+Aa-
    Zalo

    Vụ "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn: Trưởng thôn tố ngược hàng trăm công trình vi phạm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chỉ tính riêng thôn Lâm Trường đã có khoảng 300 hộ vi phạm xây nhà biệt thự trên đất rừng, trong đó có cả những hộ xây nhà nghỉ, khách sạn.

    Chỉ tính riêng thôn Lâm Trường đã có khoảng 300 hộ vi phạm xây nhà biệt thự trên đất rừng, trong đó có cả những hộ xây nhà nghỉ, khách sạn.

    Có tên trong danh sách 18 công trình vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ thuộc diện bị cưỡng chế nhưng ông Ngô Văn Cam, Trưởng thôn Lâm Trường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho rằng, vi phạm của gia đình mình chỉ là rất nhỏ, trong khi hàng trăm công trình đồ sộ, hoành tráng khác không hề được chính quyền nhắc tới.

    Sau 4 tháng, lệnh cưỡng chế chưa được thực thi

    Quay trở lại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn những ngày cuối tháng 2, nơi được xác định có 18 công trình vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ thuộc diện phải cưỡng chế, PV Báo Giao thông ghi nhận, tình hình chưa có gì chuyển biến. Toàn bộ 18 công trình này đều nằm tại thôn Lâm Trường. Đặc biệt, chính ông Ngô Văn Cam, Trưởng thôn Lâm Trường cũng có tên trong danh sách này, với diện tích xây dựng khoảng 300m2.

    1 trong số 18 công trình nằm trong diện cưỡng chế thực hiện tự tháo dỡ, nhưng phần tháo dỡ cũng chỉ là cho có

    Ngoài trường hợp của ông Cam và một người khác tại địa phương, 16 công trình vi phạm còn lại thuộc các hộ gia đình từ nơi khác đến mua bán, chuyển nhượng. Các hộ này đều sở hữu và có sổ lâm bạ, hoặc có hợp đồng chuyển nhượng được xã xác nhận với diện tích từ 1.000- 3.500m2, trong hợp đồng có đất thổ cư... Toàn bộ các công trình này nằm ở các lô thuộc khoảnh 11 và khoảnh 12, thôn Lâm Trường.

    Đầu tháng 11/2018, UBND huyện Sóc Sơn đã lên kế hoạch, yêu cầu 18 hộ này phải tự tháo dỡ, nếu không huyện sẽ tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV, đến nay, sau gần 4 tháng, chỉ có một số rất ít hộ tự thực hiện và chính quyền cũng chưa có bất cứ động thái nào cho thấy sẽ cưỡng chế phá dỡ.

    Bà Nguyễn Thị Tuyết, 1 trong 18 hộ gia đình có tên trong danh sách cho biết: “Gia đình tôi mua đất tại đây từ năm 2003, quá trình từ đó đến nay đã xây dựng nhà để ở. Tuy nhiên, chúng tôi xây thấp chứ không vượt quá tán rừng. Điều vô lý là có nhiều nhà xây biệt thự đồ sộ, kiên cố trên đất rừng, mới xây gần đây nhưng lại không bị đưa vào danh sách. 18 hộ gia đình chúng tôi cũng nhiều lần họp với ngành chức năng. Chúng tôi có hỏi sao lại không làm đồng loạt tất cả thì họ trả lời cứ tạm thời xử lý 18 hộ đã. Được biết, thành phố đã có kết luận của thanh tra, chúng tôi mong kết luận này phải có sự công bằng”.

    Từ lời bà Tuyết, PV lần theo con đường bê tông dẫn vào các khu thuộc thôn Lâm Trường và ghi nhận, 18 công trình của các hộ gia đình vi phạm nằm rải rác, ngắt quãng khắp địa bàn thôn. Xen lẫn vào các vị trí này là hàng trăm công trình biệt thự, nhà cao tầng xây dựng kiên cố với diện tích rất lớn. Thậm chí, có những biệt thự, công trình được xây dựng sâu trong đất rừng, sát với TL135.

    Có khuất tất?

    Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Cam, Trưởng thôn Lâm Trường cho rằng, 18 hộ có trong danh sách cưỡng chế chủ yếu xây dựng nhà dưới tán rừng, mục đích chủ yếu là trồng cây ăn quả hoặc cây sim, cây thông, cây mua… “Theo luật hiện hành không được xây dựng vượt quá 400m2 trên một thửa đất. Vừa qua, tôi cũng đã vận động và mọi người đã tự nguyện tháo bỏ phần cơi nới”, ông Cam thông tin. Trong khi đó, theo khảo sát của PV, việc tự tháo dỡ cũng chỉ gọi là “cho có” với diện tích rất nhỏ.

    Theo ông Cam, chỉ tính riêng thôn Lâm Trường đã có khoảng 300 hộ vi phạm xây nhà biệt thự trên đất rừng, trong đó có cả những hộ xây nhà nghỉ, khách sạn. “Tôi đã đại diện cho 18 hộ đang sinh sống tại thôn Lâm Trường, hộ ít nhất là 15 năm và hộ sống nhiều nhất 35 năm ở đây có đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ và ngành chức năng của thành phố. Tại sao có hàng trăm hộ trong thôn, hàng nghìn hộ đang ở sâu trong rừng, xây nhà kiên cố, nhà hàng, nhà nghỉ không hề có giấy phép xây dựng lại không được đưa vào danh sách cưỡng chế? Trong khi chúng tôi đã ở đây từ lâu, mọi thứ giấy tờ đều có đầy đủ?”, ông Cam thắc mắc.

    Kể lại quá khứ, ông Cam cho biết: “Phần lớn diện tích đất đai trong thôn hiện nay là do tôi khai hoang, cày xới từ trước năm 1990. Đến năm 2002- 2004 thì 18 hộ dân trong danh sách kể trên mới lần lượt đến ở và do chính tôi giao lại. Mục đích của họ chủ yếu là trồng rừng, bảo tồn những giống cây quý. Tôi cho rằng những người lập danh sách đã lập sai, vì đây đều là những hộ xây dựng dưới tán rừng. Còn hàng trăm hộ xây trên đất rừng, sâu trong rừng thì lại không hề hấn gì, chắc chắn có điều khuất tất”.

    Đem những thông tin mà ông Cam cung cấp lên làm việc với chính quyền xã Minh Phú, PV vẫn chưa nhận được câu trả lời và được hẹn “sang tuần sẽ làm việc”.

    Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, đối với 18 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nhà trên đất rừng đặc dụng trên địa bàn xã Minh Phú, UBND huyện đang đợi dự thảo kết luận thanh tra. Còn thông tin ông Trưởng thôn Ngô Văn Cam cung cấp về việc có hàng trăm hộ khác cũng vi phạm xây biệt thự trên đất rừng nhưng lại không được đưa vào danh sách cưỡng chế, ông Tuấn cho biết “sẽ trả lời sau”.

    Nguồn: Báo giao thông

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-xe-thit-dat-rung-soc-son-truong-thon-to-nguoc-hang-tram-cong-trinh-vi-pham-a264375.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan