+Aa-
    Zalo

    Sơn Dương (Tuyên Quang): Kịch bản “trúng thầu sát giá” liên tục diễn ra

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hiện tượng trúng thầu sát giá đang phổ biến ở nhiều địa phương tại tỉnh Tuyên Quang, trong đó có huyện Sơn Dương khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về những “nhóm lợi ích”

    Hiện tượng trúng thầu sát giá đang phổ biến ở nhiều địa phương tại tỉnh Tuyên Quang, trong đó có huyện Sơn Dương khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về sự minh bạch trong công tác đấu thầu.

    Một người ký nhiều quyết định “trúng thầu sát giá”

    Như đã thông tin, trước đó, báo Đời sống & Pháp luật đã có bài viết “Tuyên Quang: Doanh nghiệp ca điệp khúc “trúng thầu sát giá phản ánh về sự bất thường giữa giá trúng thầu và các doanh nghiệp quen mặt tại các gói thầu xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

    Tìm hiều của PV được biết, các gói thầu do Ban quản lý dự án huyện Sơn Dương làm chủ đầu tư hầu hết đều do doanh nghiệp trên địa bàn trúng thầu. Đáng lẽ, với ưu thế về nguồn vật liệu xây dựng, công nhân tại khu vực, hay những hiểu biết về vị trí địa lý … là một thế mạnh cho những nhà thầu này thể hiện tốt hơn ở giá trị tiết kiệm của những gói thầu. Thế nhưng, tại các gói thầu mà phóng viên có thông tin thì giá trị tiết kiệm lại ở mức “siêu thấp”.

    Cụ thể, ông Nguyễn Trung Tiến, Giám đốc ban quản lý dự án huyện Sơn Dương đã có nhiều quyết định phê duyệt nhà thầu khiến dư luận băn khoăn về tính minh bạch. Đáng chú ý, tại Quyết định số 489/QĐ-BQLDA, ngày 2/11/2018, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình: Khu dân cư thôn Phú Thọ I, xã Lâm Xuyên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang phê duyệt cho Công ty TNHH Tây Hồ (địa chỉ: Tổ dân phố Xây Dựng, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) trúng thầu với giá 1.038.633.000 đồng. Gói thầu trên có giá 1.042.765.000 đồng, tiết kiệm ở mức 4 triệu đồng.

    Một gói thầu được ông Nguyễn Trung Tiến, Giám đốc ban quản lý dự án huyện Sơn Dương phê duyệt

    Tiếp tục, ngày 7/11/2018, tại Quyết định số 494/QĐ-BQLDA phê duyệt cho Công ty TNHH Tây Hồ trúng gói thầu xây dựng công trình: Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương. Gói thầu này có giá 1.968.271.000 đồng, giá trúng thầu là 1.965.178.000 đồng, tiết kiệm ở mức 3 triệu đồng.

    Quyết định số 366/QĐ-BQLDA, ngày 31/7/2019 phê duyệt cho Công ty TNHH một thành viên thương mại và xây dựng Hưng Thịnh trúng thầu với giá 1.430.000.000 đồng. Gói thầu này có giá 1.431.713.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm chỉ đạt trên dưới 1 triệu đồng.

    Gói thầu càng lớn, tiết kiệm càng nhỏ

    Trong một diễn biến khác, theo thông tin mà phóng viên thu thập được, việc trúng thầu sát giá tại huyện Sơn Dương không chỉ xuất hiện ở những gói thầu có giá trị nhỏ mà ngay cả những gói thầu có giá trị lớn.

    Ngày 12/3/2019, tại Quyết định Số 111/QĐ-BQLDA, ông Tiến cũng là người đặt bút ký Quyết định phê duyệt cho Công ty TNHH Phùng Việt là đơn vị trúng gói thầu xây dựng công trình: Đường ĐH.21 đoạn từ UBND xã Đông Thọ đi thôn Đông Trai, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương (giai đoạn 2). Giá trị của gói thầu là 6.298.342.000 đồng, Công ty Phùng Việt trúng với giá 6.292.565.000 đồng, tiết kiệm chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng.

    Tại một gói thầu có giá trị 8 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên Tuấn Đạt cũng thể hiện được khả năng trúng thầu sát giá của mình. Gói thầu mà phóng viên muốn nhắc tới là gói thầu xây dựng công trình: Trường Mấm non Hoa Sen, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương (giai đoạn 1).

    Gói thầu trên được ông Nguyễn Trung Tiến ký phê duyệt tại Quyết định Số 532/QĐ-BQLDA ngày 5/12/2018 cho công ty Tuấn Đạt trúng thầu với mức giá 8.382.091.000 đồng, giá gói thầu là 8.376.938.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm chỉ 6 triệu đồng.

    Hiện tượng “trúng thầu giá sát” mà phóng viên phản ánh trong bài viết này cũng là biểu hiện sự “trên nóng dưới lạnh” bởi hiện nay, các đơn vị đã và đang thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 47/CT-TTg, ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều địa phương ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang lại đang phổ biến câu chuyện “trúng thầu sát giá”.

    Để có thông tin đa chiều, phóng viên báo Đời sống & Pháp luật đã liên hệ với ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, câu chuyện xảy ra ở Yên Sơn, Tuyên Quang không phải là hi hữu. Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ có những khuất tất như thế nào và kịp thời xử lý nghiêm, tránh dư luận xấu, ngăn chặn thất thoát ngân sách Nhà nước cũng như không để những gói thầu được phê duyệt dễ dàng, ảnh hưởng chất lượng công trình khi đi vào sử dụng.

    “Nguyên nhân của tình trạng này là bởi luật pháp chưa được thực hiện một cách nghiêm minh. Yếu tố con người cũng rất quan trọng, cần làm rõ có hay không sự móc nối giữa các nhà thầu và đơn vị mời thầu để cùng ăn chia hoa hồng”, ông Đào nói.

    PV sẽ tiếp tục thông tin trong thời gian tới.

    Trung Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/son-duong-tuyen-quang-kich-ban-trung-thau-sat-gia-lien-tuc-dien-ra-a301476.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan