+Aa-
    Zalo

    Sơn Dương, Tuyên Quang: Dùng đất rừng để xây trang trại trái phép quy mô lớn?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hơn 3000 m2 đất rừng sản xuất bị san gạt, giải phóng mặt bằng, thay vào đó là một trang trại trái phép quy mô lớn đang rầm rộ chuẩn bị đưa vào hoạt động.

    Đó là tình trạng đang xảy ra tại thôn Phú An, xã Tam Đa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, PV Báo Đời sống & Pháp luật nhận được thông tin, một chủ trang trại nuôi lợn tại thôn Phú An đã có hành vi san gạt gần 4000 m2 đất rừng sản xuất để xây dựng trang trại với quy mô lớn nhằm mục đích chăn nuôi gia súc.

    Nhận được thông tin trên, PV đã có mặt tại địa chỉ thôn Phú An, xã Tam Đa để xác minh, mục sở thị trang trại gia súc "tầm cỡ" này.

    Quy mô trang trại hàng nghìn mét vuông trên đất rừng đã chuẩn bị hoàn thành

    Tại đây, một phần quả đồi với diện tích hàng nghìn mét vuông đã bị chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, không thấy xuất hiện cây rừng sản xuất mà thay vào đó là nhiều dãy nhà kiên cố. Cột được đổ bê tông cốt thép, tường xây bằng gạch không nung, cột kèo được dựng bằng sắt , lợp mái tôn chắc chắn. Ước tính tổng diện tích đang xây dựng vào khoảng gần 2000 m2. Theo quan sát của phóng viên, công trình này được chia làm 4 dãy nhà dài, liền kề nhau và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào hoạt động. 

    Cùng với đó, trên diện tích đất rừng sản xuất bị "tàn phá", nguồn điện 3 pha cũng được đầu tư kéo từ bên ngoài vào trong khu vực xây dựng. Đường dây điện 3 pha to như cổ tay được chống đỡ bởi những cây gỗ mảnh khảnh chạy thẳng lên quả đồi mà chủ đầu tư đang xây dựng trái phép. Đường điện này được đấu nối sơ sài với một trụ điện 3 pha nhằm mục đích phục vụ công trình xây dựng trái phép trên.

    Đường điện 3 pha được kéo để phục vụ cho trang trại trái phép này được bảo quản vô cùng sơ sài

    Theo nhận định của nhiều người dân thôn Phú An, đường dây điện phục vụ công trình "khủng" này không thể do người dân hay chủ trang trại tự ý lắp đặt được bởi lẽ đây là đường điện 3 pha, muốn lắp đặt thì phải cần đến những người có kĩ thuật và có chuyên môn cao như nhân viên của ngành điện lực? Thắc mắc này của người dân, PV xin chuyển đến cho lãnh đạo điện lực huyện Sơn Dương kiểm tra, xác minh và có câu trả lời thỏa đáng với người dân

    Nguy hiểm hơn, trên diện tích đất rừng bị giải phóng trái phép đang xuất hiện nhiều vết nứt toác lớn, cùng với đó là hiện tượng sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở nhiều hơn nữa nếu có mưa. Điều này sẽ anh hưởng trực tiếp tới ruộng lúa, hoa màu của người dân và thậm chí còn ảnh hưởng tới tính mạng của họ nếu người dân đứng gần đó?

    Điều đáng lưu ý, chủ đầu tư xây dựng trang trại trái phép trên đất rừng là ông Nguyễn Đức Tiến (người địa phương) cũng có một trang trại nuôi lợn khác ngay trong khuôn viên đất ở của mình. Trang trại này nằm gần với phần đất có dấu hiệu xây dựng trái phép

    Ghi nhận của PV, trang trại nuôi lợn của ông Tiến có quy mô tầm cỡ, có khả năng chăn nuôi khoảng trên dưới 1000 con lợn. Chung quanh khu vực nuôi lợn, mùi hôi thối như mùi sú uế bốc lên, lan ra, bao chùm cả một vùng không gian rộng lớn. Có mặt tại đây, PV cũng không thể chịu được mùi hôi thối này xộc thẳng vào mũi.

    Cùng với đó, nguồn nước ở con mương gần đó có màu đen xì, nổi váng và cũng có hiện tượng bốc mùi nồng nặc, nghi vấn do trang trại lợn này xả thải trực tiếp ra môi trường. Nhiều người dân sống chung quanh trang trại gia súc của ông Tiến, trong đó có cả cán bộ thôn Phú An cũng cảm thấy khó chịu bởi mùi hôi thối bốc lên hàng ngày hàng giờ.

    Nhiều người đặt ra câu hỏi, không biết cán bộ chính quyền thôn Phú An và cán bộ chính quyền xã Tam Đa có “ngửi” thấy mùi sú uế nồng nặc, có nhìn thấy nguồn nước đen xì, bốc mùi hay không mà nhiều năm nay chưa có động thái kiểm tra, xử  lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm này?

    Chính quyền giao khoán đất rừng trái thẩm quyền gần 8000m2...? 

    Tiếp tục xác minh sự việc, PV được biết, ông Nguyễn Đức Tiến, chủ hộ có trang trại lợn "khủng" đã được chính quyền thôn Phú An, xã Tam Đa giao khoán toàn bộ lô đất trồng rừng 28 thửa với diện tích 7.977 mét vuông để quản lý sử dụng. Với mục đích ban đầu được thể hiện trong hợp đồng giao khoán đất rừng là để sản xuất đúng mục đích theo quy định của luật đất đai năm 2013.

    Hợp đồng này được ông Lê Xuân Nhàn, Trưởng thôn Phú An, bà Nguyễn Thị Châm, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Phú An, ông Nguyễn Công Xuân, Phó thôn Phú An cùng ông Nguyễn Văn Hạnh, đại diện các hộ dân trong thôn đồng loạt kí, đồng ý giao khoán đất trồng rừng cho ông Nguyễn Đức Tiến vào ngày 10/7/2017

    Được biết, hợp đồng giao khoán đất trồng rừng được lập do căn cứ vào biên bản giao đất của UBND xã Tam Đa cho thôn Phú An. Cụ thể, UBND xã Tam Đa giao cho thôn Phú An quản lý sử dụng diện tích 7.977 m2 gồm 28 thửa đất thuộc tờ bản đố số 52 tại xứ đồng Dộc Núi để sản xuất, trồng rừng. Nguồn thu từ sản phẩm trên đất được dùng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng của thôn kể từ ngày 21/6/2017.

    Trong biên bản bàn giao đất nếu rõ, thôn Phú An có trách nhiệm quản lý, sử dụng diện tích đất đúng mục đích theo quy định của Luật đất đai năm 2013. Trong quá trình sử dụng không làm thay đồi, biến dạng địa hình, đúng ranh giới…

    Ông Lê Xuân Nhàn (áo trắng) đưa PV đi thực tế tại trang trại nói trên

    Điều đáng nói ở chỗ, chỉ dựa vào biên bản bàn giao đất của UBND xã Tam Đa và biên bản họp thôn mà đại diện chính quyền Thôn Phú an đã giao đất cho ông Nguyễn Đức Tiến với thời hạn là 10 năm, tính từ ngày 24/6/2017 đến ngày 24/6/2027. Giá trị sản phẩm được thu ngay sau khi giao hợp đồng là 20 triệu đồng.

    Như vậy chỉ sau 3 ngày nhận được biên bản giao đất của UBND xã Tam Đa, chính quyền thôn Phú An đã nhanh chóng thống nhất giao lại gần 8000 m2 đất rừng cho ông Nguyễn Đức Tiến. Dư luận tỏ ra băn khoăn với số tiền 20 triệu đồng mà thôn Phú An thu được từ việc cho thuê gần 8000 m2 đất rừng có quá rẻ hay không khi ông Nguyễn Đức Tiến lợi dụng việc được giao đất trồng rừng để san gạt một phần diện tích đất làm trang trại trái phép.

    Hơn nữa, một câu hỏi được đặt ra rằng, liệu UBND xã Tam Đa, đứng đầu là ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã giao đất rừng cho thôn Phú An quản lý và sử dụng đã đúng thẩm quyền hay chưa? Khi chiếu theo quy định của pháp luật, UBND cấp huyện trở lên mới là cơ quan có đủ thẩm quyền ra quyết định bàn giao đất, cho thuê đất.

    Dù còn đang xây dựng ngổn ngang nhưng các hạng mục chính của trang trại trái phép này đã dần hình thành

    Chưa tính đến việc, chính quyền thôn Phú An sau khi được UBND xã Tam Đa giao đất lại tự ý cho cá nhân, hộ gia đình ông Nguyễn Đức Tiến thuê lại với thời hạn 10 năm, giá trị chỉ vẻn vẹn 20 triệu đồng? Trong khi đó, ông Tiến không những không trồng cây sản xuất mà đã tự ý dùng một phần diện tích đất rừng được chính quyền cấp trái thẩm quyền làm trang trại chăn nuôi gia súc. Có thể khẳng định, việc chính quyền thôn Phú An giao đất cho ông Nguyễn Đức Tiến là trái với thẩm quyền, trái với quy định của pháp luật về quản lý đất đai.

    Phải chăng trong chuyện này đang có sự cố ý làm ngơ, tiếp tay của chính quyền địa phương, để mặc hộ gia đình ông Nguyễn Đức Tiến “tự do” sử dụng đất sai mục đích nhằm vụ lợi cá nhân, kéo theo nhiều hệ lụy trong tương lai. 

    Trong một diễn biến khác, liên quan đến trang trại trái phép trên đất rừng ông Lê Xuân Nhàn trưởng thôn Phú An cho biết, ông không hề hay biết việc ông Nguyễn Đức Tiến tự ý san gạt đất rừng để làm trang trại. Chỉ khi phóng viên thông tin ông Nhàn mới nắm được sự việc trên.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những bài tiếp theo.

    Nhóm PV/Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/son-duong-tuyen-quang-dung-dat-rung-de-xay-trang-trai-trai-phep-quy-mo-lon-a270876.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan