(ĐSPL) - Một người đàn ông Mỹ 70 tuổi đã sống hơn nửa số năm cuộc đời sau song sắt của nhà tù Bắc Carolina vì bị buộc tội giết người, không phải do ông gây ra. Con đường đi tìm sự thật đầy gian nan của người đàn ông này cuối cùng đã có kết quả là được trả tự do vào ngày thứ Sáu 23/1 vừa qua theo giờ Mỹ, sau khi trải qua 37 năm sống cảnh ngục tù...
Sự kỳ diệu đến từ xét nghiệm ADN
Joseph Sledge, người đã bị kết án oan vào năm 1978, nói rằng, ông cảm thấy rất tuyệt vời khi được tự do. Nụ cười hiện lên trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của người đàn ông 70 tuổi.
Ông Sledge ra tù với 2 túi nilon đồ đạc. |
Sledge đã được minh oan bởi một hội đồng gồm ba thẩm phán. Những vị quan tòa này đã kết luận dựa trên bằng chứng về ADN từ các nạn nhân. Các thẩm phán xác định bằng chứng loại trừ Sledge ra khỏi danh sách nghi phạm và một nhân chứng đã thay đổi lời khai, người này trước đây đã khẳng định, Sledge chính là thủ phạm của vụ án.
Trở lại quá khứ, Josephine Davis và cô con gái Aileen Davis được phát hiện đã chết bên trong nhà của họ ở Elizabethtown, Bắc Carolina (Mỹ) vào tháng 9/1976. Những người phụ nữ đã bị đánh đập và bị đâm nhiều lần, Aileen Davis đã bị tấn công tình dục.
Những ngày trước khi thi thể của họ được phát hiện, Sledge đã trốn thoát khỏi nhà tù White Lake Camp, nơi cách nhà các nạn nhân khoảng 4 dặm (tương đương khoảng 6,5km). Sledge lúc đó đang thụ án bốn năm vì tội ăn cắp.
Sledge bị bắt khi đang chạy trốn ở Dillon, Nam Carolina, lái một chiếc xe đánh cắp. Ngay lập tức Sledge bị bắt và bị đưa trở lại Bắc Carolina và bị buộc tội với hai tội danh giết người cấp độ 1 trong cái chết của hai mẹ con Davis.
Tại phiên tòa, công tố viên đưa ra bằng chứng pháp y kết tội Sledge giết người. Hai tù nhân cũng làm chứng chống lại Sledge nói rằng, ông đã thừa nhận tội ác đằng sau song sắt. Ông bị kết án với bản án tù chung thân. Trong suốt hơn ba thập kỷ Sledge ở trong tù, ông duy trì kêu oan, nộp nhiều đơn thư tới các ban ngành khác nhau nhưng tất cả đều bị từ chối.
Khả năng được tự do của ông từng được xem là bằng 0 vì chứng cớ đã bị mất trong nhiều năm qua. Luật sư của ông, Christine Mumma, đảm nhận vụ này vào năm 2004 và có cảm giác như cô ấy đã kiếm tìm mọi hình thức gỡ tội nhưng vô vọng, Christine đã muốn dừng công việc của mình trong năm 2012. Tuy nhiên sau đó, cô đã phát hiện ra một phong bì chứa bằng chứng của vụ việc đã chưa được xem xét đến. Đó là phong bì chứa tóc được cho là của kẻ tấn công, được tìm thấy trên các nạn nhân. Bằng chứng này là một phần quan trọng chưa được xét nghiệm vì vào năm 1987 khi Sledge bị kết tội, phương pháp xét nghiệm ADN chưa có.
“Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về việc tôi sẽ được tự do”
Sau nỗ lực kêu oan của Sledge, một yêu cầu xét nghiệm ADN của ông được chấp nhận. Ủy ban Điều tra án oan Bắc Carolina đã vào cuộc điều tra trường hợp của Sledge. Ủy ban này là một cơ quan Nhà nước được thành lập vào năm 2006, nhằm điều tra và đánh giá các yêu cầu xác minh án oan sau xét xử. Ủy ban gồm tám thành viên. Ủy ban này sau khi điều tra đã đưa ra kết luận về “bằng chứng đầy đủ về sự vô tội của Sledge”. Các thẩm phán xem tập tài liệu điều tra của Ủy ban và chuyên gia ADN khẳng định, những bằng chứng thu thập được từ hiện trường, gồm có tóc và dấu vân tay, không phải của Sledge.
Một yếu tố mấu chốt khác là việc thay đổi lời khai của Herman Baker, một tù nhân trước đây đã ký bản khai khẳng định, Sledge là hung thủ. Baker cho biết, anh nói dối tại phiên tòa năm 1978 sau khi nhận được lời hứa sẽ được khoan hồng trong bản án của mình. Nhân chứng này nói rằng, ông đã được các điều tra viên dạy cho cần phải nói gì. Phát biểu với các phóng viên bên ngoài nhà tù Columbus County, Sledge chia sẻ: “Khi bạn có ý thức về một cái gì đó bạn không làm, bạn có thể sống với chính mình”.
Tuy nhiên, gia đình của Josephine và Aileen Davis lại có một cảm xúc khác, Catherine Brown, cháu gái của Josephine Davis đọc từ một tuyên bố đã chuẩn bị trước cho biết: “Chúng tôi, gia đình nạn nhân, đang đau khổ bởi quyết định này. Chúng tôi thấy sốc vì cái chết của người thân trở thành một bí ẩn chưa được giải quyết”.
Sledge, người đã bị giam giữ 37 năm vì một quyết định oan sai, nói với gia đình Davis: “Tôi rất xin lỗi vì sự mất mát của các bạn. Tôi hy vọng, các bạn có thể kết thúc chuyện này”. Sau khi được trả tự do, Sledge lên đường đến Savannah, bang Georgia, sống với gia đình. Ông nói với phóng viên rằng, ông chưa bao giờ nghi ngờ về việc sẽ được tự do, mặc dù đã sống hơn nửa số năm cuộc đời ở trong tù. “Tôi có niềm tin vào chính mình. Ý chí và sự kiên nhẫn sẽ làm nên tất cả”, Sledge nói.
Các vụ án oan chấn động thế giới Năm 2014, Ricky Jackson được trả tự do, ông là một tù nhân người Mỹ đã phải thi hành án chung thân và trải qua 39 năm sống trong nhà giam với tội ác mà ông không hề thực hiện. Người đàn ông 57 tuổi này đã lập kỷ lục về thời gian ở tù theo phán quyết oan uổng. Luận cứ chính trong thời gian xét xử là lời khai của một nhân chứng 13 tuổi. Nhiều năm sau, người này thú nhận rằng, thực ra anh ta đã nói dối vì bị “mớm cung” và chẳng nhìn thấy gì vào thời điểm xảy ra tội ác. Việc cảnh sát cài đặt bằng chứng và dàn dựng nghi phạm tưởng như chỉ tồn tại trong phim nhưng thật không may điều đó lại xảy ra với Arthur Allan Thomas. Năm 1971, Thomas bị kết tội vì hai vụ án mạng mà ông không gây ra, liên quan đến hai người tên là Jeanette và Harvey Crewe bị giết tại nhà của họ ở Waikato, New Zealand. Sau đó, sự thật được phanh phui là cảnh sát đã vứt vỏ đạn từ khẩu súng của Thomas vào vườn của cặp vợ chồng nói trên. Trường hợp khác của Donald Marshall, Jr. một người ở Canada, bị kết tội giết người ở tuổi 17 và lĩnh án chung thân. Marshall được ra tù vào năm 1990, 11 năm sau khi ngồi tù, vì một nhân chứng khác lộ diện khai rằng ai đó khác đã đâm chết Seale. |