+Aa-
    Zalo

    Số phận ngôi làng tái định cư: Không còn chuyện cơm có màu xanh nhạt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trước đây, dân trong làng Ia Bia dùng nước giếng khoan để nấu cơm, cơm sẽ có màu xanh dương nhạt, còn nếu dùng để tắm thì bị ngứa da và tóc bị khô. Giờ không còn như vậy.

    Trước đây, dân trong làng Ia Bia dùng nước giếng khoan để nấu cơm, cơm sẽ có màu xanh dương nhạt, còn nếu dùng để tắm thì bị ngứa da và tóc bị khô. Giờ không còn như vậy nữa.

    Làng Ia Bia, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, thuộc Dự án tái định canh, định cư Kênh Chông được huyện Chư Pưh triển khai từ năm 2008, với mục đích đưa 98 hộ dân tộc thiểu số Jarai từ trong rừng sâu về sinh sống.

    Thế nhưng đến tháng 11/2017 sau gần 10 năm, người dân làng tái định cư này vẫn không có nước sinh hoạt và đất sản xuất.

    Năm 2008, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai có Dự án tái định canh, định cư Kênh Chông, vận động 98 hộ dân với gần 500 nhân khẩu người dân tộc thiểu số Jarai về sinh sống tại làng Ia Bia, xã Ia Le. Về nơi ở mới, mỗi hộ dân được nhận một căn nhà xây kiên cố; 1,5 sào đất vườn cùng 1 ha đất rẫy. Bên cạnh đó, hệ thống điện, đường, trường học khang trang cũng được xây dựng với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Dự án tái định canh, định cư này được kỳ vọng sẽ giúp người dân ổn định cuộc sống, chấm dứt tình trạng du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy.

    Ngôi làng có nước nhiễm phèn. Ảnh: Báo Gia Lai

    Tuy nhiên, sau khi chuyển về nơi ở mới, người dân làng Ia Bia phát hiện nguồn nước ở làng bị nhiễm phèn và vôi. Nguồn nước này khi dùng để nấu cơm, cơm sẽ có màu xanh dương nhạt, còn nếu dùng để tắm thì bị ngứa da và tóc bị khô. Ông Rơ Mah Chik, Thôn trưởng làng Ia Bia cho biết, sau khi sử dụng nguồn nước giếng trong làng làm nước uống một thời gian, vợ chồng ông cũng như nhiều người khác trong làng đều bị sỏi thận. Hiện nay, người dân trong làng phải đi lấy nước để nấu ăn ở các làng Puối A, Puối B cách làng Ia Bia hơn 2 km, còn nước tắm người dân đành phải sử dụng nước giếng ở làng dù vẫn bị ngứa.

    Ngoài khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, người dân làng Ia Bia còn thiếu đất sản xuất. Sau khi về làng mới từ năm 2008, mỗi hộ đã được cấp một sổ đỏ với 1 ha đất rẫy, song thực tế toàn bộ số đất này đều đã bị người dân các xã Ia Le, Ia Blứ thuộc huyện Chư Pưh sử dụng, canh tác từ nhiều năm trước đó. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, yêu cầu người dân hai xã trên trả lại đất cho dân làng Ia Bia, nhưng đến nay vẫn không nhận được sự đồng thuận của người dân hai xã Ia Le và Ia Blứ. Trong khi đó, 1,5 sào đất vườn mà mỗi hộ ở làng Ia Bia được cấp cùng căn nhà lại chủ yếu là đất pha cát, nghèo dinh dưỡng, rất khó để canh tác hiệu quả.

    Nắm bắt được tình hình trên, đầu năm 2018, chính quyền xã Ia Le, huyện Chư Pưh đã phối hợp cùng các thôn giúp ổn định về đất sản xuất cho bà con, các cấp chính quyền đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và hướng dẫn kĩ thuật canh tác, chăm sóc… cho người dân khu tái định cư.

    Không chỉ cấp đất, hỗ trợ kĩ thuật tiên tiến vào tháng 9 vừa qua đường nông thôn tại làng tái định cư Ia Bia cũng đã được làm mới. Hay vào giữa tháng 11, hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung tại làng tái định cư Ia Bia cũng đã được đưa vào sử dụng, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước và cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh cho các hộ dân nơi đây.

    Chị Nay H’len (người dân làng Ia Bia) cho biết, chị và bà con nơi đây rất vui mừng và phấn khởi khi được nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ.

    Vì vậy, nhờ được cung cấp nước sạch, người dân không phải dùng nước nhiễm phèn. Cơm nấu lên đã không còn màu xanh dương nữa.

    Uyển Mỹ (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-phan-ngoi-lang-tai-dinh-cu-khong-con-chuyen-com-co-mau-xanh-nhat-a254134.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan