Năm 2021 là năm đầu tiên, giữ vai trò động lực trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Tỉnh Thái Bình được dự báo tiếp tục có những thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức mới. Hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, phát triển; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với tỉnh Thái Bình, kinh tế tăng trưởng chậm lại, cùng với tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến nguy cơ khủng hoảng và suy thoái. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tạo điều kiện để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thành phố Thái Bình |
Trung tâm xúc tiến và Tư vấn đầu tư tỉnh Thái Bình chủ trương phát huy nội lực, chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân. Cùng với đó là hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn vừa tạo ra nhiều cơ hội mới, vừa đặt ra nhiều thách thức do sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Trong tỉnh, tình hình chính trị - xã hội tiếp tục ổn định; những dự án lớn được hoàn thành, phát huy hiệu quả; Khu Kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp Thaco - Thái Bình được triển khai xây dựng mở ra cơ hội mới, tạo động lực quan trọng và sẽ góp phần cải thiện đáng kể năng lực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong tỉnh. Song, kinh tế của tỉnh phát triển chưa vững chắc, quy mô còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ, hiện đại; nguồn thu ngân sách hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; việc làm và những vấn đề xã hội cần được tiếp tục quan tâm giải quyết.
Tiếp tục đổi mới cơ cấu nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở chủ động tham gia cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - công nghệ, quản trị hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Thúc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch nội ngành theo hướng tăng nhanh hơn tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới. Tập trung phát triển sản phẩm dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề, sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao; nâng cao sự đóng góp của khoa học và công nghệ vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh.
Nhiệm vụ cụ thể từng ngành phải thường xuyên rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách thực chất cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn sau đại dịch Covid-19 theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, giúp các doanh nghiệp ổn định và tăng cường năng lực sản xuất; tăng cường phối hợp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án đầu tư lớn, trọng điểm để dự án sớm đi vào hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong đó chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để sớm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Tập đoàn Dầu khí quốc gia làm chủ đầu tư).
Tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hợp tác phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước. Khẩn trương hoàn thành xây dựng quy hoạch các khu chức năng, quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình, đặc biệt là các khu chức năng đã được tỉnh lựa chọn thí điểm triển khai thực hiện. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp để tập trung quỹ đất cho phát triển Khu kinh tế, Khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp.
Tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp Liên Hà Thái, Khu Công nghiệp Hải Long và các khu chức năng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu; phấn đấu thu hút được ngay một số nhà đầu tư lớn khởi công xây dựng dự án thứ cấp. Tập trung xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông kết nối trục giao thông đối ngoại và các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ... trong Khu kinh tế. Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh các ngành có công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và thân thiện với môi trường. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu, năng lực thực sự, bảo đảm sử dụng hiệu quả quỹ đất. Chú trọng phát triển nuôi thủy sản bền vững, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và chủ quyền, an ninh biên giới biển.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, mang tính động lực liên vùng, có tác động quan trọng đến sự phát triển của tỉnh, như: Tuyến đường bộ ven biển, đường nối Khu kinh tế Thái Bình với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Thaco - Thái Bình tại huyện Quỳnh Phụ và một số tuyến đường giao thông liên vùng, liên huyện trọng điểm, tạo động lực thu hút đầu tư vào Khu kinh tế của tỉnh tỉnh. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước, đặc biệt là thành phố Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam trên cơ sở phát triển hạ tầng giao thông kết nối, gắn với hình thành các hành lang phát triển kinh tế theo các tuyến đường giao thông liên vùng.
Minh Huyền, Vân Anh