Đề thi THPT quốc gia năm nay được nhiều chuyên gia đánh giá độ khó tăng, tính phân loại cao nên điểm chuẩn sẽ có nhiều biến động, đặc biệt với những ngành, trường top trên
Điểm chuẩn các ngành ĐH Y Hà Nội giảm nhẹ
Trao đổi với PV báo VietNamnet, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định: "Đương nhiên điểm chuẩn năm nay sẽ giảm vì chủ trương chung là phân loại thí sinh. Điểm chuẩn vào trường chắc chắn sẽ giảm một chút nhưng dự đoán giảm bao nhiêu điểm ở thời điểm hiện tại là quá sớm và rất khó".
Năm ngoái, điểm chuẩn vào Trường ĐH Y Hà Nội cao nhất là 29,25 điểm (ngành Y đa khoa). Các ngành còn lại đều giao động từ 26 đến 28 điểm trừ Y tế cộng đồng và Dinh Dưỡng- 24 điểm. Năm nay, Trường ĐH Y Hà Nội tuyển 1120 chỉ tiêu, trong đó có 15% chỉ tiêu mỗi ngành cho diện tuyển thẳng. Hai ngành Điều dưỡng và Dinh dưỡng có tăng chỉ tiêu. Tổ hợp xét tuyển của trường năm nay vẫn không đổi - khối B.
Điểm chuẩn các ngành thuộc ĐH Y Hà Nội đều có xu hướng giảm nhẹ. Ảnh: Zing |
ĐH Kinh tế Quốc dân: Khó có ngành lấy điểm chuẩn ở mức 27 điểm
TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ với Zing.vn, hiện nay chưa có phổ điểm nên chưa thể khẳng định về điểm chuẩn. Tuy nhiên, nếu thực tế đúng như những gì dư luận phản ánh sau kỳ thi, phổ điểm giảm, điểm chuẩn sẽ giảm chung.
Ông đánh giá điểm trúng tuyển vào trường sẽ thấp hơn năm ngoái, đặc biệt đối với những ngành lấy điểm cao. Do vậy, trường khó có ngành lấy điểm chuẩn 27 điểm như đợt tuyển sinh 2017. Những ngành lấy điểm ở mức trên dưới 20 điểm sẽ ít bị ảnh hưởng.
Ông Triệu nói thêm đối với trường thường lấy điểm trúng tuyển tương đương mức đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định ở các năm trước, điểm chuẩn cũng khó hạ thấp dưới 15.
"Nếu đúng như Bộ nói, tức 60% câu hỏi ở mức thông thường, 40% để phân loại, điểm trung bình vẫn là 5. Lấy dưới mức này sẽ ảnh hưởng tới uy tín trường", ông Triệu lý giải.
ĐH Bách Khoa Hà Nội: Chưa xuất hiện trường hợp đạt 28, 29 điểm
Từ tình hình làm bài của thí sinh, TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhiều thí sinh than đề khó, không làm được hết. Do đó, số lượng điểm 9, 10 sẽ ít hơn so với năm ngoái.
"Đề thi khó, điểm giảm thì điểm chuẩn khả năng cao sẽ giảm. Tuy nhiên, khi chưa có phổ điểm, khó xác định sẽ giảm bao nhiêu", ông nói.
Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ thêm trong quá trình tư vấn tuyển sinh, trường ghi nhận nhiều thí sinh được 22, 23 điểm. Trường hợp đạt 28, 29 điểm chưa xuất hiện, không loại trừ khả năng các em tự tin, không cần tư vấn.
Những thí sinh đạt 22, 23 điểm lo lắng về việc ứng tuyển các ngành "hot" của trường vì mức điểm này quá thấp so với điểm chuẩn năm ngoái.
Dù vậy, trường vẫn động viên các em còn cơ hội vì mặt bằng chung điểm thấp, trường chắc chắn không thể lấy điểm trúng tuyển cao.
Các trường Kỹ thuật, Kinh tế…điểm chuẩn có thể giảm đến 3 điểm
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khẳng định "điểm chuẩn vào trường chắc chắn sẽ giảm từ 1-3 điểm".
Năm ngoái, điểm chuẩn của trường này dao động từ 19-25,5, trong đó ngành Công nghệ Kỹ thuật Ôtô (hệ đại trà) có điểm cao nhất là 25,5. Trường có một số ngành nóng như Ngôn ngữ Anh, Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí (hệ đại trà), Công nghệ Chế tạo máy (hệ đại trà), Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng (hệ đại trà) đều có điểm chuẩn ở mức 24,5 điểm.
Tuy nhiên năm nay trườngmở rộng phương thức tuyển sinh, không chỉ dựa vào kì thi THPT quốc gia mà còn tuyển thẳng học sinh giỏi từ các trường THPT chuyên, các trường THPT top 200…
Tương tự, ông Từ Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng dự đoán, "do đề thi phân hóa hơn nên có thể điểm chuẩn vào trường sẽ giảm một chút so với năm trước". Năm trước điểm chuẩn của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cao nhất (tổng 3 môn) là 24,5, còn thấp nhất là 21,5. Ngành ngôn ngữ anh tuy có điểm chuẩn 25,5 nhưng đã nhân hệ số.
Nguyễn Phượng(T/h)