Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội khẳng định, chắc chắn phải cần khoảng thời gian một tuần mới có thể công bố điểm chuẩn thi vào lớp 10 và “không nên vội vàng”.
PV: Thưa ông vì sao kết quả thi vào lớp 10, dữ liệu đã có hết rồi mà Sở vẫn cần một tuần mới có thể công bố điểm chuẩn vào các trường công lập?
Ông Phạm Quốc Toản: Sau khi có kết quả, Sở phải rà soát để ghép dữ liệu với thông tin học sinh. Điểm công bố mới là dữ liệu ghép phách thôi, số báo danh và điểm. Bây giờ phải ghép thêm các thông tin dữ liệu khác của học sinh, thông tin ở THCS, và đặc biệt là thông tin về nguyện vọng của học sinh, rà soát, đối chiếu, xong phải in ra toàn bộ. Cả thành phố có 95 nghìn học sinh thì phải có một khối lượng thời gian để in ra toàn bộ. Nhưng không phải in như thế rồi chuyển cho các trường được, phải có sự phê duyệt của lãnh đạo Sở, ký đóng dấu. Riêng cái đấy phải mất đến ba ngày cho công tác in ấn.
PV: Điểm mấu chốt nhất khiến Sở không thể đẩy nhanh tiến độ công bố điểm chuẩn là gì?
Ông Phạm Quốc Toản: Tôi thấy không có gì là vướng mắc cả, bởi nó theo đúng tiến trình, thời gian của từng bộ phận, từng công đoạn. Chắc chắn phải có thời gian như thế mới đủ, thời gian để kiểm soát dữ liệu một cách thật chắc chắn, không nên vội vàng.
Như TP Hồ Chí Minh đấy, còn chậm hơn Hà Nội rất nhiều, thi từ đầu tháng 6, thi sớm hơn, kết quả cũng có rất sớm, nhưng điểm chuẩn vẫn chưa có.
PV: Có một thực tế là một số trường dân lập yêu cầu nộp hồ sơ trước ngày công bố điểm chuẩn và đóng một số khoản tiền, nếu sau đó rút hồ sơ thì phải mất nhiều triệu đồng đã đóng và không trả lại, Phụ huynh vì lo lắng nên vẫn phải nộp. Ông có ý kiến gì về tình trạng này?
Ông Phạm Quốc Toản: Thông tin như thế thì cũng phải xác minh thêm. Công lập hay ngoài công lập thì đều bình đẳng như nhau, học sinh có quyền lựa chọn.
PV: Như vậy có phải là họ đang lợi dụng sự chậm trễ công bố điểm chuẩn và sự lo lắng của phụ huynh, học sinh để ép về thời gian và tiền bạc, gây thêm hoang mang?
Ông Phạm Quốc Toản: Cũng không hẳn vì họ đã là phụ huynh của trường đâu mà bảo ép được? Nhập học rồi thì mới là phụ huynh của trường thì mới ép được chứ?
PV: Nếu đặt mình ở vị trí phụ huynh khi đang đứng trước tình thế chấp chới, ông sẽ phải tìm phương án dự phòng ở các trường ngoài công lập. Nếu không nộp hồ sơ sớm thì sẽ rủi ro nên thà chấp nhận nộp sớm và mất tiền sau này nếu con đủ điểm chuẩn vào công lập. Đó chính là sự o ép và tận thu, có trường thu đến 6 triệu đồng. Quan điểm của ông thế nào?
Ông Phạm Quốc Toản: Tôi cũng chưa hình dung ra.
PV: Là những cán bộ quản lý của Sở GD-ĐT, các ông không thể nói là không biết những gì đang diễn ra tại các trường ngoài công lập trong mùa tuyển sinh năm nay?
Ông Phạm Quốc Toản: Nếu có bọn tôi sẽ quan tâm nghiên cứu xem nó là hiện tượng gì, còn thực ra tôi cũng chưa hình dung ra là họ o ép như thế nào vì chưa phải là phụ huynh của họ mà họ ép được thì cũng tài. Tôi cũng chưa hình dung ra được để nhận định một nội dung như thế. Nó phải có một cái gì mà rõ, thực tiễn, mắt thấy tai nghe.
PV: Tôi có thể cung cấp cho ông thông báo của Trường Lương Thế Vinh được niêm yết công khai trên trang web của trường và nhiều phụ huynh đã đi hộp hồ sơ cho con. Trường nói rõ nếu con đã nộp hồ sơ mà không học thì khoản tiền hơn 6 triệu đồng đó sẽ được đưa vào Quỹ Khuyến học?
Ông Phạm Quốc Toản: Có đưa ra cũng chả giải quyết được gì, phụ huynh họ nộp đấy là người ta tự nguyện đấy chứ.
PV: Nếu có điểm chuẩn và biết con mình chắc chắn không đỗ trường khác rồi, thì phụ huynh sẵn sàng vui vẻ nộp hồ sơ, nộp tiền cho con vào các trường dân lập. Nhưng tranh thủ lúc thông tin chưa công bố, các trường dân lập thu hồ sơ, thu tiền trước là không bình thường. Học sinh phải đóng 1-2 tháng học phí, đóng tiền xây dựng trường, đóng cả tiền đồng phục trong khi họ chưa biết có nhập học hay không thì liệu có hợp lý không, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Toản: Mình cũng phải xem lại việc tự nguyện của mình vì trường ngoài công lập là người ta tự chủ, người ta có những công tác quản lý mở hơn. Trường ngoài công lập ngoài việc theo đuổi giáo dục thì họ còn là doanh nghiệp, thế nên học sinh thực sự là khách hàng, là tự nguyện.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet