Pháp luật Việt Nam đưa tin, bệnh nhân Đ.V.S, 56 tuổi (địa chỉ xã Sập Xa, huyện Phù Yên) có tiền sử đái tháo đường, vào bệnh viện huyện thăm khám sau khi xuất hiện sốt nóng từng cơn kéo dài liên tục 5 ngày. Ông S được chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị trong thời gian hơn 1 tháng với chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle, sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La khi kết quả điều trị có tiến triển.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hết sốt nhưng mệt mỏi, ăn uống, ngủ kém, áp xe cơ cánh tay phải, được chẩn đoán nhiễm bệnh Whitmore/Viêm gan B/ Đái tháo đường type II.
Các bác sĩ tiếp tục điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, truyền kháng sinh kết hợp truyền dịch và điều trị đái tháo đường, thay băng vết thương hàng ngày.
Hiện chưa rõ người đàn ông mắc bệnh trong hoàn cảnh nào.
Whitmore còn gọi bệnh Melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Vi khuẩn gây bệnh sống trong đất. Đường lây nhiễm qua các vết trầy xước trên da tiếp xúc đất hoặc nước có vi khuẩn, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn.
Người có bệnh nền như đái tháo đường, suy thận, gan, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch nguy cơ cao mắc bệnh. Các triệu chứng thường xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn.
Bác sĩ khuyến cáo nếu phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường đất và nước, đặc biệt là môi trường ô nhiễm, mọi người nên mang găng tay, ủng không thấm nước. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đi làm ruộng, trước ăn. Thực hiện ăn chín, uống sôi; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
Người bệnh nếu có các vết loét ở ngoài da, sốt, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, đi lỏng nhiều lần cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời, theo VnExpress.
Phòng tránh vi khuẩn ăn thịt người
Vi khuẩn ăn thịt người xuất hiện nhiều ở các vùng nước bị ô nhiễm, chúng phát triển mạnh mẽ trong môi trường có độ ẩm cao, đặc biệt làVibrio vulnificus – nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm cân mạc hoại tử. Loài vi khuẩn này sống nhiều ở vùng nước biển ấm. Hầu hết, những người có sức khỏe tốt sẽ không bị viêm cân mạc hoại tử khi tiếp xúc với Vibrio vulnificus. Tuy nhiên, nhóm đối tượng dưới đây lại có nguy cơ bị nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus khi có vết xước hoặc vết cắt nhỏ, bị suy giảm hệ miễn dịch,…
Hiện y học vẫn chưa có vắc xin tiêm phòng vi khuẩn ăn thịt người hay bệnh viêm cân mạc hoại tử. Để phòng tránh bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, người dân nên áp dụng các biện pháp sau đây:
- Xử lý vết thương nhanh chóng: Khi bị thương hãy nhanh chóng xử lý vết thương bằng cách cầm máu, rửa sạch vết thương bằng vòi nước và thấm khô bằng khăn sạch.
- Luôn giữ cho vết thương sạch và khô ráo: Khi vết thương đã được cầm máu và rửa sạch, hãy băng vết thương bằng băng vô trùng như gạc y tế, băng dán cá nhân. Thay băng nếu vết thương bị ướt hoặc bẩn.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm hoặc gel rửa tay có chứa cồn. Việc rửa tay bằng xà phòng và nước ấm vẫn là cách để giữ bàn tay sạch hiệu quả nhất.
Nếu bạn có tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người hãy đến ngay cơ sở y tế để làm một số xét nghiệm, có thể bán sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Hãy rửa tay và chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc vùng đất hoặc nước bẩn.
- Hãy giữ cho làn da luôn khỏe mạnh, tránh những vấn đề gây tổn thương cho da như nấm da, chàm, khô, nứt nẻ,…
- Nếu bạn có các vấn đề như suy giảm hệ miễn dịch, suy gan, tiểu đường thì hãy hạn chế tiếp xúc với nước ở sông, biển, hồ, ao, hay vũng nước trên đường,..
- Nếu có vết thương hở nên tránh tiếp xúc với nước.
- Khi làm việc phải tiếp xúc với nước và bùn đất nên mang ủng và găng tay dài để bảo vệ da.
Thùy Dung (T/h)