+Aa-
    Zalo

    Số phận gian nan của đường ống nước Sông Đà

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong vòng 3 năm kể từ đầu năm 2012 cho đến nay, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ 13 lần. Theo các nhà chức trách, số lần vỡ đường ống nước sẽ không dừng lại.

    (ĐSPL) - Trong vòng 3 năm kể từ đầu năm 2012 cho đến thời điểm này, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ 13 lần. Theo các nhà chức trách, số lần vỡ đường ống nước không chỉ dừng lại ở con số 13?

    3 năm 13 lần vỡ ống nước

    Đường ống nước sạch sông Đà bị vỡ lần đầu tiên vào ngày 4/2/2012, tại Km10+300 trên đại lộ Thăng Long. Trong vòng hơn 3 năm qua, đường ống nước sông Đà đã vỡ 13 lần.

    Năm ngoái (2014) là năm có số lần vỡ ống nước sông Đà nhiều nhất với ít nhất 5 vụ. Thậm chí, có những lần vỡ ống chỉ cách lần trước đó 2 ngày.

    Trong vòng 3 năm, 13 lần đường ống nước Sông Đà bị vỡ mà vẫn chưa được khắc phục triệt để.

    Ngày 24/7 vừa qua, đường ống dẫn nước sông Đà lại gặ sự cố tại  Km 22 + 600 địa phận thuộc huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Tốn – TGĐ Công ty nước sạch Vinaconex cho rằng sự cố này là “rò rỉ nước chứ không phải vỡ”.

    Sự “rò rỉ nước chứ không phải vỡ này” lại tiếp tục lần thứ 13 vào khoảng 3h sáng ngày 13/8, đường ống dẫn nước sông Đà lại bị vỡ tại km28 đoạn qua địa phận huyện Thạch Thất (Hà Nội).

    Hàng ngàn hộ dân trên địa bàn Hà Nội đang khốn đốn vì nước sạch.

    Nguyên nhân là gì?

    Sau một số lần vỡ đường ống nước sạch sông Đà đầu tiên, đại diện Vinaconex trả lời báo chí đổ lỗi cho khách quan là đất nền móng yếu, gây ra nứt vỡ đường ống.

    Phát biểu tại cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội ngày 6/5/2014, ông Hoàng Thế Trung từng là Giám đốc Ban quản lý dự án đường ống nước sạch sông Đà vẫn khẳng định, dù đã nhiều lần xảy ra vỡ đường ống nhưng lựa chọn ống thủy tinh làm ống dẫn nước sạch sông Đà vẫn là… quyết định đúng. Trước khi quyết định dùng ống sợi thủy tinh, Vinaconex đã cử đoàn sang tận Tây Ban Nha để khảo sát, học hỏi kinh nghiệm về áp dụng.

    Tuy nhiên, theo Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đã công bố kết luận của cuộc kiểm tra toàn bộ tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà chỉ ra rằng nguyên nhân thực sự là chất lượng ống sợi thủy tinh kém và thi công ẩu. Ống cốt sợi thủy tinh tại nhiều vị trí bị bong rộp, tách lớp, khả năng chịu lực không đảm bảo, thiếu nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, thi công lắp đặt đường ống.

    Kết luận của Cục giám định cũng chỉ ra, nghiêm trọng nhất là việc chọn loại ống cốt sợi thủy tinh để làm đường ống dẫn nước này.

    Các nhà chức trạch cho rằng, đường ống nước có thể tiếp tục bị vỡ...

    Ngày 29/7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Cục Cảnh sát kinh tế (C46), Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án để điều tra về các sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà liên tục xảy ra. Sau nhiều lần vỡ đường ống nước, Bộ Xây dựng đã có văn bản kết luận nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến ống truyền tải nước sông Đà là do chất lượng ống không đồng đều, đường ống được làm bằng vật liệu composite, không chịu được lực uốn và biến dạng.

    Ngày 14-7, Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can 7 cán bộ thuộc công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex, Ban quản lý dự án cấp nước sông Đà, cùng một số đơn vị liên quan về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Bảy bị can này có trách nhiệm trực tiếp trong việc đường ống dẫn nước sạch sông Đà liên tiếp bị vỡ trong thời gian qua.

    Mặc dù những người có trách nhiệm liên quan đã bị khởi tố, tuy nhiên, hậu quả của việc làm ăn tắc trách trong các dự án đầu tư vẫn gây ảnh hưởng đến đời sống người dân Hà Nội - cụ thể là liên tiếp phải sống trong cảnh mất nước sinh hoạt do vỡ đường ống dẫn nước.

    Theo số liệu của các cơ quan chức năng cung cấp, việc đường ống nước sạch sông Đà liên tục gặp sự cố trong nhiều năm qua đã gây thất thoát gần 1,3 triệu mét khối nước, mất hơn 9,3 tỉ đồng để khắc phục sửa chữa.

    Trách nhiệm thuộc về ai?

    Sau sự cố vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13, tính đến thời điểm này, sau gần 10 ngày mất nước, sự cố vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhiều hộ dân vẫn đang sống trong cảnh nước nhỏ giọt.

    Nhiều khu vực khan hiếm nước đến mức những hộ dân như phường Phương Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội) phải chung nhau mua nước từ các xe chở đường với giá cắt cổ.

    Ông Trương Quốc Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco).

    Theo ghi nhận, khi vực các hộ dân ở ngõ 394/16, đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được cho là nơi mất nước dài ngày nhất. Tính đến thời điểm này, đã gần 1 tháng hàng trăm hộ dân khu vực này vẫn chưa có nước sạch.

    Tiếp đến, là hơn 100 hộ dân sinh sống tại Khu tập thể Ban Cơ yếu Chính phủ (Đống Đa, Hà Nội) cho đến hôm nay đã phải trải qua khoảng 10 ngày sống cảnh thiếu nước sạch nghiêm trọng; nhiều gia đình phải sơ tán trẻ em đi đến nhà người thân “lánh nạn”.

    Trước thực trạng đó, chiều 19/8, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức buổi hợp báo thông tin về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội với sự tham gia của các công ty cung cấp nước sạch, công ty quản lý, vận hành đường ống dẫn nước sông Đà. Tuy nhiên, mọi câu hỏi vẫn chưa thực sự thỏa mãn.

    Trước câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan khi để tình trạng mất nước kéo dài và có bồi thường nào cho người dân bị mất nước hay không, lãnh đạo các cơ quan liên quan đều không đưa ra được câu trả lời, đặc biệt là phía ông Trương Quốc Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco) – đơn vị xây dựng, vận hành và quản lý đường ống dẫn nước sông Đà.

    [mecloud]vZzPJHruaU[/mecloud]

    Ngoài ra, trong câu hỏi chất vấn về khả năng đường ống nước sông Đà liệu có tiếp tục vỡ, ông Dương cho hay: “Khả năng vỡ trong thời gian sắp tới là có thể xảy ra, nếu xảy ra chúng tôi sẽ cố găng khắc phục nhanh nhất”.

    Kết thúc buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: “Sự cố vỡ đường ống nước sông Đà đã diễn ra rất nhiều lần, và đây chắc cũng sẽ không phải là lần cuối cùng. Đề nghị các cơ quan báo chí thông tin định hướng để người dân hiểu và nắm rõ về sự cố mất nước này".

    HƯƠNG DƯƠNG

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-phan-gian-nan-cua-duong-ong-nuoc-song-da-a107009.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.