Ảnh minh họa) |
Vốn chẳng háo ngọt nhưng vì nuôi con nhỏ nên nhiều khi đói. Nhà có rất nhiều bánh kẹo nhưng chỉ hôm nào tôi đi làm bà mới bỏ ra 1-2 cái, xong lại cất khóa tủ. Có hôm đói quá phải ăn vụng gói mỳ tôm. Khi ấy, thấy sao mà thảm hại! Có hôm bố chồng nhờ tôi mua thuốc, còn thừa hơn chục nghìn nhưng vì ông không có nhà nên định bụng để tối đưa ông. Tối ăn cơm xong chưa kịp đưa thì ông hỏi, tôi bảo: “Con quên chưa đưa bố”. Cũng khi ấy, một hình ảnh, không, một cảnh tượng mà dù có dùng thuốc tẩy não tôi cũng không thể nào quên được.
Bà đang nằm trên giường vội vàng bật dậy, nhìn tôi tra khảo: “Tiền thừa sao mày không đưa lại bố mày”, “mày định lấy luôn à”, “bao nhiêu lần đi chợ trước nay chắc thừa mày cũng cầm luôn”. Dĩ nhiên là tôi giải thích nhưng đó chỉ là nước đổ trên lá khoai môn vì bà chẳng thèm nghe.
Vừa phơi quần áo mà nước mắt giàn giụa. Nhưng mà bà vẫn không tha. Bà ra tận dây phơi chửi. Tôi vẫn khóc, ra sau nhà dọn dẹp. Bà vẫn chưa tha. Bà ra sau nhà chửi tiếp. Không chỉ chửi tôi, bà còn xúc phạm tới mẹ tôi, họ hàng nhà tôi ghê gớm. Một sự phản kháng mãnh liệt bùng lên.
Sau hôm đó, tôi xin phép ông bà lên Hà Nội làm việc. Từ hôm đó, tôi đã có cuộc sống thanh thản của riêng mình. Đôi lúc, tôi muốn quên đi những sân-si oán hận cho thanh thản nhưng thành thật mà nói, tất cả như những vết sẹo cứa sâu vào tim, theo thời gian có thể không còn giày vò đau đớn nhưng mỗi khi trái gió trở trời vẫn nhói lòng ghê gớm.
Ngọc Anh
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 20.